Từ nhà tôn lung lay đến tổ ấm vững chãi
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã nỗ lực không ngừng trong việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có mái ấm ổn định và vững chắc, góp phần vào Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Gia đình bà Thị Đẹt, một hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, từng phải sống trong cảnh chật vật. Ngôi nhà của bà chỉ là một túp lều tạm bợ dựng bằng những tấm tôn cũ kỹ, trên nền đất ẩm ướt, lồi lõm.
“Nhiều năm qua, căn nhà đã không còn sức che mưa che nắng. Mỗi khi trời nổi gió lớn hay mưa bão, cả căn nhà như muốn lung lay, mọi người trong nhà ai cũng lo sợ”, bà Đẹt chia sẻ.
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, chỉ lo cái ăn cái mặc hàng ngày đã khó khăn, ước mơ về một căn nhà kiên cố dường như là điều không tưởng đối với bà.

Thế nhưng, niềm hạnh phúc đã vỡ òa khi gia đình bà Đẹt trở thành một trong hai hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cuối cùng tại Cờ Đỏ được hỗ trợ đất và kinh phí để xây dựng nhà mới.
“Sau bao năm sống trong sự lo toan, thấp thỏm mỗi mùa mưa bão, giờ đây chúng tôi đã có được một tổ ấm kiên cố, vững chãi. Đây không chỉ là chỗ ở, mà còn là niềm hạnh phúc, động lực lớn để chúng tôi vươn lên, xây dựng tương lai tươi sáng hơn”, bà Đẹt xúc động nói.
Ông Huỳnh Mười Một, Bí thư xã Cờ Đỏ cho biết, địa phương đã khảo sát và vận động nguồn lực để xây dựng hoàn thành 51 căn nhà cho các hộ đủ điều kiện xây dựng trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Thủ tướng và UBND thành phố.
Gần 62 tỷ đồng thắp sáng ước mơ “an cư”
Theo báo cáo kết quả triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến ngày 20/4/2025, TP Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ người có công với cách mạng.
Từ tháng 8/2024 - tháng 4/2025, tổng cộng có 1.066 căn nhà trên địa bàn đã được xây mới hoặc sửa chữa và bàn giao, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, có 125 căn hộ người có công với cách mạng (xây mới 68 căn, sửa chữa 57 căn); 941 căn hộ nghèo, hộ cận nghèo (xây mới 787 căn, sửa chữa 154 căn).
Riêng năm 2024, Cần Thơ đã xây dựng, sửa chữa 535 căn nhà và bàn giao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện theo quy định.
Năm 2025, thành phố tiếp tục thực hiện phê duyệt xây mới và sửa chữa 531 căn đã bàn giao cho 406 hộ nghèo, hộ cận nghèo, 125 hộ người có công với cách mạng đủ điều kiện theo quy định trước đại lễ 30/4/2025.

Tổng kinh phí huy động cho chương trình này lên tới gần 62 tỷ đồng, với sự đóng góp đa dạng từ ngân sách thành phố (hơn 16 tỷ đồng), ngân sách Trung ương (gần 1,6 tỷ đồng), huy động xã hội hóa (gần 41 tỷ đồng) và đóng góp của hộ gia đình (hơn 3 tỷ đồng). Ngoài ra, hơn 2.500 ngày công lao động cũng đã được huy động.
Theo Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát TP Cần Thơ, Chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” do Thủ tướng Chính phủ phát động là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo được sự đồng thuận cao hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia.
Qua đó, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam, động viên, khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Công tác triển khai minh bạch từ nguồn lực huy động và xác định đối tượng, đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lắp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục, theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền về Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc chăm lo, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công với cách mạng có nhà ở ổn định.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác nhà ở, nghiên cứu các giải pháp phù hợp và đẩy mạnh huy động nguồn lực, mở rộng các hình thức hỗ trợ linh hoạt để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.