(GD&TĐ) - Đối với lứa tuổi trung học phổ thông, mỗi một nước có một cách, một phương pháp chủ đạo trong kiến tạo, trong thực thi và trong phát triển về tri thức cũng như về nhân cách. Riêng tôi, tôi thích phương pháp kiến tạo cho chương trình bồi bổ kiến thức trí thức của các nhà giáo dục Hoa Kỳ. Và tôi nghĩ rằng phương pháp giáo dục, phương pháp kiến tạo tri thức kiến thức của các nhà giáo dục Hoà Kỳ cho trung học phổ thông đáng để chúng ta suy ngẫm.
Trong chương trình của THPT, Văn học là bộ môn vô cùng quan trọng, là thiết yếu, là bộ môn trụ cột; bởi môn Văn học, bản thể của nó là làm một cầu nối, bắc từ cuộc đời, từ đời sống đang hiện hữu đã hiện hữu. Còn hiện hữu, và mãi mãi hiện hữu với thế giới tinh khôi và hôi hổi đầy tươi mới, đầy sức sống và mỹ cảm, nỗi khát khao và niềm kỳ vọng của lứa tuổi học trò từ 13 đến 17 tuổi.
Văn học mang một sứ mệnh cực kỳ trọng đại là đem đến cho thế giới nội tâm của học trò mọi vẻ khác nhau vô cùng phong phú của đời sống, để nuôi dưỡng cảm xúc, thẩm mỹ tâm thức trong các em. Cuộc sống vận động với một tốc độ chóng mặt, và sự hiện diện, vẻ diện mạo của cuộc đời lại hiện ra muôn hồng ngàn tía; lại hiện diện với các vẻ khác nhau đến không cùng. Nhưng đảm trách được, miêu tả được, ghi lại được, để dấu ấn được, để cho học sinh trung học của chúng ta nhìn thấy được, ngẫm ngợi được, tâm can chia sẻ được, lại chỉ có môn Văn, văn chương.
Để rồi từ đấy, các em làm hành trang cho cuộc đời của mỗi con người trưởng thành sau này.
Ví dụ, trong giáo trình môn văn, có truyện ngắn “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân. Ai cũng bảo đó là một truyện ngắn hay, đáng cho học sinh học. Vâng, có ai nói gì đâu, nhưng để truyện ngắn: "Vợ Nhặt" trong giáo trình dài tới mấy chục năm, để học sinh học trong mấy chục năm thì không nên. Một số tác phẩm khác cũng vậy.
Trong sự biến đổi của cuộc đời từng ấy năm, đã có biết bao nhiêu tác phẩm văn chương hay, rất có giá trị, nó phản ánh đời sống một cách vô cùng tài tình, phong phú. Rất tiếc, biết bao nhiêu tác phẩm văn học như thế bị đứng ngoài cổng trường chưa được đưa vào nhà trường giảng dạy. Vậy thì do đâu mà có những ý kiến trên?
Văn học mang lại sức sống tươi mới và mỹ cảm |
Rồi còn nữa. Học mỗi bài văn trong hệ thống của môn học từ bấy nhiêu lớp, thì bất kỳ bài nào, học sinh cũng phải học thuộc lòng, cách tiếp cận, cách hiểu, cách cảm của chỉ một nhà giáo được phân công soạn ra cái bài văn của môn học văn lớp đó. Không được hiểu khác nữa kể cả cách cảm cũng vậy. Công việc cuối cùng của học trò là lắng nghe thầy, cô giảng trên bảng cũng y nguyên như trong giáo trình. Thế là từ bao năm nay, các thế hệ học sinh nối tiếp nhau, hiểu và cảm y nguyên như thế trong sách giáo khoa. Thế nên trẻ mới chán Văn. Chán học Văn.
Trong tác phẩm văn học có các thể loại: Bút ký, ghi chép, tạp văn, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết v.v. Sự khích lệ vô cùng lớn lao của nhu cầu nội tại của tác phẩm ấy là, khi người đọc, bất cứ là ai, đọc xong thì cảm nhận về tác phẩm ấy theo cách riêng càng tốt.
Vì vậy, từ vô vàn những cảm nhận khác nhau, của mỗi cá nhân khác nhau, của một thời điểm nào, văn học mới giúp ích cho mỗi trẻ đọc và học, nhận thức được cái hoàn cảnh xã hội của bản thể mà tác phẩm chứa đựng, và cũng như tự nhiên tác phẩm đó luôn luôn đảm bảo một cương vực, rằng nó không hề muốn đi quá cái thời mà nó phản ảnh. Thiết nghĩ, trong tâm thế của mỗi em phải tự nhiên thấm đẫm cái hồn cái hình vóc, cái diện mạo của thời các em đang sống, đang trên đại lộ của trưởng thành. Vì vậy, học sinh cần được học các tác phẩm hay ngay cùng thời với các em, để rồi thực sự trưởng thành lớn lên trong thời đại của mình.
Vả nữa, văn chương luôn luôn có những thành tựu, chỉ chia ra trong mấy chục năm qua, 10 năm một lại có những tác phẩm hay. Ấy vậy mà giáo trình văn học, học sinh phải học những tác phẩm đã quá lâu, có tác phẩm không thực sự hay.
Có lẽ nên soạn mới, bổ sung giáo trình Văn học, đổi mới phương pháp dạy và học để học sinh hứng thú với văn chương. Đó là điều chúng ta cần cấp bách làm ngay.
Nhà văn Bùi Bình Thi