Khả năng lây lan của biến thể mới được dự đoán là trên 70%, có thể lây dù chỉ đi qua người bệnh.
Nâng công suất xét nghiệm
Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành chiều ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, các địa phương phải thay đổi chiến thuật trong phòng chống dịch, nâng cao hơn một mức, nhanh hơn một mức. Đồng thời, phải song song tiến hành hai biện pháp truy vết, khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Như vậy mới có thể ngăn chặn được dịch.
Theo lãnh đạo ngành y tế, nâng công suất xét nghiệm là “vô cùng quan trọng”. Theo Bộ trưởng, bài học thành công trong chống dịch tại Đà Nẵng vào tháng 7 -8/2020 là nâng công suất xét nghiệm. Khi truy vết, lấy mẫu trên diện rộng ở cộng đồng, công suất xét nghiệm phải bảo đảm đủ đáp ứng yêu cầu lấy mẫu. Tới nay, Hải Dương đã tự chủ được phần xét nghiệm, có thể xử lý 15.000 mẫu mỗi ngày.
Bộ trưởng đồng thời kêu gọi thành lập ngay cơ sở điều trị Covid-19, dù số bệnh nhân còn ít. Các tỉnh có dịch phức tạp cần thành lập bệnh viện dã chiến ngay.
“Như Hải Dương lúc đầu xảy ra dịch, toàn bộ bệnh nhân nằm trong khu cách ly, không được điều trị”, ông Long dẫn chứng.
Ông Long nhấn mạnh, vấn đề đặc biệt quan trọng là tất cả các tỉnh phải bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Bài học từ Công ty Poyun, công nhân không đeo khẩu trang nên lây một loạt ca do tiếp xúc gần trong môi trường kín.
Các tỉnh cũng cần hạn chế tối đa những sự kiện tập trung đông người ở khu vực kín, triển khai biện pháp phòng chống tại nơi tập trung đông người, công sở... Cài đặt các ứng dụng khai báo y tế để biết có gần F0 hay không. Bộ trưởng Long cũng khuyến cáo các địa phương chủ động. Nếu thấy tình hình cần thiết, giãn cách ngay theo chỉ thị 15, 16 của Chính phủ.
Bảo vệ nhóm nguy cơ
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), virus sẽ lây nhanh hơn khi thời gian ủ bệnh trung bình ngắn hơn. Cụ thể, trước đó, cần 5 - 6 ngày để một người phát tán virus ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, có thể chỉ cần 2 - 3 ngày. Do đó, chuyên gia này cho rằng, cần truy vết nhanh, thực hiện 5K, khai báo thật và nhanh, năng lực xét nghiệm nhiều và nhanh.
Bên cạnh đó, người bệnh sẽ phát tán virus nhiều và lâu hơn. Virus cũng tồn tại lâu hơn trong môi trường. Đáng lo ngại là, sẽ nhiều người mắc bệnh không triệu chứng hơn. Trước tình hình này, bác sĩ Khanh khuyến cáo, mọi người cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay, duy trì nhiệt độ từ 27 trở lên, cửa sổ thông thoáng. Trong khi đó, ngành y tế nên cách ly sớm và đủ người bệnh.
Chuyên gia cho rằng, tỷ lệ người mắc virus này sẽ nhiều hơn chủng cũ là điều tất yếu. Và, virus sẽ tấn công nhanh hơn tới nhóm nguy cơ. Do đó, điều quan trọng là bảo vệ nhóm này, không để virus lây lan trong bệnh viện.
4 chu kỳ trong 10 ngày
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Mỗi một lần virus lây nhiễm từ một vật chủ sang vật chủ mới, phát triển trong cơ thể vật chủ mới đến mức có thể lây lan tiếp tức là một chu kỳ. Từ F0 lây sang F1 rồi từ F1 lây sang F2, từ F2 lây sang F3 rồi F3 sang F4,… Từ F0 đến F3 đã có 4 chu kỳ phát triển trong 4 vật chủ trước khi lây sang vật chủ mới”.
Chuyên gia nhận định, loại virus biến chủng mới lần này có chu kỳ lây truyền ngắn hơn trước, chỉ khoảng 3 ngày. Sau 10 ngày, nó có thể đã đi qua 4 chu kỳ. Như vậy, trong các ca nhiễm Covid-19 mới tại Hải Dương có thể có những ca đã là F3.
So sánh về tốc độ lây lan dịch giữa Đà Nẵng và Hải Dương cho thấy, tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại Hải Dương nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần. Kết quả phân tích các trường hợp dương tính theo ngày khởi phát tại Đà Nẵng cho thấy, chu kỳ lây nhiễm ước tính trung bình 5 - 7 ngày. Còn ở Hải Dương chỉ trong vòng khoảng 3 ngày, gần gấp đôi tại Đà Nẵng.
“Khả năng lây của biến chủng mới rất nhanh. Theo tính toán của thế giới là khoảng 70%, nhưng thực tế có thể hơn. Với các chủng virus trước, có thể đi qua người nhiễm không lây, nhưng với biến chủng mới thì chỉ cần đi qua cũng có thể lây”, PGS Nga cảnh báo.
Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh, để đối phó khi dịch Covid-19 đã đi qua 4 chu kỳ, cần truy vết rộng hơn. Rà soát những người tiếp xúc đang tăng lên theo cấp số nhân. Như vậy, phải kích hoạt tất cả hệ thống phòng chống dịch trên cả nước. Phải đặt trong tình huống là ở bất kỳ đâu cũng có thể bùng phát dịch trong cộng đồng, nếu lơ là, mất cảnh giác, không tuân thủ các biện pháp chống dịch.
“Toàn bộ người dân trên tất cả các tỉnh thành cần ngay lập tức nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, bao gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế”, PGS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.