Biếc xanh cành lộc

GD&TĐ - Tết Nguyên đán là dịp để mọi người thực hiện nhiều hoạt động, phong tục tập quán truyền thống, như cúng tổ tiên, hái lộc, xông nhà, chúc Tết…

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Tết Nguyên đán là dịp để mọi người thực hiện nhiều hoạt động, phong tục tập quán truyền thống, như cúng tổ tiên, hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi… nhằm thắt chặt tình cảm gia đình, cầu mong một năm mới tốt lành. Trong đó, tục hái lộc đất trời cũng góp phần làm phong phú thêm ý nghĩa và giá trị truyền thống của Tết Nguyên đán.

Thì thầm mùa Xuân

Tục hái lộc đầu năm bắt nguồn từ thời vua Hùng. Vua Hùng đã chia cành lộc cho các con khi các con đi trấn giữ các phương, răn dạy dân làm ăn. Từ truyền thuyết này, cành lộc trở thành biểu tượng của sự cầu chúc an lành, hạnh phúc, may mắn, trở thành nét đẹp văn hóa, phong tục truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán.

Nền văn hóa của người Việt gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Sự gắn bó với đất đai, mật thiết với thiên nhiên đã cho người Việt niềm tin rằng tổ tiên luôn bên cạnh, đồng hành, chở che giúp họ cùng con cháu vượt qua chông gai, thách thức và luôn phù hộ cho họ có những vụ mùa bội thu, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì thế, tục hái lộc được xem là một biểu hiện dung nhập, tương hợp với thiên nhiên của người Việt.

Con người luôn ý thức về sự tồn tại vĩnh hằng. Đối diện với nhựa sống căng tràn của mùa xanh, tươi mới của sự khởi đầu, con người quên đi tính hủy diệt của thời gian, sống đích thực và tận hưởng những gì mình đang hiện hữu.

Nên, mùa Xuân đi hái lộc cũng là một cách để con người lưu giữ sự non tươi, xanh mướt của sự khởi đầu, là một cách để đón nhận những điều may mắn, tốt lành cho cả năm.

Tìm về lộc của thiên nhiên là con người đang tìm về những giá trị chân thực, bản nguyên thuần khiết của tâm hồn. Lắng nghe mùa Xuân về cũng là đang lắng nghe sự tươi mới, khởi đầu mới trong lòng.

Lộc đến muôn nhà

Sau khoảnh khắc hai chiếc kim đồng hồ nhập một, nhiều gia đình sẽ thực hiện tục hái lộc, một số khác lại xuất phát vào sáng mùng 1 Tết để bắt đầu một năm mới.

Nhớ những năm cả nhà về quê đón Tết, sau Giao thừa, bà nội thường ra vườn cắt một cành non xanh nõn, có năm còn có cả nụ, cắm vào bình hoa đã chuẩn bị sẵn từ trước. Bà nói, đối với cây cỏ hoa lá, mình phải cắt chứ không được bẻ, vì cây cỏ hoa lá cũng như con người, biết đau, biết buồn.

Khi cắt, bà tôi không quên thầm thì, trò chuyện với cây mình đã chọn. Lắng nghe, cảm nhận tiếng nói của thiên nhiên thì chúng ta mới có thể giao hòa tuyệt đối với thiên nhiên, mới nắm bắt những vận động tế vi, tràn trề sức sống của thiên nhiên.

Ở thành phố, tục hái lộc không còn được thực hiện ở nhà nữa, do nhà cửa san sát, đất đai chật hẹp, không có được không gian xanh và cây xanh. Thay vào đó, người dân thường đi hái lộc ở đình, chùa, công viên hoặc các tuyến đường có nhiều cây cối.

Tục hái lộc ở thành phố cũng có những quy định riêng. Người dân ý thức hái lộc một cách cẩn thận, không bẻ gãy cành làm hư hại cây cối. Họ thường bỏ tiền vào hòm công đức để góp phần bảo vệ cây xanh. Những cành lộc lựa chọn kỹ lưỡng, có dáng đẹp, lá non tươi, không bị sâu bệnh được cắm trong lọ hoa và đặt ở nơi mà họ cho là may mắn.

Cách thả cành lộc giữa các vùng miền đa dạng và khác biệt. Tùy vào quan niệm, phong tục, người ta có thể thả cành lộc xuống giếng, khe, ao hồ, suối, sông hoặc biển.

Nhưng dù thả ở đâu và bằng cách thức nào, tất cả đều thể hiện niềm tin của con người vào sự may mắn, tài lộc và hy vọng rằng những điều tốt lành đó sẽ hòa quyện vào dòng nước mát lành mang đến cho gia đình, mọi người một năm mới tươi sáng, đẹp đẽ.

Tục hái lộc ở quê hay ở thành phố đều tạo điểm nhấn cho không gian ngày Tết, giúp con người có được cảm giác vui tươi, hân hoan đón chào năm mới cùng gia đình, tạo sự gắn kết và đoàn kết.

Những cành lộc không chỉ là biểu tượng cho sự sinh sôi, phát triển, may mắn, tốt lành, mà còn là tặng phẩm của thiên nhiên mang đến sắc Xuân cho ngôi nhà, khơi gợi hứng thú, khích lệ tâm hồn, bồi đắp niềm hi vọng, lạc quan cho mỗi người. Lưu giữ chút xanh của mùa Xuân, của đất trời cũng là cách để con người bày tỏ tình yêu, sự tôn vinh đối với thiên nhiên.

Người dân đến chợ đình Bích La xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) để xin lộc đầu năm. Ảnh minh họa: ITN.

Người dân đến chợ đình Bích La xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) để xin lộc đầu năm. Ảnh minh họa: ITN.

Nỗi niềm cành lộc

Tục hái lộc đầu năm là nét đẹp văn hóa, nhưng nay biến tướng. Người ta săn tìm cành to, nhổ cả gốc, tàn phá thiên nhiên. Lộc đâu không thấy, chỉ thấy xơ xác, rác bừa bãi. Thực ra, thiên nhiên không câm lặng mà nó luôn có kênh biểu đạt, giao tiếp rất phong phú và đa dạng.

Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên là mối quan hệ tương liên, hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải con người tìm cách áp đặt, thể hiện vai trò trung tâm, thống lĩnh/ làm chủ thiên nhiên.

Thói quen hái lộc bừa bãi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với sự phát triển của cây cối, gây mất cân bằng trong hệ sinh thái. Khi cây bị gãy cành hoặc suy yếu, chúng dễ bị sâu bệnh tấn công và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường, tổn thất về mặt kinh tế.

Về mặt tâm linh, lộc ở đây cần được hiểu như là lộc của tâm hồn, lộc của tình yêu thương đối với thế giới tự nhiên. Chỉ khi lộc này đâm cành nhánh bên trong con người, nó mới thể hiện mùa thơm và quả ngọt của tâm hồn.

Lộc dù được hiện thực hóa qua cành lộc nhưng thực chất nó là biểu trưng của niềm tin, hi vọng và sự hứng khởi. Vì thế, cha ông ta mới gọi là hái lộc, chứ không gọi là chặt/bứt/bẻ lộc. Hành động hái lộc tự thân đã thể hiện trong đó sự trân trọng, nâng niu, bảo vệ thiên nhiên.

Thay vì hái lộc tự do, chúng ta có thể mua một chậu cây nhỏ hoặc trồng cây trước Tết, sau Giao thừa đưa vào nhà, đó cũng là cách hưởng lộc, tạo lộc và nhen nhóm thêm màu xanh cho đất trời.

Bởi cây cối cũng như các sinh vật trong thế giới tự nhiên đều có đặc tính bao dung, cho đi mà không cần nhận lại, không đố kị, không tranh chấp. Cây cối có khả năng tái tạo nguồn sống thông qua việc chiết/cắt, một chồi mầm sẽ xuất hiện và phát triển ngay điểm chiết/cắt. Sự chọn lọc tự nhiên của cây như thế này hoàn toàn phù hợp với quá trình sinh trưởng, tiến hóa.

Hái lộc đầu Xuân là nét đẹp truyền thống nhưng cần được thực hiện đúng cách. Ngày Tết, nhà nhà chỉ cần một cành lộc nhỏ xíu là đủ ấm lòng và đủ nhen lên sự sống mới cho cây. Hái lộc đúng cách không chỉ mang lại niềm vui, may mắn, mà còn giúp bảo vệ thiên nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.