Trong tháng 9, báo GD&TĐ đã có các tin bài về việc phụ huynh phản đối việc nhập trường THCS Hương Bình về THCS Phúc Đồng, THCS Hòa Hải.
Mặc dù lãnh đạo xã, huyện, ngành GD đã tuyên truyền đối thoại với phụ huynh, đảng viên nhiều lần nhưng đến nay đã gần 2 tháng nhưng phụ huynh vẫn kiên quyết không cho học sinh 3 cấp con em của xã đi học. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hơn 600 học sinh của 3 cấp đến trường chưa được đến trường.
Đề án quy hoạch trường lớp đúng lộ trình
Tháng 12/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh đã có Nghị quyết 05- NQ/TU về việc phát triển nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
Theo đó ngày 8/8/2012 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 2286/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống trường mần non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. Đến tháng 6/2014, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã sát nhập được 89 trường (từ 790 trường nay còn 692 trường).
Có 144 trường THCS/262 xã phường thị trấn (giảm 43 trường so với trước khi thực hiện đề án), trong đó: Kỳ Anh: 21 trường/33 xã, thị trấn; Cẩm Xuyên: 17 trường/27 xã thị trấn; Thạch Hà: 15 trường/31 xã, thị trấn; TP Hà Tĩnh: 9 trường/16 phường, xã; Lộc Hà: 8 trường/13 xã, thị trấn; Can Lộc 15 trường/23 xã, thị trấn; Hồng Lĩnh:6 trường/16 phường; Nghi Xuân:10 trường/19 xã, thị trấn; Đức Thọ 10 trường/28 xã; Hương Sơn 14/32 xã, thị trấn; Vũ Quang: 6 trường/12 xã, thị trấn; Hương Khê: 13 trường/22 xã, thị trấn.
Trước khi thực hiện Đề án, hệ thống trường, lớp ở Hương Khê phần lớn đều manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều trường mần non, tiểu học có từ 2 điểm trường trở lên, nhiều xã có từ 2 trường mần non, tiểu học trở lên (xã Hương Lâm có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học; Xã Hương Trạch có 2 trường mần non, 3 trường tiểu học; xã Hà Linh có 6 điểm trường mầm non, với 4 trường tiểu học; xã Hòa Hải có 4 trường tiểu học) phần lớn các trường đều dưới 12 lớp, số học sinh ít hơn theo quy định, ảnh hưởng đến việc xây dựng CSVC trường học, bố trí đội ngũ CBQL, GV, NV nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhờ có quy hoạch 1 xã đã có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học. Toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình trường THCS liên xã để đảm bảo quy mô trên 16 lớp đã được các tỉnh bạn tham quan học tập kinh nghiệm.
Sau hơn 2 năm thực hiện đề án quy hoạch trường lớp cơ bản đã hoàn thành đúng lộ trình, hệ thống trường lớp đã sắp xếp lại hợp lý, cân đối góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Được biết, xã Hương Bình có 4.600 dân được chia làm 9 xóm. Năm học 2014 - 2015, toàn xã có 247 học sinh học THCS, phân 8 lớp. Theo điều tra thì đến năm 2020 mỗi năm xã Hương Bình cũng chỉ có từ 215-230 học sinh THCS, phân 8 lớp, trung bình mỗi lớp chỉ có 25-29 học sinh. Theo tiêu chuẩn của trường THCS mỗi trường phải có từ 16 lớp trở lên.
Số liệu cho thấy, học sinh Trường THCS Hương Bình có quy mô trường, lớp quá nhỏ, không phù hợp với quy định của điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, ban hành theo thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT và Quyết định số 2286/ QĐ - UBND ngày 8/8/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Đồng thời, với quy mô 8 lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ chỉ bố trí được 15 giáo viên (1,9 giáo viên/lớp) trên tổng số 14 môn giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến phải dạy chéo môn, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Sau sáp nhập, học sinh Hương Bình đến trường THCS Hòa Hải, trường THCS Phúc Đồng không quá 8,5 km, không qua sông suối thuận lợi hơn so với học sinh Hương Liên đi Hương Lâm; học sinh Hương Đô đi Phúc Trạch, Hương Trà… (thông tin này được trường tiểu học, THCS, UBND xã Hương Bình, Phòng GD&ĐT Hương Khê xác minh và UBND huyện Hương Khê đã có văn bản số 932/UBND ngày 27/6/2014 báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Như vậy, việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào các trường THCS Hòa Hải, Phúc Đồng vừa đảm bảo tính khoa học, vừa phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Lãnh đạo tỉnh, huyện, ngành cùng đối thoại với nhân dân
Nhiều cán bộ lão thành, Đảng viên đến bắt tay, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với các lãnh đạo. |
Tại cuộc đối thoại, có 15 ý kiến của người dân, đảng viên, phụ huynh đưa ra lí do khi chưa con tới trường: Sáp nhập trường THCS học sinh phải đi quả xa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn khi tham gia giao thông ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Nhiều phụ huynh cho rằng “Thà mất học chứ không muốn bị mất con”. Phụ huynh phải đưa đón con ảnh hưởng đến công việc gia đình và phát triển kinh tế. Nếu cho thêm xe đạp hay đi xe buýt thì học sinh chưa quen và lo không đủ tiền xe.
Trường THCS Hương Bình là trường chuẩn Quốc gia, là trung tâm kinh tế khu vực xã, học sinh nhập học tại Hòa Hải (khu vực 135). Tại sao không cho học sinh từ Hòa Hải về Hương Bình, Phúc Đồng cũ? Tại sao sáp nhập trường lại không hỏi ý kiến người dân. Giải tán trường như vậy có uẩn khúc gì hay không? Có phải huyện bán trường cho doanh nghiệp không?... Phần lớn bà con đều ủng hộ chủ trương sáp nhập trường của tỉnh nhưng vẫn rất muốn giữ lại trường THCS Hương Bình.
Bí thư Huyện ủy Hương Khê Hà Văn Hùng đã trả lời và giải thích cho bà con nhân dân: Phúc Đồng là trung tâm của 3 xã đón 170 học sinh Hương Long về học nên không thể cho học sinh về Hương Bình. Việc quy hoạch, khảo sát sáp nhập trường lớp là lấy ý kiến của ngành GD.
Trường Hương Bình vẫn công nhận chuẩn sau 5 năm, nhưng để tiếp tục xây dựng chuẩn những năm tiếp theo thì không đủ điều kiện vì sự đóng góp của dân chưa đảm bảo. Khi lũ lụt học sinh toàn huyện phải nghỉ học chứ không riêng gì học sinh xã Hương Bình.
Học sinh xã Hương Bình học tại 2 trường trên sẽ được miễn học phí 3 năm, riêng 42 em phải đi hơn 7 km sẽ được hỗ trợ mua xe đạp, gạo. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được xem xét vào học tại Trường Trung học nội trú Hương Khê.
Huyện không bán trường cho ai mà bàn giao lại trường cho xã quản lý, sử dụng. Xã Hương Bình cũng có lúc cán bộ còn thiếu sự thống nhất, một số đảng viên nói không đi đôi với làm, công tác tuyên truyền các chính sách nhập trường xã, huyện làm muộn…
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện đã đánh giá cao cách đặt câu hỏi và cách ứng xử nghiêm túc và văn hóa của nhân dân xã Hương Bình khi trình bày các ý kiến.
Đồng chí Nguyễn Thiện đã lắng nghe và trả lời hết những câu hỏi mà bà con nêu: Căn cứ theo Luật Giáo dục và tình hình chung của tỉnh nhà, việc sáp nhập trường đã được tiến hành tại Hà Tĩnh 10 năm.
GD&ĐT đứng trong tốp đầu của cả nước về chất lượng GD, hiện nay dân số ở Hà Tĩnh giảm vì con em đi làm ăn xa và định cư ở nơi khác. Hiện nay tỉnh còn thừa 1.300 giáo viên, 3 năm nay còn không tuyển giáo viên mới.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng đồng cảm với khó khăn của phụ huynh, học sinh nhưng tỉnh cũng đã ưu ái cho xã Hương Bình nhập trường cuối cùng trong lộ trình rồi. Về cung độ, những nơi điều kiện khó khăn đã thực hiện. Khi lũ lụt thì toàn ngành GD đều chủ động cho học sinh nghỉ học.
Tỉnh đã giao cho huyện và ngành GD tăng căng cường bồi dưỡng cho học sinh luật lệ, kỹ năng khi tham gia giao thông và cách phòng tránh bão lũ.
Đường vượt lũ cho các xã Hương Long, Hương Bình, Phúc Đồng sẽ được xây dựng hoàn thành vào tháng 6/2015 đảm bảo việc đi lại cho nhân dân và học sinh. Bà con chịu khó đưa học sinh đến trường. Những yêu cầu khác sẽ được xem xét giải quyết để bà con yên tâm phát triển kinh tế, văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh hứa sẽ ưu tiên các chính sách đặc biệt cho học sinh xã Hương Bình, tháng 6/2015 sẽ xây dựng hoàn thành đường tránh lũ phục vụ cho bà con nhân dân, học sinh xã Hương Bình và các xã lân cận sử dụng. |
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tận xã, đối thoại với bà con
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình đã nói chuyện rất ân cần với nhân dân, đảng viên xã Hương Bình và đề nghị: “Hà Tĩnh là tỉnh luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về phong trào và chất lượng giáo dục. Vì thế đảng viên, phụ huynh và nhân dân hãy cùng giúp ngành GD nâng cao chất lượng, đảm bảo kiến thức, năng lực của lao động Hà Tĩnh; cùng có trách nhiệm tham gia với cộng đồng giải quyết các vấn đề của xã hội. Chủ trương sáp nhập trường học là đúng để tỉnh đầu tư giáo viên chuyên môn giỏi giảng dạy cho học sinh.
Để phát huy truyền thống văn hóa, sự hiếu học của người Hà Tĩnh và đặc biệt là của xã Hương Bình bà con nhân dân phải nhanh chóng đem con em đến trường, không thể để con em thất học. Ông bà, phụ huynh, đảng viên đừng để ảnh hưởng xấu đến con trẻ mai sau.
Nếu trong quá trình thực hiện chỗ nào cán bộ, lãnh đạo Đảng làm chưa đúng, sai sót thì Tôi - Bí thư Tỉnh ủy - người lãnh đạo đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh nhận lỗi trước bà con nhân dân. Nếu xã nào cũng như Hương Bình thì làm sao. Đây là những chủ trương của Trung ương, của tỉnh cần sự đồng thuận của nhân dân.
Dân với Đảng và Đảng với dân phải có trách nhiệm cùng nhau giữ hình ảnh văn hóa, đừng để con trẻ ảnh hưởng đến việc giáo dục học sinh về truyền thống, văn hóa của người dân Hà Tĩnh và con em Hương Bình ở mọi miền Tổ quốc.
Bà con cần thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đừng để con em thất học. Bà con nên nhìn sự phát triển của tỉnh bạn, huyện bạn và xã bạn để cùng xã Hương Bình góp sức cùng xây dựng tỉnh nhà ngày càng vững mạnh”.
Sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời xong một số phụ huynh và nhân dân đã bỏ ra ngoài vì không được chấp nhận giữ lại trường. Còn phần lớn phụ huynh, đảng viên ở lại vui vẻ tiếp tục lắng nghe Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.
Kết thúc buổi đối thoại nhiều người dân, đảng viên, phụ huynh đã đến bắt tay, chia sẻ với Bí thư, mong Bí thư thay vì sáp nhập trường thì xin xây dựng cho xã chợ và một số tuyến đường. Hầu hết phụ huynh ra về trong tâm trạng thoải mái.