Hiện nay, chi phí cho việc mua 1 bộ SGK lớp 1 khá cao, trong khi hướng sử dụng sách 1 lần/mỗi năm học gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo việc thiết kế, biên soạn và thẩm định SGK cần tính đến việc sử dụng lâu dài qua các niên khóa học (tái sử dụng sách) để giảm chi phí, hạn chế khó khăn của phụ huynh và giảm thiểu lãng phí cho xã hội; nghiên cứu phương thức xã hội hóa trong hoạt động xuất bản để hướng đến giảm giá thành SGK.
Về sử dụng SGK mới được lâu dài, Bộ GD&ĐT cho biết đã quán triệt nghiêm việc biên soạn SGK phải sử dụng được nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào SGK); khuyến khích học sinh giữ gìn SGK.
Trong quá trình thẩm định, theo các tiêu chuẩn SGK quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn Hội đồng thẩm định các tiêu chuẩn xét duyệt SGK rất cụ thể: Không có khoảng trống để học sinh điền thông tin hoặc yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp vào SGK. SGK được biên soạn, thiết kế phù hợp, khoa học giữa các phần và theo hướng khuyến khích người học sử dụng lâu dài, tránh lãng phí. Các trang sách được trình bày cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, giữa tuyến cung cấp thông tin và tuyến tổ chức hoạt động học của học sinh; giữa các phần tử in và khoảng trống. Khổ sách, định lượng giấy in ruột sách, độ trắng, độ đục của giấy in SGK và kỹ thuật gia công sách, khuôn khổ bát chữ, cỡ chữ, kiểu chữ và lề trắng phía trên, phía dưới, bên trái, bên phải của trang sách tuân thủ quy định tiêu chuẩn quốc gia về sách TCVN 8694-2011.
Về xã hội hóa và giá thành SGK, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 - 12 theo lộ trình quy định; hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn SGK phổ thông, để giảm giá thành SGK.
Theo quy định của Luật Giá 2012, SGK là mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính (cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về giá). Theo đó, doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.
Để quản lý chặt chẽ giá SGK, trong quá trình các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 với Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT đã phối hợp rà soát và có 3 công văn đề nghị các nhà xuất bản nghiêm túc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, giảm tối đa giá SGK nhằm mục tiêu bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ (sau 5 - 6 lần thực hiện rà soát, phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản đã giảm so với lần đầu từ 5 - 18% theo giá bìa từng cuốn).
Xác định SGK là mặt hàng thiết yếu, ảnh hướng đến nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với SGK. Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trình Quốc hội quyết định việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa bình ổn giá (hoặc do Nhà nước định giá).