Bí quyết giúp trẻ bướng bỉnh trở nên độc lập, có chính kiến

GD&TĐ - Với sự dẫn dắt của người lớn, trẻ có tính bảo thủ không những sẽ hợp tác hơn, mà còn rất thông minh và có chính kiến.

Cha mẹ hãy thấu hiểu cảm xúc của con. Ảnh minh họa: ITN.
Cha mẹ hãy thấu hiểu cảm xúc của con. Ảnh minh họa: ITN.

Nhu cầu được thừa nhận và lắng nghe

Nhiều cha mẹ chia sẻ “đau đầu” khi con trở nên bướng bỉnh. Những tưởng độ tuổi nào đó, con sẽ ngoan hơn nhưng mỗi tuổi lại khiến người lớn mệt mỏi theo những cách khác nhau và luôn cho rằng ý kiến, việc làm của mình là đúng. Nếu bị phản đối, con sẽ cho rằng “bố mẹ không hiểu gì hết”.

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ thừa nhận, những đứa lỳ lợm, không nghe lời khiến họ dễ bực bội dẫn đến hành vi mang tính tiêu cực.

Thậm chí, một số phụ huynh đã dùng đòn roi để giải quyết thái độ này. Ngoài thể hiện sự chống đối bằng thái độ, cảm xúc, nhiều trẻ còn cãi lại, “bật tanh tách” hay bằng hành vi cụ thể.

Đỉnh cao của bảo thủ ở trẻ là sự chống đối, làm ngược. Đến lúc đó, vấn đề đã đi quá xa và trở nên rất nghiêm trọng.

Chị Nguyễn Phương Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ từng sốc vì con chống đối bằng cách đập phá đồ đạc, đi vào phòng đóng rầm cửa trước mặt cha mẹ, đập đũa xuống bàn ăn và đứng dậy bỏ bữa…

Theo chuyên gia, con bảo thủ, luôn cho mình là đúng thì sẽ dễ phản ứng lại qua hành vi cãi lại. Tuy nhiên, thường khi trẻ cãi, cha mẹ rất khó để kiểm soát cơn nóng giận, thậm chí là có thể quát mắng hoặc đòn roi với con. Điều này khiến trẻ càng thấy không hợp lý, không công bằng và dần dần có sự không phục, không tôn trọng…

Cô Đỗ Thị Hường - Hệ thống Trường Liên cấp IQ School (Hà Nội) cho rằng, các bậc cha mẹ cần “bắt mạch” những dấu hiệu bảo thủ của trẻ để có cách giáo dục con tốt hơn. Trên thực tế, những đứa trẻ bướng bỉnh, không nghe lời thường là các bé độc lập, có chính kiến và cá tính.

Theo cô Hường, không phải tất cả trẻ thích làm theo ý kiến của mình đều là trẻ bảo thủ. Đôi khi, chỉ là do con có chính kiến và cá tính mạnh. Vì vậy, người lớn cần tìm hiểu thật kỹ xem những hành động của con là biểu hiện của tính quả quyết hay cố chấp. Những trẻ cá tính mạnh có thể rất thông minh và sáng tạo.

Ngược lại, những trẻ bảo thủ lại thường chỉ cố chấp theo ý kiến của mình và không sẵn sàng lắng nghe ý kiến người khác.

Một số đặc điểm trẻ bảo thủ là chúng có nhu cầu được thừa nhận và lắng nghe. Trẻ có thể tìm kiếm sự chú ý của người lớn thường xuyên. Tuy nhiên, bướng bỉnh ở một số trẻ có thể là sự độc lập tới mức cực đoan, làm những gì mình thích cho bằng được hoặc nổi giận nhiều hơn những trẻ khác.

Cô Hường cho biết thêm, đối với trẻ ở độ tuổi nhỏ, khi bảo thủ, ngang bướng có thể không chịu ăn hay không chịu ngủ đúng giờ khiến người lớn gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc. Trường hợp này, cha mẹ cần cố gắng lắng nghe để có những giao tiếp phù hợp. Cần ghi nhớ rằng, nếu muốn con lắng nghe mình, thì người lớn cũng cần sẵn sàng lắng nghe bé.

tu bao thu den ca tinh2.jpg
Ảnh minh họa: ITN.

Cho con sự lựa chọn trong khuôn khổ

Theo cô Hường, khi trẻ bướng bỉnh và chống đối, cha mẹ thường cảm thấy tức giận và dễ lớn tiếng với bé. Tuy nhiên, phản ứng này không làm cho con hiểu ý kiến của bạn mà chỉ khiến bé tỏ ra bướng bỉnh hơn nữa.

Để luôn giữ tâm trạng bình tĩnh và cân bằng với con, cha mẹ có thể cùng con chơi thể thao, nghe nhạc hay làm những việc cùng thích. Khi tham gia những hoạt động thư giãn cùng nhau, bé cũng dần xem cha mẹ là “bạn” và sẽ hợp tác hơn.

Bên cạnh đó, cô giáo Trường Liên cấp IQ School cũng cho rằng, những trẻ bướng bỉnh hoặc cá tính mạnh rất nhạy cảm với cách bố mẹ đối xử với mình. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể và từ ngữ mình sử dụng để tránh khiến trẻ cảm thấy con đang bị ép buộc, ra lệnh. Thay vì bảo con phải làm một việc gì đó, hãy cùng con làm.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cần nhượng bộ, chiều theo những mong ước chưa hợp lý của con. Mục đích của cuộc trò chuyện là để ba mẹ hiểu con hơn và để trẻ cảm thấy được quan tâm. Vậy nên, nếu con có mong muốn, ý kiến chưa hợp lý, có thể cùng bé tìm ra một phương án phù hợp hơn hoặc cho con sự lựa chọn trong khuôn khổ.

Dù không đồng tình với các yêu cầu của con, cha mẹ cũng hãy thông cảm và thấu hiểu cảm xúc của bé. Thậm chí, hãy cho con biết mình có thể hiểu được sự thất vọng, tức giận hoặc bực bội của con dù không đáp ứng yêu cầu của bé.

“Để hiểu rõ hơn về hành vi bướng bỉnh của con, hãy cố gắng nhìn nhận tình huống từ góc độ của bé. Cha mẹ có thể thử đặt mình vào vị trí của con và cố gắng tưởng tượng những gì bé phải trải qua. Người lớn càng hiểu rõ con thì càng có thể thay đổi tính bướng bỉnh của con tốt hơn”, cô Hường nhấn mạnh.

Việc nuôi dạy trẻ cần có quy tắc và kỷ luật. Con cần hiểu được mình sẽ bị phạt nếu vi phạm. Vậy nên, cha mẹ hãy lưu ý là hình phạt phải đến ngay sau khi trẻ vi phạm để bé có thể kết nối hành vi của mình với hình phạt. Cha mẹ có thể phạt bằng cách để con ngồi một mình, cắt giảm thời gian chơi hoặc xem tivi hoặc giao việc nhà phù hợp. Lúc này, cũng nên giải thích để con hiểu vì sao bé bị phạt và phải hoàn thành hình phạt.

“Trẻ bảo thủ có thể có ý kiến riêng và thường sẽ tranh luận với người khác. Trẻ có thể trở nên ngang tàng nếu cảm thấy mình không được lắng nghe. Vậy nên, cha mẹ hãy thật sự lắng nghe ý kiến, băn khoăn của con và trò chuyện cởi mở để con ngoan ngoãn hơn”, cô Hường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ