Bí quyết cho giờ giảng văn thành công

GD&TĐ - GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo có một giờ giảng văn thành công.

Bí quyết cho giờ giảng văn thành công

4 bước khám phá tác phẩm

Muốn có một giờ giảng văn hay, trước hết người giảng phải hiểu sâu sắc bài văn, bài thơ. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, để hiểu tác phẩm, mỗi người có thể có kinh nghiệm riêng; nhưng dạy học phải tìm được những cách thức chung nhất tiếp cận tác phẩm văn chương.

Có thể hướng dẫn học sinh khám phá tác phẩm văn chương thành 4 bước:

Theo đó, đầu tiên là đọc hiểu ngôn từ. Đây là cấp độ tri giác ban đầu, trong đó người đọc đi từ cái biểu đạt đến cái được biểu đạt để hiểu nội dung khái quát của tác phẩm.

Bước 2: Tái tạo hình tượng nghệ thuật của tác phẩm (tưởng tượng những hình ảnh, cảnh tượng, nhân vật, hoàn cảnh... được miêu tả trong tác phẩm). Ở bước này, người đọc khám phá nội dung của một loại tín hiệu mới, trong đó cái biểu đạt là ngôn từ, còn cái được biểu đạt là hình tượng nghệ thuật.

Bước 3: Khám phá ý nghĩa của tác phẩm, tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả ẩn chứa sau các hình tượng nghệ thuật. Trong trường hợp này, cái biểu đạt của tín hiệu thẩm mỹ là hình tượng nghệ thuật; cái được biểu đạt là ý nghĩa tác phẩm và tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả.

Bước 4: Phát hiện các chi tiết đặc sắc thể hiện thi pháp của tác phẩm, tài nghệ và phong cách của tác giả. Đây là bước kết thúc quá trình đọc hiểu văn bản nghệ thuật với yêu cầu từ những biểu hiện cụ thể trong tác phẩm khái quát thành những vấn đề của đời sống hiện thực và đời sống nghệ thuật.

Đối với học sinh tiểu học, quá trình nên dừng ở bước 3. Do đó, việc hướng dẫn học sinh khá phá tác phẩm sẽ được tổ chức theo 3 cấp độ: đọc vỡ (tương ứng bước 1), đọc sâu (bước 2) và đọc sáng tạo (bước 3).

Thông thường, khi đọc tác phẩm, người ta đọc vỡ một lượt để nắm được diễn biến câu chuyện hoặc nội dung khái quát của bài văn, bài thơ.

Trong lượt này, bạn đọc có thể phải tìm hiểu những từ ngữ mà họ chưa hiểu qua chú thích kèm theo tác phẩm.

Nhưng nếu tác phẩm không có chú thích kèm theo và việc chưa hiểu nghĩa của một vài từ ngữ không trở thành rào cản thì bạn đọc cũng không quan tâm tra cứu để hiểu nghĩa của những từ ngữ này.

Người đọc cũng chưa chú ý tìm hiểu tiểu sử tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm ngoài một số thông tin rất cơ bản như tác giả là người nước nào, sống và sáng tác ở đâu, vào thời nào?

Với nhiều bạn đọc, ngay trong bước đầu đọc vỡ, các hình tượng nghệ thuật đặc sắc của những tác phẩm có giá trị hoặc những tác phẩm tương thích với trường thẩm mỹ cũng sẽ in vào tâm trí họ.

Sau khi đọc vỡ, người đọc có ý thức, đặc biệt là những người lao động nghề nghiệp liên quan đến tác phẩm như nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình phải nhớ lại hoặc đọc lại, thậm chí phải đọc lại nhiều lần để suy nghĩ, tìm cho ra những điểm cốt yếu làm nên giá trị của tác phẩm, phân biệt nó với tác phẩm khác của cùng tác giả hoặc tác phẩm của những tác giả khác.

Bước 3 là kiểm tra và củng cố bằng chứng cứ: nhớ lại hoặc đọc lại tác phẩm; tìm những từ ngữ, chi tiết, thủ pháp nghệ thuật và đối chiếu tác phẩm nghệ thuật với những vấn đề của đời sống,... nhằm đánh giá cảm nhận của mình ở bước 2.

Ở bước này, những thông tin về tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm sẽ là chứng cứ quan trọng. Trường hợp, chứng cứ cho thấy đánh giá ở bước 2 là đúng, thì những bạn đọc đặc biệt như nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình sẽ thể hiện kết quả đánh giá thành giáo án, bài giảng văn hoặc phê bình văn học.

Ở tiểu học, văn bản nghệ thuật được dạy là những tác phẩm hoặc trích đoạn tác phẩm ngắn, có nội dung tương đối giản đơn và yêu cầu cảm thụ văn học không cao. 


Với sự hỗ trợ của hệ thống câu hỏi khai thác bài trong SGK và gợi ý trong sách giáo viên, công việc tìm hiểu tác phẩm của giáo viên sẽ giảm nhẹ rất nhiều. Tuy vậy, về cơ bản, công việc ấy vẫn trải qua 3 bước như trên.

Giáo viên phải đóng vai trò là người môi giới
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong phương pháp giảng văn truyền thống, giáo viên là người truyền thụ cách hiểu, cách cảm của mình về tác phẩm văn chương cho học sinh.
Như vậy, có nghĩa là, giữa 3 nhân tố chủ yếu của hoạt động dạy học và giáo viên – học sinh và tác phẩm, phương pháp giảng văn chỉ quan tâm thiết lập các mối quan hệ cặp đôi giữa giáo viên với tác phẩm và giữa giáo viên với học sinh. Giữa học sinh và tác phẩm không có quan hệ trực tiếp; các em cảm thụ tác phẩm thông qua lăng kính của giáo viên.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều giáo viên với trực cảm sư phạm đúng đắn, đã vượt qua giới hạn của phương pháp dạy học này, sử dụng một số biện pháp phát huy tính tích cực của học sinh, ít nhiều kiến thiết được mối quan hệ giữa học sinh với tác phẩm.

Đó là một hướng vận dụng phương pháp giảng văn phù hợp với tinh thần đổi mới. Theo tinh thần này, người giảng văn chỉ nên đóng vai trò môi giới giữa nhà văn (tác phẩm) với học sinh.

Như vậy, người giáo viên dạy văn phải làm công việc bắc cầu để học sinh đến được với tác phẩm, nghe được những lời tâm huyết của tác giả từ bên trong tác phẩm, chứ không làm thay học sinh, nói thay nhà văn.
Hoặc ngược lại, để học sinh tự bơi mà không có những điểm tựa để giúp các em khắc phục kinh nghiệm còn non nớt của mình.

Những “từ khóa” nằm lòng

Những “từ khóa” được GS Nguyễn Minh Thuyết đề cập đến là “đọc diễn cảm”, “giảng”, “bình”, “tưởng tượng”, “liên tưởng”, “so sánh”.

“Đọc diễn cảm” không đơn giản là trình bày tác phẩm mà là một hình thức nhập thân vào tác phẩm, nhân vật. Đây thường là việc đầu tiên giáo viên cần làm khi giới thiệu tác phẩm. Nhưng nó cũng là việc được lặp lại mỗi khi cần giúp học sinh cảm nhận một nọi dung nhất định trong tác phẩm.

“Giảng” là giải thích, trình bày cặn kẽ cho người khác hiểu. Người giảng văn thường áp dụng biện pháp này để giúp học sinh hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng, và hàm ý của từ ngữ, điển cố, hoàn cảnh tác phẩm ra đời, ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật...

Thực ra, hầu hết những từ ngữ khó, các điển cố đã được chú thích trong SGK. Nên với giáo viên, không phải nhắc lại những gì từ SGK, từ điển hoặc sách vở nói chung đã viết mà là trình bày cảm nhận sâu sắc của mình về tác phẩm. 
Qua đó, giúp học sinh hiểu được sự tinh tế trong ngôn ngữ tác phẩm và cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của tác giả.

“Bình”: Có nghĩa là bình phẩm giá trị của từng từ ngữ, chi tiết, hình ảnh,... trong tác phẩm hoặc xác định giá trị của tư tưởng, bút pháp tác giả thể hiện trong tác phẩm; khả năng tác động và vị trí của mỗi tác phẩm trong nghệ thuật và đời sống xã hội...

Có nhiều cách “bình” khác nhau. Phổ biến nhất là: tưởng tượng, liên tưởng, so sánh.

“Giảng văn luôn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa giảng và bình. Bình kết hợp nhuần nhuyễn với giảng mới làm nên bài giảng văn hay” – GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ