Công nghệ phân tách và nano tạo tinh dầu diệt khuẩn

GD&TĐ - Flustop có thể dùng để sát khuẩn nhanh bàn tay và các bề mặt vật dụng; tăng khả năng sát khuẩn của khẩu trang, tạo thêm lớp màng “bảo vệ kép” ngăn vi khuẩn, virus; khử mùi không khí, xua đuổi côn trùng…

Chiết xuất tinh dầu cây dược liệu bằng công nghệ nano.
Chiết xuất tinh dầu cây dược liệu bằng công nghệ nano.

Ứng dụng công nghệ phân tách và nano, nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần quốc tế AOTA (TPHCM) đã nghiên cứu, sản xuất ra tinh dầu nano từ các loại dược liệu, có tác dụng sát khuẩn nhanh bàn tay và các bề mặt vật dụng, trong đó có khẩu trang.

Tinh dầu từ cây dược liệu

TS Lưu Xuân Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế AOTA cho biết, một số dược liệu của Việt Nam như gừng, sả, bưởi, chanh, tràm, bạch đàn… chứa nhiều hoạt chất, có thể điều hòa hệ miễn dịch, kháng viêm, kháng khuẩn… Tuy nhiên, các loại tinh dầu được chiết xuất thô thường có hàm lượng hoạt chất quan trọng thấp, thành phần dược tính chưa cao.

Ngoài ra, trong tinh dầu vẫn lẫn nhựa của cây, làm cho khả năng thẩm thấu trên da bị giảm. Vì vậy, để khắc phục những nhược điểm này, nhóm nghiên cứu của Công ty AOTA đã ứng dụng các công nghệ phân tách và công nghệ nano để sản xuất tinh dầu diệt khuẩn từ các loại dược liệu của Việt Nam.

Theo quy trình sản xuất của nhóm nghiên cứu, ở công nghệ phân tách, sử dụng các thiết bị (do nhóm nghiên cứu, thiết kế) để tách tinh dầu từ lá và hạt của cây dược liệu, thu tinh dầu thô. Sau đó, tinh dầu được loại bỏ phần nhựa lẫn trong đó và tách thành các phân đoạn khác nhau dựa trên nhiệt độ sôi, nhiệt độ kết tinh để thu được hoạt chất quan trọng với hàm lượng cao.

Cụ thể, trong lá tràm gió có chứa α-Terpineol, một chất không chỉ có khả năng sát khuẩn tốt, mà còn kháng nấm hiệu quả, bằng công nghệ phân tách, nhóm có thể thu được 95% hàm lượng α-Terpineol có trong tinh dầu tràm gió. Cũng bằng cách này, nhóm có thể thu 95% Eugenol (có tác dụng sát khuẩn, kháng nấm) trong tinh dầu hương nhu, 90% Citral (có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, khử mùi) trong tinh dầu sả…

Từ các loại dược liệu được khoa học chứng minh có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kháng virus trên phổ rộng, gồm: Tràm gió, sả, gừng, bưởi, quế, đinh hương, hương nhu, hương thảo, bạch đàn, bạc hà, ngũ trảo, dầu hạt sacha inchi, nhóm đã sản xuất ra tinh dầu nano thảo mộc Flustop diệt khuẩn.

Flustop có thể dùng để sát khuẩn nhanh bàn tay và các bề mặt vật dụng; tăng khả năng sát khuẩn của khẩu trang, tạo thêm lớp màng “bảo vệ kép” ngăn vi khuẩn, virus; khử mùi không khí, xua đuổi côn trùng…

Thử nghiệm khả năng diệt khuẩn lên vải không dệt có xịt tinh dầu Flustop tại Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho thấy, tinh dầu có khả năng diệt đến 99,9% các loại vi khuẩn như: Esccherichia coli (gây bệnh đường ruột), Pseudomonas aeruginosa (gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, não), Bacillus cereus (gây tiêu chảy, nôn ói), Staphylococcus aureus (gây bệnh tụ cầu vàng trong máu và da). Đồng thời, có tác dụng diệt khuẩn trong 8 giờ sau khi xịt tinh dầu lên vải, khẩu trang (y tế, cotton).

Nano hóa tinh dầu tăng khả năng thẩm thấu

Ngoài ra, để tăng khả năng thẩm thấu, nhóm áp dụng công nghệ nano hóa, tạo ra các hạt siêu nhỏ, có kích thước 10 – 20nm. Theo TS Cường, với kích thước siêu nhỏ này, trong một lần xịt có khoảng hai triệu tỷ hạt tinh dầu ở dạng nano được phun ra. Do đó, các hạt hoạt chất này có khả năng bám dính đều lên bề mặt khẩu trang cũng như sợi vải rất tốt, tạo thành một lớp màng bảo vệ.

Với kích thước hạt bé hơn kích thước virus, lớp màng bảo vệ này có thể ngăn được sự xâm nhập của vi khuẩn, virus… Ngoài ra, hương thơm tự nhiên của tinh dầu còn mang lại cảm giác dễ chịu, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi khi phải đeo khẩu trang trong thời gian quá lâu.

Tinh dầu diệt khuẩn có tác dụng tương tự như nước sát khuẩn, giúp hạn chế sự xâm nhập của virus, vi khuẩn. Nếu người dân thực hiện nghiêm túc 5K và thường xuyên xịt tinh dầu diệt khuẩn sẽ hỗ trợ phòng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, tinh dầu cần sử dụng đúng liều lượng, nếu dùng quá liều sẽ gây hại đến sức khỏe.

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, tinh dầu nhìn chung đều mang các hợp chất kháng khuẩn và kháng siêu vi trùng, nên khi đi vào cơ thể, chúng giúp diệt mầm bệnh. Còn khi dùng liệu pháp mùi thơm, khi ta hít vào, các phân tử mùi hương trong tinh dầu sẽ đi trực tiếp từ dây thần kinh khứu giác lên não và đặc biệt tác động đến hạch hạnh nhân, trung tâm cảm xúc của não. Qua đó, liệu pháp mùi thơm có thể giúp bạn giảm các triệu chứng căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, buồn nôn… Một số tinh dầu còn được sử dụng để mát-xa.

Các hợp chất cụ thể khác nhau tùy thuộc vào loại dầu cụ thể, nhưng có hai hợp chất đáng kể đó là aldehyde và phenol. Aldehyde là một chất khử trùng phổ rộng với khả năng khử trùng và tiêu diệt nấm, virus và vi khuẩn.

Còn phenol là hợp chất hoạt động như chất chống oxy hóa, cũng đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn. Sức mạnh của các hợp chất này trong việc tiêu diệt mầm bệnh khiến một số nhà nghiên cứu tin rằng, tinh dầu có thể ức chế hiệu quả sự phát triển của một số loại vi khuẩn.

Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tinh dầu có 2 mặt lợi và hại. Nếu ta dùng đúng, chúng sẽ giúp ta cải thiện sức khỏe và ngược lại, nếu không dùng đúng, sẽ gây hại đến sức khỏe. Ví dụ như có nghiên cứu cho thấy, dùng tinh dầu tràm trà (tea tree oil) quá liều có thể làm cho bé trai phát triển tuyến vú vì có chứa hoạt chất bắt chước estrogen và ức chế sản xuất testosterone… Muốn an toàn cho sức khỏe, tốt nhất bạn nên kiểm tra thử xem mình có bị dị ứng với tinh dầu và cả dầu nền hay không.

Kiểm tra bằng cách dùng một giọt tinh dầu/dầu nền thoa vào mặt trong cổ tay, băng lại và xem phản ứng trong vòng 24 giờ. Nếu không có dị ứng, như ngứa da, đỏ da… thì có thể dùng. Nếu bị dị ứng thì mau rửa vị trí thử nghiệm với nước và không sử dụng loại tinh dầu đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ