Anh Thào hiện là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bản Công (Trạm Tấu, Yên Bái) và là sinh viên hệ đào tạo trực tuyến của Trường ĐH Mở Hà Nội.
Anh Hảng A Thào chia sẻ, ở xã Bản Công có khoảng 1/5 các bạn trẻ theo học THPT và chuyên nghiệp. Số còn lại phần do hoàn cảnh gia đình, phần do đua theo bạn bè nên nghỉ học sớm để đi làm thuê hoặc kết hôn.
“Thanh niên là lực lượng nòng cốt để phát triển xã hội, đặc biệt đối với vùng núi cao, còn nhiều thiếu thốn như xã Bản Công. Chính vì vậy, việc động viên, khuyến khích các bạn trẻ đi học là điều cấp thiết” – anh Thào trăn trở.
Anh Thào với những giờ học trực tuyến… |
Trăm nghe không bằng một thấy, anh Thào tiên phong trong học tập, học tập suốt đời để làm gương cho các các bạn trẻ nơi đây. Trước đây, anh từng học tại một trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật của tỉnh.
Đi làm được vài năm, anh nhận thấy, để làm được ở nhiều vị trí khác nhau, cần không ngừng nâng cao tri thức của bản thân. Càng có nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực thì cơ hội sẽ đến càng nhiều. Từ nhận thức này, khi biết thông tin Trường ĐH Mở Hà Nội tuyển sinh lớp đào tạo trực tuyến, anh đã cùng một số đồng nghiệp tại cơ quan đăng ký đi học.
Với thời gian học linh hoạt, chỉ cần một chiếc laptop hoặc điện thoại kết nối mạng, anh Thào có thể vừa làm, vừa học ở mọi lúc, mọi nơi. Hằng ngày anh học và làm bài tập thông qua hệ thống học trực tuyến cá nhân được nhà trường cấp, làm các bài kiểm tra đánh giá quá trình.
Anh Thảo luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Việc anh đi học đại học cũng nhằm vận động thanh niên trong bản cùng tham gia học tập suốt đời, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo. |
Điều thuận lợi nữa là, anh Thào không cần đi xuống Hà Nội để thi kết thúc học phần, mà các buổi thi sẽ được tổ chức ngay tại tỉnh Yên Bái, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho sinh viên.
Anh Thào chia sẻ, việc anh đi đi học là hoàn toàn tự túc, không có sự hỗ trợ của đơn vị hay bất cứ ai. Anh nhận thấy được tầm quan trọng của việc học nên quyết tâm theo học. Hy vọng rằng, các bạn trẻ cũng cố gắng, nỗ lực hơn nữa, không bỏ dở việc học.
“Học đại học theo hình thức trực tuyến, rất tiện lợi. Nhiều bạn ở độ tuổi học sinh, sinh viên có tâm sự với tôi là, đi học xong không biết kiếm được việc làm không? Tôi trả lời: khi các bạn mong muốn được đi học thì tư duy của các bạn cũng thay đổi.
Các bạn được gặp gỡ thầy cô, bạn bè, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Lúc đó bạn sẽ nghĩ cách làm sao để vươn xa hơn chứ không chỉ bó hẹp bản thân trong một môi trường ít cơ hội…” – anh Thào bộc bạch.
Anh Thào cho biết, xã Bản Công, nhận thức về sự học của người dân còn hạn chế. Người dân quanh năm làm nương, làm rẫy; “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vậy mà, nhiều gia đình vẫn quanh năm nghèo túng, “giật gấu vá vai”. Chỉ bằng con đường học tập mới giúp người thoát nghèo, quê hương đổi mới. Muốn vậy, thanh niên, tuổi trẻ phải là những người tiên phong, gương mẫu. Đây là lí do vì sao anh chủ động học đại học và mong muốn đẩy mạnh công tác khuyến học ở địa phương.
Anh Hảng A Thào – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, hiện là sinh viên hệ đào tạo trực tuyến của Trường ĐH Mở Hà Nội. |
Viện dẫn từ chính câu chuyện của mình, anh Thào chia sẻ, khi đi học, anh được gặp rất nhiều các bạn học khác cũng làm cán bộ Đoàn. Họ năng động, sáng tạo, tổ chức ra rất nhiều các hoạt động hay và ý nghĩa cho Đoàn viên, thanh niên.
Trong thời gian tới, bằng những việc làm thiết thực, tương thân tương ái như trao học bổng, khuyến khích, hỗ trợ người dân đi học, anh Thào hy vọng, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh nhận ra lợi ích của việc học tập để động viên con, em mình không nghỉ học. Chỉ có học tập, tri thức mới mang đến cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho bà con dân bản.