Lưu ý trước khi làm bài
Trước khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề, phải chú ý từng từ ngữ, hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu; chú ý cả những dấu chấm hay ngắt câu trong đề bài để nắm rõ yêu cầu của đề bài.
Thao tác này vô cùng quan trọng để xác định được yêu cầu của đề bài và có những định hướng ban đầu cho bài làm. Bởi dạng đề Nghi luận xã hội được chia làm 2 nhóm đề chính là nghị luận về một tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng xã hội. Vì vậy, trước khi tiến hành lập dàn ý chung cho bài làm, học sinh cần xác định đề bài thuộc loại nào để có định hướng chung cho bài viết.
Khi đã xác định được yêu cầu được đề bài, thí sinh sử dụng kiến thức, thông tin và cả những kinh nghiệm có trong cuộc sống để minh chứng cho lý lẽ của mình. Do vậy đòi hỏi học sinh có một kiến thức sống khá phong phú; có sự tinh tế và nhạy bén trong nhận định một vấn đề.
Để làm tốt, học sinh phải thường xuyên thu nhận thông tin hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng; ghi chép lại những thông tin cần thiết làm tài liệu cho riêng mình (chú ý phải ghi nguồn xuất xứ thông tin để chú thích khi trích dẫn vào bài làm).
Tất nhiên khi đưa dẫn chứng vào bài làm, học sinh phải sàng lọc chi tiết có liên quan, tránh dẫn chứng tràn lan, đi lệch hay đi quá xa vấn đề cần phân tích hay chứng minh.
Trong trường hợp khi hết giờ làm bài vẫn chưa giải quyết xong phần thân bài, cần nhanh chóng chuyển sang làm phần kết bài để tránh tình trạng thiếu về bố cục bài viết của mình.
Lưu ý về bố cục
Phần mở bài: Cần trình bày được vấn đề đặt ra trong bài làm (nội dung đề bài) để người đọc có thể biết được bài làm đề cập tới nội dung chính nào, tránh tình trạng mở bài dài nhưng không đúng chủ đề hay làm lạc đề.
Cần có phần dẫn dắt nhất định để đi vào bài một cách tự nhiên, tránh gò bó, gượng ép gây cảm giác khó chịu cho người đọc. Theo đánh giá chung, mở bài sáng tạo, tự nhiên thường được đánh giá cao và gây ấn tượng đầu tiên đối với người chấm bài.
Phần thân bài: Được xem như phần làm chính, phần xương sống của cả bài viết bởi nó làm nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chính của đề bài đặt ra.
Phần này thường trả lời cho các câu hỏi: Vấn đề đó nghĩa là gì? Vấn đề là đúng hay sai, tại sao? Trong thực tế cuộc sống, nó diễn ra phổ biến như thế nào? Cần làm gì để phát huy những mặt tốt và hạn chế những tiêu cực (nếu là mặt xấu) đó trong xã hội hiện nay? Bạn cần làm gì và làm như thế nào để góp phần hiện thực hóa nó vào trong thực tế? Đây là những yêu cầu cơ bản trong việc viết một thân bài của bài dạng nghị luận xã hội.
Đối với dạng văn nghị luận về một hiện tượng xã hội, thí sinh cần có những ví dụ thực tế, liên hệ thực tiễn và có số liệu chứng minh (nếu cần) để bài viết thêm sinh động hơn.
Phần kết bài: Tuy ngắn nhưng có vai trò vô cùng quan trọng vì nó khép lại vấn đề mà cả bài viết bài đang đề cập tới và mở rộng ra những ý kiến cá nhân nhằm làm người đọc có những liên tưởng rõ hơn về cả bài viết.
Những lưu ý chung
Phong cách thể hiện (là văn phong của mỗi học sinh) là điều vô cùng quan trọng. Học sinh cần thể hiện sự sáng tạo trong bài làm. Cách viết hay cách thể hiện khác lạ dễ gây chú ý giám khảo, nếu sự khác lạ đó độc đáo chắc chắn các em sẽ đạt điểm cao.
Với bài văn nghị luận xã hội, học sinh khi sử dụng ngôn ngữ cần chọn những từ ngữ súc tích có tính hình tượng cao và lúc thể hiện cũng cần phải ngắn gọn nhưng phải đảm bảo đầy đủ ý và tránh giáo điều, khô khan.
Tính liên kết giữa các câu và giữa các ý với nhau là điều bắt buộc để tránh sự rời rạc. Một bài văn bất cứ thể loại nào cũng luôn cần yếu tố lôi cuốn và văn phong nhẹ nhàng, có như vậy mới hấp dẫn.
Bài văn nghị luận xã hội không đòi hỏi phải viết thật dài mà cần những dẫn chứng thật sắc sảo và thuyết phục.
Một bài viết sâu sắc luôn cuốn hút người đọc và rất dễ đi vào lòng người. Mỗi bài văn nghị luận, thời gian thường dành khoảng từ 90 đến120 phút ở lớp học và 150 phút ở các kỳ thi. Vì vậy, các em phải biết phân bổ thời gian thật khoa học.
Tuy nhiên để đạt điểm tốt bài làm văn của mình, các em phải thường xuyên rèn kỹ năng viết bằng nhiều cách như: tự ra đề và làm bài, sau đó nhờ anh chị hay thầy cô xem lại và góp ý; tập viết văn những khi có thời gian rỗi…
Nhưng trên hết, các em cần nhận rõ vẻ đẹp của ngôn ngữ; thấy được giá trị của văn học; đặc biệt có tâm hồn với văn học, yêu văn học. Có được những yếu tố trên, chắc chắn các em luôn đạt điểm cao môn văn, trong đó có điểm bài làm văn nghị luận.