'Biến' tinh dầu dạng lỏng thành bột

GD&TĐ -Nhận thấy tinh dầu thực vật dạng lỏng bất tiện trong sử dụng, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nông lâm TPHCM đã ứng dụng công nghệ vi bọc và kỹ thuật sấy phun đưa sang dạng bột.

PGS.TS Mai Huỳnh Cang (Phó Trưởng Khoa Công nghệ hóa học thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) trình bày về công nghệ biến tinh dầu nước thành bột.
PGS.TS Mai Huỳnh Cang (Phó Trưởng Khoa Công nghệ hóa học thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) trình bày về công nghệ biến tinh dầu nước thành bột.

Hạn chế bay hơi, tiện lợi khi sử dụng

PGS.TS Mai Huỳnh Cang, Phó Trưởng khoa Công nghệ hoá học thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết, tinh dầu là một hợp chất bao gồm nhiều chất có khả năng bay hơi, có mùi hương đặc trưng, có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Tinh dầu có 3 dạng tồn tại chính là nằm trong tế bào thực vật (tinh dầu từ các loài hoa), dạng tinh dầu nằm trong lông tiết (tinh dầu từ các loại lá rau, lá cây), dạng tinh dầu nằm trong túi tiết (từ vỏ quả chi citrus – trái cây có múi).

Tinh dầu có thể dùng trong các sản phẩm mỹ phẩm (chăm sóc da, tóc); dùng trong thực phẩm (làm đồ uống, gia vị thực phẩm); các sản phẩm chăm sóc gia đình (xịt phòng, chống muỗi...).

Về các kỹ thuật tách chiết tinh dầu, TS Cang cho biết, phương pháp phổ biến nhất hiện nay là chưng cất lôi cuốn hơi nước. Quy trình chưng cất lôi cuốn hơi nước gồm các bước cơ bản như nguyên liệu được xay nhuyễn đưa vào hệ thống chưng cất lôi cuốn hơi nước gián tiếp cho ra hỗn hợp tinh dầu thô và nước, sau đó làm khan hỗn hợp và tách tinh dầu.

Trong quy trình này, cần kiểm soát được các yếu tố quan trọng là nhiệt độ, ẩm độ, vận tốc khuấy, kích thước nguyên liệu và tỷ lệ nước đưa vào.

Theo PGS.TS Mai Huỳnh Cang, qua các nghiên cứu có thể thấy tinh dầu có những tính chất đặc trưng, có tác dụng tốt, nhưng vấn đề chính là làm sao đưa được những sản phẩm tinh dầu vào sử dụng trong cuộc sống. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật làm cho tinh dầu trở nên dễ sử dụng hơn, trong đó có công nghệ vi bọc tinh dầu sử dụng kỹ thuật sấy phun.

Công nghệ vi bọc tinh dầu sử dụng kỹ thuật sấy phun sẽ đưa tinh dầu về dạng bột, giúp khắc phục tình trạng dễ bay hơi của tinh dầu dạng lỏng cũng như bảo vệ được các hoạt chất tốt có trong tinh dầu, đa dạng hóa sản phẩm và tiện lợi sử dụng.

Theo PGS.TS Mai Huỳnh Cang, kỹ thuật sấy phun là phương pháp sản xuất bột khô từ chất lỏng hoặc bùn, bằng cách làm khô nhanh bằng khí nóng. Khi đưa dung dịch qua bồn sấy, sẽ tiếp xúc với một luồng không khí nóng ở nhiệt độ 140 - 180 độ C, lúc này dung dịch sẽ trở thành dạng bột. Sử dụng phương pháp này, tinh dầu được bảo vệ hoạt chất tốt nhất, bằng cách đưa những chất trợ sấy, chất men vào để bao bọc, bảo vệ thành phần tinh dầu.

Bột tinh dầu có thể tan trong nước

PGS.TS Mai Huỳnh Cang cho hay, tinh dầu dưới dạng bột tiện sử dụng, giúp đa dạng hóa được sản phẩm. Cụ thể, tinh dầu ở dạng lỏng thì không tan trong nước, nhưng khi đưa về cấu trúc vi bọc thì có khả năng hòa tan trong nước. Khi chế biến sản phẩm thực phẩm như nước cam, nước sả, thay vì phải dùng nước ép sả, có thể dùng bột có mùi hương này.

“Việc chuyển đổi trạng thái tồn tại của tinh dầu sang dạng bột có ý nghĩa rất lớn trong bảo quản, ứng dụng. Điều đáng nói là thành phần tinh dầu không thay đổi, lại có thể tan trong nước nên mở rộng phạm vi ứng dụng của tinh dầu, nâng cao giá trị sản phẩm”, PGS.TS Mai Huỳnh Cang nói.

Nhóm nghiên cứu tại ĐH Nông Lâm đã sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm bột tinh dầu (bạc hà, hương nhu trắng, húng quế, hương thảo) bằng công nghệ vi bọc tinh dầu sử dụng kỹ thuật sấy phun.

Kết quả cho thấy, các thành phần hóa học tinh dầu bạc hà, hương nhu trước và sau khi vi bọc sấy phun không có sự khác biệt đáng kể, chứng tỏ vẫn giữ được các thành phần chính của tinh dầu. Đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa của tinh dầu trước và sau quá trình vi bọc cũng không có sự thay đổi đáng kể

Độ tan của bột tinh dầu đạt trên 92%. Bột tinh dầu có thể sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm thông thường, thực phẩm chức năng, thuốc sủi bọt, bột nêm, nước có gas, nước hoa… TS Mai Huỳnh Cang cho biết, hiện nhóm nghiên cứu có thể chuyển giao, cung cấp các sản phẩm, kỹ thuật nghiên cứu nêu trên cho các công ty, đơn vị có nhu cầu ứng dụng sản phẩm tinh dầu và bột vi bọc trong sản xuất thực phẩm (làm các chất bảo quản, viên/bột gia vị, nước uống); thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ