Dữ liệu do Đài quan sát thiên văn Paranal ở Chile (nơi có Kính viễn vọng cực lớn VLT) thu thập trong 30 năm qua cho thấy, biến đổi khí hậu gây nhiều khó khăn cho quan sát thiên văn. Các nhà khoa học lo ngại trong tương lai, tình trạng này còn diễn biến xấu hơn nữa.
Kính viễn vọng cực lớn VLT được đặt trên sa mạc Atakama, nơi khô hạn nhất thế giới (trừ Nam cực). Khi nhiệt độ trung bình toàn thế giới tăng lên 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì nhiệt độ trung bình ở Atakama tăng lên 1,5 độ C trong vòng 40 năm gần đây.
Hóa ra, Kính viễn vọng VLT không được thiết kế để có thể hoạt động trong những điều kiện như vậy. Hệ thống làm lạnh của nó không hoạt động chính xác nếu như nhiệt độ không khí lúc hoàng hôn vượt quá 16 độ C. Trong những năm gần đây, số ngày nóng bức như vậy ngày càng nhiều.
Khi mái vòm che Kính VLT mở ra, nhiệt độ bên ngoài cao hơn nhiệt độ bên trong – điều này có thể dẫn đến giảm thiểu độ phân giải hình ảnh do các dòng nhiệt chảy rối bên trong. Các hình ảnh thu được thường bị mờ, không sắc nét.
Mặc dù Atakama là sa mạc, nhưng khu vực này có liên quan chặt chẽ với hiện tượng El Nino và các đợt gió mùa vào mùa hạ ngày càng mạnh do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để có thể quan sát bầu trời đêm trong dải hồng ngoại, lượng hơi nước trong không khí phải thấp.
Các luồng gió thổi nhanh (dòng tia) cận nhiệt đới phía Nam (chịu ảnh hưởng của El Nino) cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng hào quang đặc trưng, dẫn đến các rối nhiễu khí quyển thay đổi nhanh, đến mức hệ thống điều khiển kính viễn vọng không kịp điều chỉnh theo.
Các nhà thiên văn học lo ngại, nếu thế giới nóng lên khoảng 4 độ vào cuối thế kỷ này, thì các quan sát bầu trời nói chung sẽ trở nên bất khả thi. Chính vì lẽ đó, các kính viễn vọng tương lai cần được chế tạo sao cho có thể chịu được hậu quả tiềm tàng của nóng lên toàn cầu.