(GD&TĐ) - Một mùa thi cử, tuyển sinh nữa lại đến. Sự “thất thế” của những ngành xã hội, sự né tránh của học sinh với môn Văn là có thực khiến thầy cô và giới chuyên môn không khỏi lo lắng, quan ngại. Làm gì để học sinh yêu thích Văn học? và loại bỏ tâm lý ngại học… Đó vẫn là câu hỏi buộc những người thầy suy nghĩ trả lời.
Giáo viên là người tạo nên đam mê, hứng khởi qua mỗi giờ giảng Ảnh: Lê Văn |
Đổi mới bắt đầu từ người thầy
Giáo viên dạy Văn là một trong hai nhân vật cất giữ vai trò chủ đạo trong quá trình đổi mới dạy và học Văn. Trong quá trình đổi mới, các chuyên gia khuyến cáo về đa phương pháp trong dạy - học, về việc vận dụng uyển chuyển, linh hoạt, đa dạng,phong phú các phương pháp vào giảng dạy. Không có phương pháp độc tôn trong dạy học Văn. Mỗi tác phẩm, mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh giảng dạy đòi hỏi một phương pháp tương thích.
Những phương pháp như đọc chép, nhồi nhét, ôm đồm, khiến học sinh thụ động trong quá trình học văn đều xa lạ với đổi mới. Những thuyết lý khô khan, những liên hệ cứng nhắc, khuynh hướng đạo đức hóa hay chính trị hóa giờ dạy văn chương đều là lực cản của quá trình đổi mới.
Đổi mới phương pháp dạy Văn đối với giáo viên là quá trình đổi mới toàn diện triệt để. Có thể tạm quy về ba bước đổi mới sau: Đổi mới Thiết kế giáo án; Đổi mới thi công bài giảng; Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Thiết kế giáo án trước thay thế cho từ soạn văn. Nếu soạn văn chủ yếu là soạn nội dung giảng dạy, thì thiết kế giáo án là những phương án thiết kế cho bài giảng, trong đó giáo viên lựa chọn phương án khả thi nhất để thi công.
Qua thực tế tiếp xúc, trao đổi với giáo viên dạy Văn một số trường phổ thông thì giáo viên khi thiết kế bài giảng không chỉ thiết kế nội dung mà còn thiết kế phương pháp, thiết kế hướng dẫn học ở nhà, thiết kế rèn luyện ở lớp. Theo đó, giáo viên sẽ hình dung ra được tiến trình của bài giảng, làm chủ được bài giảng trên lớp. Công việc thiết kế bài giảng được tiến hành ở nhà.
Thi công bài giảng là tổ chức dạy - học trên lớp với đối tượng học sinh nhất định, không gian nhất định, mục đích yêu cầu cần đạt, thời gian nhất định. Đổi mới phương pháp dạy trên lớp đòi hỏi người giáo viên là nhà tổ chức thi công, là “nhạc trưởng” chỉ huy dàn nhạc, là người giữ được nhịp điệu “trận đấu”… Điều này sẽ hoàn toàn xa lạ với việc làm thay, làm hết công việc của học sinh. Vai trò thi công bài giảng của thầy giáo trên lớp được nhấn mạnh ở mức độ khuyến khích, tạo niềm hưng phấn cho HS tích cực tham gia sáng tạo vào bài giảng như thế nào hơn là thầy “độc thoại” hay đọc chép.
Cũng như vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy khuyến khích thầy giáo nỗ lực trên mọi phương diện để sử dụng được những phương tiện kỹ thuật hỗ trợ vào bài giảng như máy chiếu, tranh ảnh, biểu đồ minh họa. Nhưng điều đáng lưu ý các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cần được sử dụng vừa mức độ. Mọi sự lạm dụng và không đúng chỗ sẽ đi xa bản chất của văn học là nghệ thuật ngôn ngữ.
Và theo thầy Nguyễn Đức Long- Giáo viên dạy Văn THPT thì “Vì văn học là nghệ thuật ngôn ngữ nên ngôn ngữ của thầy, cô giáo khi đọc tác phẩm cũng như bình giảng phân tích sẽ góp phần truyền cảm tới người học. Ngay cả khi vận dụng phương tiện dạy học thì đối với giáo viên Văn vai trò của người thầy giáo vô cùng quan trọng. Sự hiện diện của thầy, cô với xúc cảm, tình cảm, với sự đồng cảm và đồng điệu với tác giả với người học tạo nên một đặc thù riêng của giờ dạy - học tác phẩm nghệ thụât ngôn từ”. Đó là chưa kể đến thầy, cô giáo là người “châm ngọn lửa” xúc cảm, đẩy cảm xúc lên cao trào, người dẫn dắt những yêu, ghét, buồn, vui. Người tạo nên được niềm đam mê, hứng khởi, những thích thú qua giờ giảng văn...
Muốn vậy, thầy cô giáo dạy Văn luôn phải mới mẻ, luôn say mê, hết mình đối với mỗi giờ giảng. Câu nói muôn thuở giáo viên vừa là nhà khoa học, vừa là nghệ sỹ trên bục giảng không hề lý thuyết một chút nào. Mọi biểu hiện của thầy cô như: ánh mắt, nụ cười, bàn tay, chữ viết trên bảng, lời nói, động viên, khuyến khích, cỗ vũ đều gắn liền với đổi mới dạy Văn. Như vậy muốn đổi mới dạy Văn, thầy cô dạy Văn luôn phải làm mới chính mình.
Đánh thức khát vọng cho học sinh thay vì nhồi ép kiến thức |
“Thắp lửa” đam mê qua từng tiết học
Theo thầy Lê Văn Vỵ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thì việc dạy - học bất cứ môn nào quan trọng nhất là thức dạy khát vọng học tập trong học sinh. Khi học sinh nguội tắt nhiệt huyết và lòng đam mê thì kết quả không như mong muốn là một tất yếu.
Qua chứng kiến việc dạy và học Văn trong nhà trường cho thấy, có một phần lý do từ thầy cô mà môn Văn ngày một nhạt dần với học trò. Có hàng loạt nghịch lý diễn ra: Thời gian rất có hạn mà tri thức thì khôn cùng, môn học thì quá tải mà thời gian, sức học của học sinh thì có hạn. Tác phẩm văn chương (đặc biệt là những tác phẩm xuất sắc) khai thác mãi vẫn không hết ý nghĩ sâu xa, mà thời gian trên lớp lại rất hạn hữu.
Môn Văn trong nhà trường có điều kiện để thức dậy khát vọng trong học sinh. Đó là khát vọng sống cao đẹp mà mỗi giờ giảng văn từ vẻ đẹp của hình tượng, của ngôn ngữ thầy giáo có thể tạo được một không khí văn chương, không khí ngự trị của cái cao đẹp, thức dậy trong các em biết bao khát vọng sống tuyệt vời.
Nếu như “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu là áng văn bi tráng về người nông dân dấn thân vì nghĩa cả, ánh lên vẻ đẹp của đạo lý, của lẽ sống của dân tộc... thì tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao: “Ai cho tao lương thiện?” cũng đủ để cho thầy và trò nghiền ngẫm về nỗi xót xa, đau đớn, phẫn uất của người nông dân trước cách mạng, về tấn bi kịch không được làm người lương thiện...
Thức dậy khát vọng trong lòng học trò, thức dậy lòng yêu tiếng Việt, biết nói lời hay, ý đẹp, biết tích luỹ làm giàu vốn ngôn ngữ phong phú của mình là công việc không chỉ ngày một, ngày hai. Và thức dậy khát vọng học trò trong những giờ giảng văn là tạo ra bầu không khí văn chương. Đó là một bầu không khí cởi mở dân chủ, bầu không khí đối thoại. Bước vào giờ giảng là bước vào một không khí được sẻ chia, được trao đổi, tâm tư, ở đó, thầy và trò bình đẳng với nhau trong quá trình khám phá và sáng tạo. Mọi áp đặt, mọi thiên kiến chủ quan, mọi bài xích và thoá mạ sẽ giết chết không khí văn chương.
Người thầy phải biết kiên nhẫn, khuyến khích để lắng nghe được ý kiến từ học trò. Một câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ, vừa sức; một ánh mắt thiện cảm, một lời động viên khích lệ, một sự chờ đợi không nôn nóng, một sự tranh thủ thêm nhiều ý kiến, một giả định, một nhận xét thỏa đáng, đó là những gì ngoài văn chương hết sức cần thiết để nhen lên khát vọng từ học trò vốn dĩ đã nguội lạnh. Kể cả những lúc chấm bài cho HS cần trân trọng từng sáng tạo của các em, sửa chữa những lỗi nhỏ bằng những nét bút, con chữ hết sức cẩn trọng là một việc làm có ý nghĩa.
Để cho HS được nói lên những ý nghĩ chân thật tự sâu thẳm tâm hồn mình là một điều cần thiết. Và kể cả những lúc học sinh vào cuộc tranh luận, giáo viên hãy lắng nghe, vì lắng nghe chưa bao giờ đánh mất vị thế của người thầy là nhân vật “trung tâm” của giờ lên lớp.
Thắp sáng khát vọng cho học sinh qua mỗi giờ giảng là điều quan trọng hơn là cung cấp, nhồi nhét cho HS một mớ kiến thức. Con đường học tập là con đường suốt đời. Thắp sáng ngọn lửa cho học sinh là một cách để các em đam mê, dấn thân vào con đường tri thức nhân loại. Có thể nói, tri thức trong giờ giảng của thầy giáo là tri thức cơ bản, tri thức ban đầu để học sinh tự đi tiếp trên con đường chông gai ấy. |
Văn Lê