Biến đổi màu sắc da do bạch tạng và bạch biến

GD&TĐ - Sắc tố da bị giảm do các bệnh bạch tạng và bạch biến gây ra sự biến đổi màu sắc của da. Đôi khi, người ta nhầm lẫn tên gọi giữa hai bệnh này, vì chúng đều làm cho màu sắc da thay đổi.

Bệnh bạch tạng làm thay đổi màu tóc.
Bệnh bạch tạng làm thay đổi màu tóc.

Tuy có chung biểu hiện đó, nhưng nguyên nhân và các đặc điểm bệnh lý khác thì không hề giống nhau chút nào…

Bệnh bạch tạng

Bệnh bạch tạng (albinism) không chỉ gặp ở người mà còn gặp ở nhiều loài động vật có xương sống khác. Đây là bệnh bẩm sinh do sự trục trặc quá trình sinh tổng hợp chất “lên màu” đen cho da, tóc, lông và mắt là sắc tố melanin. Sự thiếu hụt sắc tố melanin làm cho da, tóc, lông và mắt người bệnh hoặc động vật bệnh bị nhạt màu.

Điểm đáng lưu ý là da người bệnh bạch tạng dễ bị bỏng nắng và dễ bị ung thư hơn những người bình thường. Ngoài ra, người bệnh còn có những vấn đề nghiêm trọng về thị giác như giảm thị lực, rối loạn thị giác và thậm chí là sợ ánh sáng - do mống mắt và đáy mắt trong suốt không che chắn bớt ánh sáng được. Do vậy, khi đi ta ngoài, người bệnh thường phải che chắn như “Ninza” và đeo kính mát như “Điệp viên 007”.

Nguyên nhân gây bệnh nằm ở cấp độ tế bào, do sự rối loạn gien và mang tính di truyền. Bệnh lộ diện do cặp gien lặn đồng hợp tử. Nếu cả bố mẹ đều bị bạch tạng thì sẽ sinh con mắc bệnh bạch tạng. Nếu bố mẹ chỉ mang gien lặn về bệnh bạch tạng thì trong số con cái có thể mắc bệnh hoặc không.

Về bản chất sinh hóa học, gien đó làm cho cơ thể thiếu men tyrosinase. Đây là loại men đóng vai trò quan trọng trong sản xuất sắc tố melanin. Vai trò của chất melanin ngoài định hình màu sắc da, lông, tóc, mắt còn ngăn cản tác hại của tia cực tím có trong ánh sáng Mặt trời.

Các dấu hiệu nhận biết: Trường hợp bệnh điển hình tóc bạc trắng như… Tiên Ông. Da nhạt màu và ửng hồng nhất là khi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một số trường hợp có sự gia tăng lượng sắc tố melanin theo tuổi tạo ra nhiều đốm tàn nhang, nốt ruồi hoặc các mảng sạm màu trên da.

Người gốc Đông Nam Á thường có đôi mắt đen. Nếu bị bạch tạng thì mắt sẽ đổi màu từ nâu đến xanh. Trẻ mắc bệnh bạch tạng sớm có những vấn đề về mắt như rung giật nhãn cầu, loạn thị, cận thị hay viễn thị sớm…

Những tác động mang tính tâm lý: Nhìn chung, người mắc bệnh bạch tạng vẫn có thể hoạt động sống bình thường và có tuổi thọ như bao người khác. Tuy nhiên, do sự khác biệt lớn về ngoại hình nên họ trở thành nhân vật trung tâm mỗi khi xuất hiện.

Hoặc nhận được sự chú ý của nhiều người xung quanh, hoặc bị phân biệt đối xử và thậm chí mang mặc cảm bị cô lập về mặt xã hội.

Nếu không vượt qua những thành kiến đó, người mắc bạch tạng sẽ đi vào ngõ cụt của sự cô độc, lòng tự trọng bị thương tổn với những cảm xúc mang tính tiêu cực và cuối cùng rơi vào trạng thái tâm thần trầm cảm.

Hướng điều trị: Vì bệnh mang tính di truyền và bẩm sinh nên không có điều trị đặc hiệu và chữa khỏi. Các vấn đề căn bản cần thực hiện ở người bệnh là bảo vệ da như mặc áo quần bảo hộ, bôi kem chống nắng, tránh ra nắng nhiều và bảo vệ mắt như dùng kính râm. Đặc biệt, thực hiện các điều chỉnh về thị lực để người bệnh có thể sinh hoạt, học tập và lao động bình thường.

Bệnh bạch biến

Dấu hiệu của bệnh bạch biến.

Dấu hiệu của bệnh bạch biến.

Bạch biến (vitiligo) là bệnh giảm sắc tố da khu trú và mang tính tự phát. Bệnh có biểu hiện là các dát trắng trên da, chứ không mang tính toàn thân như bệnh bạch tạng. Bệnh bạch biến tuy có yếu tố gia đình, nhưng cơ chế sinh bệnh vẫn đang làm đau đầu các nhà nghiên cứu. Người mắc bạch biến thường thấy có các bệnh đi kèm như bệnh tuyến giáp, tiểu đường, thiếu máu, bệnh tuyến thượng thận hoặc tủy xương.

Nguyên nhân gây bệnh: Các nhà nghiên cứu ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh bạch biến là do tiếp xúc với hóa chất độc hại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc bệnh khác lại không thể nào tìm ra một nguyên nhân xác thực để kết luận. Do đó, cơ bản về nguyên nhân gây bệnh bạch biến vẫn còn nằm sau bức màn bí mật của khoa học và đòi hỏi tiếp tục được nghiên cứu và khám phá.

Hiện nay, ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, bệnh bạch biến có liên quan đến một số yếu tố mang tính di truyền, tự miễn, nhiễm một số loài virus hoặc các chất oxy hóa xuất hiện trong cơ thể quá nhiều tạo ra hiện tượng gọi là stress oxy hóa.

Phân loại bạch biến: Bệnh bạch biến được chia thành hai loại cơ bản mà trong chuyên môn gọi là “thể”, như sau:

- Thể không đứt đoạn (non-segmental vitiligo): Các mảng da bị mất sắc tố nằm đối xứng nhau. Theo thời gian, các vùng da mới bị mất sắc tố xuất hiện thêm và lan ra một vùng cơ thể và đôi khi là toàn bộ cơ thể.

- Thể đứt đoạn (segmental vitiligo): Những vùng da mất sắc tố có khuynh hướng ở một bên của cơ thể và thường nằm gần với các rễ thần kinh tủy sống.

Hướng điều trị: Do không biết rõ nguyên nhân gây bệnh, nên cũng không có các phương pháp điều trị mang tính đặc hiệu và hiệu quả. Người bệnh thường được chỉ định sử dụng kem bôi da có chứa corticoid, một số trường hợp kết hợp với chiếu tia UV (ultraviolet: Tia cực tím/ tia tử ngoại) hoặc Laser CO2.

Ngoài ra, vì tính thẩm mĩ nên người bị bạch biến thường dùng nhiều loại kem bôi da khác nhau để “che giấu” các mảng da đổi màu không mong muốn này. Người bệnh cũng cần được chuẩn bị về mặt tâm lý để đối diện với cuộc sống.

Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các phương pháp mới về điều trị bạch biến được nghiên cứu thực hiện. Đó là phẫu thuật cấy tế bào sắc tố da và ghép da tự thân. Nhưng hiện giá thành rất cao và chỉ có thể thực hiện ở những trung tâm y khoa lớn. Do đó, không được xem là phương pháp điều trị phổ biến.

Phân biệt giữa bạch tạng và bạch biến

Bệnh bạch tạng và bạch biến được phân biệt nhờ dựa vào các yếu tố sau đây:

Về bản chất: Bạch tạng là do giảm lượng sắc tố melanin trong cơ thể và mang tính toàn thân. Bạch biến là do mất sắc tố một vùng da chưa rõ nguyên nhân và mang tính cục bộ.

Về nguyên nhân: Bạch tạng mang tính di truyền do đột biến gien. Bạch biến do nhiều yếu tố tác động chưa được xác định một cách rõ ràng.

Về biểu hiện mắt: Bạch tạng gây ảnh hưởng mắt và thị lực. Bạch biến không gây ảnh hưởng mắt và thị lực.

Về bệnh lý liên quan: Bạch tạng vô can với các bệnh tự miễn. Trái lại, bạch biến có mối quan hệ khá chặt chẽ với các bệnh tự miễn như bệnh Addison (bệnh nội tiết, do suy tuyến thượng thận) và bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto (bệnh nội tiết, do tổn thương tế bào tuyến giáp).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ