Bí quyết ôn thi môn Giáo dục công dân: Nắm chắc khái niệm

GD&TĐ - Giáo dục công dân là một môn thi trong tổ hợp môn Khoa học xã hội (KHXH). Để đạt điểm cao trong Kỳ thi THPTQG học sinh cần nỗ lực rất nhiều. 

Trong giờ học tại Trường THPT thị xã Quảng Trị. Ảnh: Hữu Cường.
Trong giờ học tại Trường THPT thị xã Quảng Trị. Ảnh: Hữu Cường.

Không chỉ nắm vững kiến thức, hiểu, vận dụng linh hoạt, các em còn phải biết phân bố thời gian làm bài và xử lí các câu hỏi một cách hợp lí để giành được số điểm tối đa.

Không để dồn kiến thức

Cô Hoàng Thị Tuyến, Tổ phó chuyên môn Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) cho biết: Kiến thức đề thi minh họa năm nay cũng không khác năm trước nhiều lắm, vẫn tập trung vào chương trình lớp 12; phần kiến thức lớp 11 không nhiều.

Cấu trúc đề chia theo ma trận đề rất rõ ràng, theo tỉ lệ 40 -30 - 20 - 10, nghĩa là 40% là nhận biết, 30% là thông hiểu, 20% là vận dụng, 10% vận dụng cao.

Trong quá trình ôn tập, HS cần hệ thống lại kiến thức, chủ yếu là kiến thức pháp luật lớp 12. Kiến thức lớp 11 chủ yếu ở phần kinh tế. HS ôn tập theo từng bài, nắm chắc khái niệm, nội dung và liên hệ vận dụng. Học đến bài nào GV cho câu hỏi đề của bài ấy để HS ôn luyện.

Theo cô Hoàng Thị Tuyến, đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó nên các em cần bình tĩnh làm lần lượt từ câu 1 đến câu 40 gồm các cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Với những câu nhận biết, cố gắng làm nhanh nhưng cẩn thận (khoảng 1 phút), dành thời gian nhiều hơn cho các câu thông hiểu, vận dụng (khoảng 2 - 3 phút).

Phần vận dụng cao tuy có 10% trong cấu trúc đề nhưng đều là những tình huống dài, phức tạp, vì vậy HS dễ sai vì nhầm lẫn.

Điều quan trọng nhất là các em cần nắm chắc khái niệm, từ đó sẽ vận dụng tốt bài tập tình huống. Mỗi bài đều phải có liên hệ thực tiễn, bởi liên hệ thực tiễn chính là cách HS vận dụng và vận dụng cao kiến thức bài học.

Để làm bài thi tốt, các em nên nắm bắt kiến thức cho vững, học từ từ đừng để dồn đến sát thời gian thi mới học. Học bài nào nắm chắc nội dung bài đó, ghi chép cẩn thận những ý chính, những nội dung giáo viên nhấn mạnh lưu ý trong bài.

Đọc kỹ các câu hỏi trước khi làm bài

Cô Doãn Thanh Nhàn, GV Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Để ôn thi hiệu quả, HS cần chú ý gạch bỏ hoặc đánh dấu phần giảm tải mà GV đã hướng dẫn.

Với những khái niệm dài dòng, khó học thuộc, HS cần tách ý để dễ nhớ, dễ thuộc. Gạch chân hoặc dùng bút nhớ đánh dấu những từ khóa, những nội dung trọng tâm, những nội dung dễ gây nhầm lẫn với những đơn vị kiến thức khác.

Các em có thể tự xây dựng các câu hỏi giả định khi ôn tập thông qua hướng dẫn của GV. Chú ý nghe giảng ngay trên lớp, sau đó ở nhà ôn tập theo định hướng từ bộ đề ôn tập cho tổ hợp môn Khoa học xã hội.

Đề tham khảo THPTQG năm 2018 - 2019 chiếm 90% kiến thức lớp 12, 10% lớp 11. HS cần nắm chắc kiến thức cơ bản lớp 11 và nội dung trọng tâm kiến thức lớp 12. Trên cơ sở đó, GV xây dựng những câu hỏi vận dụng cao cho HS có tư duy tốt. Kiến thức lớp 11 chiếm phần nhỏ, GV xây dựng câu hỏi cho HS ở mức độ nhận biết và thông hiểu.

Đề thi sẽ có nhiều câu hỏi trắc nghiệm khách quan mang tính tổng hợp, nên các em không cần phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa như trong sách giáo khoa, mà quan trọng hơn các em có kỹ năng tổng hợp, phân tích, nhận xét các hiện tượng pháp luật trong đời sống thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ