Bên cạnh đó, các F0 cũng có thể làm ảnh hưởng tới nhân sự khác của công ty. Do đó, trong trường hợp này, có thể cho phép F0, F1 cách ly tại công sở và tiếp tục làm việc.
Nhiều khu vực ghi nhận số ca mắc tăng
Trong tuần qua, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Đắk Lắk... Để tạo miễn dịch cộng đồng, những địa phương này đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vắc-xin còn thấp.
Trong khi đó, những ngày qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng. Đặc biệt, nhiều ca mắc được ghi nhận tại cộng đồng, với ổ dịch phức tạp. Cụ thể, ngày 30/10, Thủ đô ghi nhận thêm 42 ca mắc, trong đó có 20 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Sau đó, ngày 31/10, số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng lên 49 trường hợp. Đáng ngại, các ca bệnh không chỉ xuất hiện ở những ổ dịch cũ (Quốc Oai, Mê Linh, Đống Đa…) mà tiếp tục được phát hiện 2 chùm ca bệnh mới ở 2 quận Hoàng Mai và Nam Từ Liêm.
Tại TPHCM, ngày 1/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 927 trường hợp nhiễm mới. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh tăng, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế, xã hội được khôi phục.
Theo HCDC, cần thực hiện nghiêm các bộ tiêu chí an toàn trong kinh doanh sản xuất. Thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh và không được chủ quan, lơ là. HCDC nhấn mạnh, kiểm soát dịch tốt là tiền đề cơ bản để phát triển kinh tế.
Ngày 1/11, Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế, sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận sự gia tăng ca mắc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương nhiều.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Triển khai tốt hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa. Kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở…
Khó lây bệnh khi đeo khẩu trang và tiêm phòng đủ
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh/thành có xu hướng tăng, không ít ý kiến cho rằng, việc mở cửa hiện tại là “nóng vội”. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) nhận định, việc chờ không có F0 mới mở cửa là điều không thể.
Chuyên gia nhấn mạnh, tiêm phòng vắc-xin Covid-19 nhằm hạn chế số ca mắc, giúp hệ thống y tế không quá tải. Thực tế, tiêm phòng Covid-19 không phải để đưa F0 bằng không.
“Không thể không còn F0 vì đây là “virus người”. Việc mở cửa khi phủ đủ vắc-xin là bắt buộc phải làm. Không thể chờ tất cả tỉnh khác hoặc toàn thế giới tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 rồi mới mở cửa”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Theo chuyên gia này, những vùng đã thành công khống chế để dịch không xâm nhập có thể mở cửa. Trong khi đó, những khu vực có dịch tái bùng phát nên đóng cửa.
Chia sẻ về nguy cơ khi các tỉnh/thành mở cửa, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, điều đáng lo ngại nhất là các F0 lây bệnh cho người xung quanh. Đặc biệt, nếu người bị lây chưa được tiêm vắc-xin và có bệnh lý nền, cao tuổi, nguy cơ sẽ cao. Bên cạnh đó, F0 cũng có thể làm ảnh hưởng tới nhân sự của công ty. Do đó, trong trường hợp này, cần cho phép F0, F1 cách ly tại công sở và tiếp tục làm việc.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cảnh báo, không phải cứ tiêm phòng Covid-19 là sẽ không bị bệnh nặng. Thậm chí, không ít trường hợp dù đã tiêm 2 mũi vắc-xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, cần phân tích họ thuộc nhóm gì, có bệnh nền không, độ tuổi bao nhiêu... Đặc biệt, cần phân tích xem tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 bị nặng là bao nhiêu.
Chuyên gia nhận định, khi đi ăn nhà hàng hoặc du lịch, nếu chỉ tiếp xúc với những người đi cùng, sẽ không thể mắc Covid-19. Đặc biệt, cần lưu ý ngồi trong gia đình, giữ khoảng cách 2m với những người lạ. Khi đứng lên cần mang khẩu trang và rửa tay.
Tại công sở, mọi người được khuyến cáo giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, hạn chế ăn uống chung. Bởi, theo bác sĩ Khanh, người mắc bệnh nếu nghiêm túc đeo khẩu trang và tiêm phòng đủ sẽ rất khó lây Covid-19 cho người khác. Nguy cơ lây bệnh cao nhất tại công sở là khi mọi người ăn uống chung.
Theo chuyên gia này, virus SARS-CoV-2 chủng Delta sẽ khiến người mắc phát bệnh trong khoảng 7 ngày, hiếm khi lâu hơn. Do đó, trước khi tới đám đông, cần tìm hiểu xem những người ở đó đã tiêm phòng chưa. Sau khi tiếp xúc với đám đông trong 7 ngày, cần nghiêm chỉnh thực hiện đeo khẩu trang tại nơi làm việc.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định, việc mở cửa hiện nay là vô cùng bình thường. Điều quan trọng là mọi người có ý thức bảo vệ người ở nhà. Bởi, sẽ không bao giờ là an toàn tuyệt đối.
“Bao giờ cũng có xác suất nhất định. Có thể SARS-CoV-2 sẽ trở thành virus thông thường”, chuyên gia chia sẻ.