Bí quyết giúp cha mẹ dẹp gọn cơn nổi loạn của trẻ lên 3

GD&TĐ - Tuổi lên ba ở trẻ thường được các cha mẹ gọi là một trong những giai đoạn “khủng hoảng”, “nổi loạn” trong tính cách của con. Bướng bỉnh, mè nheo, khó bảo là đặc tính thường thấy mà cái dễ thương đôi lúc không bù đắp được, có thể khiến cha mẹ cảm thấy điên đầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để không bao giờ gặp những vụ nổi loạn tuổi 2 - 3, TS. Vũ Thu Hương khuyên cha mẹ nên chú ý đến việc giáo dục con ngay từ khi con mới sinh ra.

“0 tuổi là tuổi để chăm sóc nhưng cha mẹ cũng cần học cách “bỏ mặc” những tiếng “ọ ẹ” đầu tiên của con mình”, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

TS. Vũ Thu Hương đưa ra 7 lưu ý giúp cha mẹ thiết lập những nguyên tắc cần thiết để tránh hiệu quả những tình huống có tên là “khủng hoảng” khi con ở độ tuổi 2 – 3.

1. Bình tĩnh với các thông điệp

Khi con ọ ẹ, hầu hết các mẹ sẽ lao ra bế con lên, miệng nói liên tục: “Mẹ thương, mẹ thương”. Trẻ dưới 1 tuổi, chưa nhận thức được ngôn ngữ nên chắc chắn chẳng hiểu “mẹ thương” là gì. Nhưng khả năng cảm nhận đã phát triển từ khi còn trong bụng mẹ sẽ khiến đứa trẻ hiểu rằng: Cứ khi nào nó “ọ ẹ” là sẽ có ngay 1 người lao đến vỗ về nó. Từ đó, bé sẽ rất thích ọ ẹ kể cả khi không gặp vấn đề gì.

Vì vậy, khi con phát tín hiệu, các cha mẹ hãy đến kiểm tra nhưng đừng nói gì cả. Nếu con hoàn toàn không gặp nguy hiểm gì thì các cha mẹ để mặc con ở đó, tránh xa con ra 1 chút. Con sẽ hờn thêm độ vài phút rồi ngủ hoặc nín để chơi. Chúng sẽ không khóc thêm nữa khi việc khóc đó không có ích lợi gì.

2. Phân biệt đòi hỏi và nhu cầu

Khi nhận tín hiệu của con, cha mẹ cần phải phân biệt giữa đòi hỏi và nhu cầu. Nhu cầu là thứ không có thì con sẽ mệt, đói, hoặc gặp nguy hiểm.

Đòi hỏi là những thứ mà con không có cũng không sao. Cha mẹ phân biệt thật rạch ròi để kịp thời hỗ trợ con hoặc khước từ để từng bước xây dựng nguyên tắc ứng xử với con.

3. Đừng thể hiện sự yếu lòng trước con

Khi con có nhu cầu, việc đáp ứng nhu cầu của con là đương nhiên. Nhưng khi đáp ứng nhu cầu, cha mẹ không cần thêm câu cảm thán nào về chuyện này.

Có thể đứa trẻ sẽ không hiểu được lời cha mẹ nói nhưng nó sẽ cảm nhận được sự yếu lòng của cha mẹ về tình trạng của nó. Nắm được điểm này, đứa trẻ sẽ nghĩ trò để gây sự chú ý với cha mẹ khi nó đã lớn hơn 1 chút.

4. Cương quyết trước những đòi hỏi của trẻ

Khi con chỉ đòi hỏi, thái độ của cha mẹ lúc này là phải vô cùng cương quyết. Tuyệt đối không được nhân nhượng dù chỉ 1 lần. Đứa trẻ chỉ cần 1 lần đòi hỏi được là nó sẽ tiến hành lần sau và với phương pháp dai dẳng và khó chịu hơn lần trước. Vì thế, nếu đã đánh giá đó là đòi hỏi, cha mẹ càng cương quyết, con càng ngoan ngoãn hơn.

5. Không thiên vị con

Tuyệt đối không được có suy nghĩ và hành động nào để coi đứa trẻ là đặc biệt hơn khác người. Tình trạng này thường xảy ra tại các gia đình có con trai đích tôn hoặc với bé nào tỏ ra lanh lợi hơn người (cha mẹ sẽ kì vọng cao hơn).

Với suy nghĩ nó là đặc biệt, nó phải được đề cao hơn… sẽ khiến đứa trẻ nắm bắt được ngay lập tức và nó sẽ quấy nhiễu hơn nhiều vì cho rằng mình có cái quyền hành đó.

6. Không thỏa hiệp

Khi cho con ăn, dụ con nghe lời, ru con ngủ mà không được, không ít các mẹ và các bà đã đem 1 số thứ ra trao đổi. Ví dụ: bật ti vi, đi dạo, cho đồ chơi, mua quà bánh...

Đứa trẻ không khó khăn gì để biết được lợi thế của việc này và những bữa ăn hay giấc ngủ về sau của trẻ sẽ càng khó khăn hơn vì nó sẽ ép để người lớn phải buộc lòng thỏa hiệp với nó. Như vậy trong nhà sẽ ngập tràn tiếng khóc hờn và quát mắng.

7. Đừng coi thường trẻ

Từ 6 tháng, ngồi được vào trong ghế ăn là lũ trẻ đã có thể bốc đồ ăn cho vào miệng. Khi biết đứng và đi được là lũ trẻ đã đủ năng lực để dọn đồ chơi. Khi con được 1, 5 tuổi thì việc tự lau miệng không phải là quá khó khăn.

Hãy cho con làm, điều đó không chỉ tỏ thái độ tôn trọng và đề cao con mà còn làm cho cha mẹ giải phóng được 1 số việc nhỏ xíu. Lúc này stress vì việc nhà sẽ giảm bớt và con bạn cũng trưởng thành hơn.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, trẻ nhỏ dù ở tuổi nào cũng đã có cảm nhận nhất định về những thói quen. Vì vậy, nếu các cha mẹ thực hiện theo những lưu ý trên, luôn nghiêm khắc và bình tĩnh xử lý tình huống ngay từ khi con còn rất nhỏ thì lên 2, 3 tuổi sẽ không phải đau đầu vì những cơn nổi loạn của con, giúp con có 1 tuổi thơ tuyệt đẹp, đáng yêu và nhiều kỷ niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ