Nhiều trẻ nhỏ bị béo phì và mắc các bệnh về tim mạch do lạm dụng loại đồ ăn này. Dạy con nói không với đồ ăn nhanh là cả một nghệ thuật mà không phải cha mẹ nào cũng có kỹ năng.
Thức ăn nhanh gây xáo trộn chế độ ăn của trẻ. Nó “chiếm chỗ” của các lựa chọn lành mạnh khác. Trẻ sử dụng thức ăn nhanh có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn các đồ uống bổ sung đường, ăn ít trái cây.
“Chiếm chỗ”
Tại Mỹ - quốc gia khởi nguồn của thức ăn nhanh, mọi người đang cố gắng hạn chế sử dụng thức ăn nhanh. Bởi, Mỹ là nơi có tỷ lệ người béo phì cao cũng bởi một phần nguyên nhân từ thức ăn nhanh.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tư tưởng sử dụng thức ăn nhanh được nhiều người coi là thể hiện phong cách và bắt kịp xu hướng hiện đại. Bên cạnh đó, các cửa hàng thức ăn nhanh có không gian chế biến sạch sẽ, gọn gàng. Đây là một nguyên nhân chính khiến người dùng có cảm giác yên tâm, an toàn khi thưởng thức thực phẩm ăn nhanh.
Làn sóng thức ăn nhanh như gà KFC, bánh mì sandwich, bánh hamburger, nước ngọt, khoai tây chiên, pate, xúc xích, lạp xường... đang chiếm lĩnh các bữa tiệc sinh nhật, liên hoan của trẻ. Từ lứa mầm non đến khối phổ thông trung học, thức ăn nhanh đều là món ăn được ưa chuộng.
Có những trẻ thường được “lót dạ” sau mỗi buổi học bằng một phần thức ăn nhanh. Trong khi đó, không ít trẻ được “thưởng thức” đồ ăn nhanh vào bữa tối.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đã cho thấy, bản chất của thức ăn nhanh gây hại cho trẻ. Bên cạnh đó, khi tiêu thụ thức ăn nhanh, trẻ cũng sẽ ăn các loại thực phẩm khác nhiều hơn trong ngày.
Thành phần chất béo, đường và muối trong thức ăn nhanh vô cùng hấp dẫn đối với trẻ em. Chính sự thỏa mãn khẩu vị này kích thích khả năng ăn của trẻ. Từ đó, khiến trẻ ăn nhiều hơn trong ngày.
Hơn nữa, trong thức ăn nhanh không chứa nhiều chất xơ. Vì lẽ đó, trẻ không cảm thấy no sau khi ăn, có xu hướng ăn nhiều hơn. Những khẩu phần thức ăn nhanh lớn được phục vụ ở các cửa hàng cũng được coi là yếu tố đã thúc đẩy tình trạng ăn quá mức và béo phì ở trẻ em.
Thức ăn nhanh gây xáo trộn chế độ ăn của trẻ. Bởi, loại thực phẩm này đã “chiếm chỗ” của các lựa chọn lành mạnh khác. Những đứa trẻ sử dụng thức ăn nhanh có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn các đồ uống bổ sung đường. Kèm theo đó là tình trạng uống ít sữa hơn, ăn ít trái cây và các loại thực vật không chứa tinh bột hơn.
Một nghiên cứu tại Mỹ thực hiện trên hơn 6.000 trẻ nhỏ và vị thành niên cho thấy, khoảng 30% số người tham gia ăn thực phẩm nhanh. Thức ăn nhanh là loại thực phẩm chủ yếu của 29 - 38% số trẻ.
Ngoài ra, những trẻ trong độ tuổi từ 4 - 8 ăn thức ăn nhanh sẽ tiêu thụ lượng thực phẩm trong ngày nhiều hơn 6% so với những trẻ cùng độ tuổi không sử dụng thức ăn nhanh. Trẻ từ 10 - 14 tuổi tiêu thụ thức ăn nhanh sẽ ăn nhiều hơn 17% so với những trẻ khác. Bình quân, những trẻ tiêu thụ thức ăn nhanh hấp thu năng lượng nhiều hơn 15% so với những trẻ khác.
Trong một khảo sát về thói quen sử dụng thức ăn nhanh tại TPHCM, có 71% số người khảo sát thích hoặc rất thích thức ăn nhanh. Hơn 27% có thói quen sử dụng thức ăn nhanh vài lần/tuần.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh chế độ ăn của trẻ trong những ngày có và không sử dụng thức ăn nhanh. Theo đó, trẻ tiêu thụ thức ăn nhanh trung bình mỗi ngày hấp thu nhiều hơn 187 calo so với trẻ không. Trong khi đó, đối với những ngày tiêu thụ thức ăn nhanh, trẻ sẽ hấp thu nhiều hơn 126 calo so với những ngày không.
Thức ăn nhanh thường khiến trẻ thu nhận nhiều hơn trung bình 57 calo so với chế độ ăn bình thường. Và, với mức độ như vậy, các chuyên gia cảnh báo, sau một năm, trẻ có thể tăng thêm 2,7 kg nếu không tập luyện thể dục đủ để đốt cháy hết mức năng lượng tăng thêm đó.
Mẹ lười con sẽ hại… gan
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, đồ ăn nhanh chứa nhiều calo và cholesterol. Vì vậy, người có xu hướng lạm dụng đồ ăn nhanh thường có khả năng cao béo phì. Muốn đốt bớt năng lượng dư thừa, cần tăng cường hoạt động thể lực và tập thể dục thường xuyên.
Tuy nhiên, khi sử dụng đồ ăn nhanh nhiều, con người sẽ trì trệ hơn vì không phải đi chợ mua thực phẩm, chế biến, nấu nướng... Bên cạnh đó, việc thường xuyên dùng thức ăn nhanh và nước ngọt có ga, soda... sẽ không tốt cho chức năng gan.
Không chỉ cung cấp nhiều chất béo và cholesterol, nhiều loại thức ăn nhanh còn có chỉ số đường huyết cao. Ví dụ như các loại bánh được làm từ bột mì trắng, khoai tây rán, các loại nước ngọt có ga.
Khi dùng các loại thức ăn nhanh có thành phần là những loại thực phẩm trên, lượng đường trong máu sẽ tăng nhanh. Từ đó, tuyến tuỵ phải tiết nhiều insulin để giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng.
Do luôn phải hoạt động quá nhiều, tuyến tuỵ sẽ suy giảm chức năng và dẫn đến đái tháo đường loại 2. Trước đây, bệnh đái tháo đường chỉ xuất hiện ở người lớn. Tuy nhiên, ở xã hội nơi đồ ăn nhanh “lên ngôi”, việc trẻ em bị đái tháo đường không còn là điều quá xa lạ.
Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, các món ăn nhanh thường không mang tính đa dạng thực phẩm. Trong khi đó, mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm với 15 loại thực phẩm phối hợp khác nhau. 4 nhóm thực phẩm cần thiết là: Nhóm chất bột, đạm, béo, vitamin và muối khoáng. Tuy nhiên, trong thức ăn nhanh, số lượng thực phẩm thường ít và phải qua chế biến công nghiệp. Vì vậy, thức ăn nhanh có khả năng thiếu các thành phần vi lượng và khoáng chất.
Đó là lý do thức ăn nhanh thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng. Ngoài ra, việc sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ chứa đựng có thể không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.
Các loại thức ăn nhanh phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mọi người cần chú ý ăn ngon, tiện lợi nhưng phải đảm bảo sức khỏe và phòng tránh bệnh tật. Do vậy, không nên ăn thực phẩm nhanh thường xuyên, nhiều ngày.
Ăn thực phẩm nhanh đúng cách
Chia sẻ về sự phát triển của thức ăn nhanh trong xã hội hiện đại, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: “Thực phẩm ăn nhanh đã có mặt từ rất lâu, góp phần thay đổi nhiều khái niệm về dinh dưỡng, ẩm thực của toàn thế giới”.
Không chỉ tiện lợi, thực phẩm ăn nhanh còn có khả năng kích thích vị giác mạnh đối với người ăn. Thực phẩm ăn nhanh còn có yếu tố mang tính quyết định, khả năng bảo quản lâu, thích hợp trong nhiều hoàn cảnh.
Chia sẻ về thức ăn nhanh, PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đã tập trung phân tích các hiểu lầm thường gặp về mì ăn liền - loại thực phẩm nhanh phổ biến nhất.
Thực tế, PGS Mai nhấn mạnh, mì ăn liền không phải là nguyên nhân gây nóng trong người, khó tiêu, ung thư, sỏi thận… Để có một bữa ăn cân đối về dinh dưỡng, cần ăn đúng cách, kết hợp mì ăn liền với các thực phẩm nhóm rau xanh (cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất) và nhóm thực phẩm giàu đạm.
Tại Hội thảo “Thực phẩm ăn nhanh trong xã hội hiện đại với sức khỏe con người”, các chuyên gia cho rằng, những năm gần đây, thực phẩm ăn nhanh ngày càng trở nên phổ biến. Đồng thời là loại thực phẩm khá thuận tiện, đa dạng, tiết kiệm thời gian, phù hợp trong nhiều hoàn cảnh sử dụng.
Với nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và nghiên cứu, ngành công nghiệp thực phẩm ăn nhanh đã có nhiều điều chỉnh phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng. Thực phẩm ăn nhanh đang trở thành một xu hướng trong xã hội hiện đại. Trong đó, mì ăn liền được coi là một trong số các loại thức ăn nhanh phổ biến nhất.
Theo PGS Mai, để có một bữa ăn cân đối về dinh dưỡng, cần ăn đúng cách. Cụ thể, nên kết hợp mì ăn liền với thực phẩm nhóm rau xanh và nhóm thực phẩm giàu đạm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, thời gian tới, các nhà sản xuất cần nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, bổ sung các thành phần và hàm lượng dinh dưỡng (protein, chất xơ), tăng cường vitamin và khoáng chất để nâng cao chất lượng mì ăn liền. Đồng thời cần nghiên cứu phát triển thêm các công thức sản phẩm mì ăn liền mới dành cho các nhóm đặc biệt như trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động trí óc… Nhờ đó, giúp mì ăn liền thực sự trở thành một món ăn nhanh cân đối về dinh dưỡng cho nhiều người.