Học Văn: Đừng để các em thành "vẹt" của người lớn

Học Văn: Đừng để các em thành "vẹt" của người lớn

(GD&TĐ) - “Đừng để học sinh rập khuôn theo những bài văn mẫu” là vấn đề bất cập từ khá lâu. Nhưng chưa được các thầy cô giáo khắc phục. Vẫn có nhiều loại sách in sẵn những bài văn mẫu dành cho học sinh các cấp được bày bán. Tất nhiên, những  loại sách đó chỉ mang tính tham khảo và đã là tham khảo thì không thể rập khuôn.

Lạm dụng những bài văn mẫu sẽ làm mất khả năng sáng tạo của học sinh
Lạm dụng những bài văn mẫu sẽ làm mất khả năng sáng tạo của học sinh
 

Ở đây, tôi chỉ nêu vấn đề trên đối với bậc tiểu học. Lâu nay, tôi vẫn tự kèm cho cậu con trai đang học lớp 5. Vừa rồi, cháu phải làm một bài văn, yêu cầu học sinh tả cảnh sông Hương. Đọc một đoạn trong bài viết của cháu tôi thấy có nhiều ý hay, nào là sông Hương như một dải lụa mềm xanh biếc chảy quanh co thành phố…; sáng sớm mặt sông phẳng lặng, trưa về mặt sông…; hoàng hôn sông khoác lên mình chiếc áo màu tím với hàng trăm ngọn đèn...

Tuy vậy, tôi vẫn thắc mắc, sông Hương thì cũng nhiều lần tôi chở con trai đi ngang qua, nhưng còn dải lụa trải ra…? Tôi hỏi đánh đố con trai: “Con đã nhìn thầy dải lụa trải ra bao giờ chưa? – Dạ chưa! – Sao con biết mà ví sông Hương như dải lụa? – Dạ con chép lại từ dàn ý của cô. 

Nói rồi, cháu đưa tôi xem phần dàn ý bài văn cô giáo cho học sinh chép trong vở bài tập Tiếng Việt. Cậu học sinh nhà tôi chẳng bỏ sót ý nào của cô giáo. Có lẽ các bạn cùng lớp cháu hầu hết cũng sẽ làm như vậy. Và không chỉ cô giáo của con tôi mới dạy học sinh theo cách này. 

Tôi có nhờ tư vấn của một người quen là giáo viên dạy giỏi môn Tiếng Việt của một trường tiểu học. Cô bạn trả lời ngay: Chị tìm mua sách… sẽ có những bài văn mẫu, cháu cứ đọc đi đọc lại rồi làm như vậy là sẽ được điểm cao thôi. Vậy là “botay.com”. 

Tôi tự hỏi, với cách học này, có khi nhà trường phải mang ba rem chấm toán ra để cho điểm các bài văn chăng?

Để học sinh tư duy trong mỗi bài văn của mình thực ra có khó đến thế không? Khi “mẹ là cô giáo”, tôi chỉ dừng ở mức cùng con suy nghĩ, tìm ý cho bài văn mà thôi. Nhưng, chịu khó một tý thì cũng nhìn ra được nhiều cách giải quyết. 

Quay lại với bài văn tả cảnh sông Hương, khó khăn gì để các trường tiểu học ở Huế tổ chức một chuyến dã ngoại, cho các em đi thực tế trước khi làm bài. Được biết, việc tổ chức cho học sinh tham quan các thắng cảnh, di tích… để minh họa cho các môn học cũng là một trong những nội dung nằm trong chương trình ngoại khóa mà Bộ GD&ĐT đề ra. 

Khi đi cùng các bạn và được phổ biến để tập tả sẽ hiệu quả hơn đi cùng bố mẹ. Ở đó, mỗi em có một cách nhìn khác nhau để so sánh về dòng sông. Có thể ví dòng sông như một dải lụa, cũng có thể tả một cánh lục bình trôi nhẹ trên mặt nước. Bên bờ sông, em này bắt gặp một con châu chấu, em kia thích màu sắc của một chú bươm bướm; có em sẽ nhìn được những bông hoa bé tý giấu mình dưới thảm cỏ xanh… Như vậy, chắc chắn mỗi bài văn sẽ có cách miêu tả riêng. 

Hiện nay, học sinh tiểu học hầu hết phải học 2 buổi một ngày; mỗi tháng chỉ có một bài tập làm văn, không khó khăn để tổ chức những chuyến tham quan cho các em. Chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh phối hợp với nhà trường để tạo điều kiện tốt nhất cho việc học của con cái họ. Làm được như thế, không chỉ giúp học sinh tìm được nhiều ý hay trong các bài văn mà còn giúp các em có thời gian vui chơi phù hợp với độ tuổi, giảm bớt căng thẳng, buồn tẻ và thiếu hiệu quả trong học tập.

Không thể có một bài văn tả cảnh thành công khi tác giả chưa nhìn thấy cảnh đó. Một bài văn, dẫu có ví von đến mấy cũng phải đi từ thực tế và mang tính chân thật mới mong thuyết phục người đọc. Sự bóng bẩy quá, nhiều khi dễ trở nên mơ hồ. Đừng để các em nói theo cách nói của người lớn, viết rập khuôn những bài văn mẫu, nhất là đối với bậc tiểu học. Như vậy chúng ta vô tình tạo cho các em một thói quen.

Hương Lan (Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ