Theo đó, sau khi báo chí thông tin phản ảnh việc ông Liếc đào hầm xuyên núi, Ban thường vụ tỉnh ủy đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc. Qua kiểm tra, Ban thường vụ tỉnh ủy kết luận: ông Liếc có đào một đường hầm xuyên qua núi phía sau nhà của gia đình mình, thời gian từ cuối năm 2009 đến 2014. Hầm đã được đào thông dài 49m, cao 1,75m, ngang 1,3m, hầm có 2 miệng, một miệng nối với đường giao thông, miệng còn lại hướng vào bếp của gia đình ông Liếc.
Theo Ban thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam, thời điểm kiểm tra, xác minh việc đào hầm của ông Liếc mới tác động vào đất chưa thấy có sự dụng vật liệu xây dựng vì vậy chưa đủ cơ sở khẳng định đường hầm này là công trình xây dựng nên không thuộc danh mục công trình xây dựng phải xin giấy phép theo quy định của luật xây dựng. Không có cơ sở khẳng định ông Liếc lợi dụng việc đào hầm để đãi vàng.
Tuy nhiên, bản thân ông Liếc có thiếu sót, khuyết điểm như: gia đình nhận chuyển nhượng đất từ năm 2005 đến nay và đào hầm trong phạm vi đất chuyển nhượng nhưng chưa thực hiện kê khai, đăng ký đất đai theo quy định. Với trách nhiệm Đảng viên, cán bộ chủ của địa phương, việc đào hầm của ông Liếc đã tạo dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của ông Liếc.
Ban thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu, ông Liếc phải kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất, trách nhiệm của người Đảng viên, thực hiện việc kê khai, đăng ký đất đai đối với diện tích đất sử dụng theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ sụt lún và những tình huống bất trắc có thể xảy ra, đề nghị ông Liếc lấp bịt hai miệng hầm đã đào.
Ngoài ra, Ban thường vụ huyện ủy, UBND và các cơ quan chuyên môn của huyện Tây Giang phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai.