Tình trạng dễ khắc phục
Thực tế, theo các chuyên gia, hầu hết những vấn đề về giọng nói đều có thể được khắc phục một cách dễ dàng. Từ việc nghỉ ngơi đến uống nhiều nước, các giáo viên có thể áp dụng những mẹo này để giữ giọng nói luôn khoẻ mạnh.
Các nhà giáo dục thường phải nói to cả ngày, đặc biệt là trong môi trường lớp học ồn ào, nhiều âm thanh khác nhau. Song, đó là một phần của công việc của họ.
Trên thực tế, giáo viên có nhu cầu về việc giữ giọng cao nhất so với bất kỳ ngành nghề nào. Tuy nhiên, tất cả những hành động như nói chuyện, cổ vũ, hắng giọng và thậm chí thì thầm đều có thể khiến các giáo viên gặp phải vấn đề về sức khoẻ.
Christina Le - giáo viên tại Trường Tiểu học Lietz ở San Jose, California (Mỹ), cho biết: “Tôi đã mất giọng rất nhiều lần trong thời gian đầu của sự nghiệp. Bởi, khi đó, tôi cảm thấy như mình phải cạnh tranh với 20 đứa trẻ”.
Theo Viện Hàn lâm Tai Mũi Họng Mỹ, trường hợp của bà Le không phải là đặc biệt. Hơn một nửa tổng số giáo viên tại Mỹ gặp chứng rối loạn giọng nói trong suốt cuộc đời. 20% trong số này cho biết bị mất việc do vấn đề về giọng nói.
Trong khi đó, 1/10 giáo viên bị buộc thôi việc do hạn chế về giọng nói. Đặc biệt, một số nghiên cứu đã khiến vấn đề tồi tệ hơn khi cho rằng, sinh viên không thể học tốt khi giáo viên của họ có giọng nói khàn.
Tiến sĩ Steven Sims - Giám đốc Viện chăm sóc giọng nói Chicago, giải thích: “Con người học tốt nhất bằng tín hiệu thính giác thuần túy. Khi giáo viên có vấn đề hoặc sưng trên dây thanh âm, hay khi giọng nói của họ bị khàn, học sinh cũng không nhận thấy tín hiệu đó. Vì vậy, họ bỏ lỡ một phần những gì giáo viên đang nói và điều đó ảnh hưởng đến việc học”.
Theo các chuyên gia, những vấn đề về giọng nói là một nguy cơ nghề nghiệp nhiều giáo viên phải đối mặt. Tuy nhiên, tin tốt là, khi những vấn đề đó xảy ra, hầu hết chúng đều được khắc phục một cách dễ dàng.
Trong trường hợp là người hút thuốc, các giáo viên cần dừng hành động đó lại. Bởi, hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản và gây viêm, polyp dây thanh khiến giọng nói khàn và yếu.
Ngăn ngừa vấn đề về sức khoẻ
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, giáo viên có thể thực hiện một số mẹo để giữ giọng nói. Phương pháp đầu tiên và quan trọng nhất là uống nhiều nước. Độ ẩm giúp trơn dây thanh âm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giáo viên nên uống 32 ounce (gần 1 lít) nước trước khi chuẩn bị lên lớp.
Tiến sĩ Michael Pitman - Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Thanh âm tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Tai và Mắt New York giải thích: “Mục đích là giữ cho cơ thể bạn đủ nước bằng cách uống nước suốt cả ngày. Nhờ đó, giúp bảo vệ các dây thanh âm. Uống ly nước 8 ounce (0,23 lít) mỗi lần là một mục tiêu tốt tối thiểu.
Chỉ cần bỏ qua hoặc hạn chế cà phê, trà, soda, rượu cũng như các thức uống khử nước khác. Ngoài ra, khi cảm thấy khát hoặc khô và lạnh họng, mọi người cũng có thể uống sữa”.
Một gợi ý khác để giữ giọng là xông hơi. Các giáo viên có thể sử dụng máy tạo độ ẩm vào ban đêm, hoặc xông hơi cá nhân khi lên lớp. Phương pháp này được cho là đặc biệt hữu ích nếu giáo viên là người sống ở nơi có khí hậu khô.
Tiến sĩ Pitman gợi ý: “Những tháng mùa đông có thể đặc biệt khô hanh. Không chỉ không khí khô lạnh, mà các phòng học cũng có sưởi, khiến càng thêm khô”. Bên cạnh đó, cho giọng nói nghỉ ngơi trong thời gian ngắn cũng có thể là biện pháp hữu hiệu.
Cụ thể, các giáo viên có thể tạm ngừng nói trong 15 phút một vài lần trong ngày. Các chuyên gia gợi ý, giáo viên có thể sử dụng chuông, thay vì giọng nói, để thu hút sự chú ý của học sinh.
Đồng thời, hãy thoải mái khi để học sinh nói chuyện, trao đổi về các bài tập nhóm. Một cách làm tốt hơn là cân nhắc sử dụng micro, đặc biệt nếu giáo viên thường xuyên phải nói to trong lớp.
Điều quan trọng là giáo viên cần theo dõi cổ họng. Việc hắng giọng thường xuyên có thể gây ra vấn đề về sức khoẻ. Theo Tiến sĩ Steven Sims, khi dùng nhiều lực để hắng giọng, hành động đó sẽ tạo ra sự kích thích gây ho.
Cách duy nhất để phá vỡ chu kỳ đó là chiến lược uống từng ngụm nước trong suốt cả ngày để làm sạch chất nhầy và giảm nhu cầu hắng giọng cũng như ho. Sau khi uống một vài ngụm nước, giáo viên có thể thử hắng giọng nhẹ nhàng hơn.
Tiến sĩ Pitman khuyến cáo, bất kỳ ai thường xuyên phải nói nhiều để phục vụ cho công việc cũng nên kiểm tra cơ bản. Nhờ đó, đảm bảo dây thanh âm của họ khỏe mạnh.
Việc kiểm tra định kỳ cũng giúp xác định các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn trước khi những vấn đề thực sự phát triển. Đặc biệt là bởi, hầu hết mọi người không biết cách chăm sóc giọng nói. Một lần kiểm tra hằng năm có thể giúp các nhà giáo dục học cách bảo vệ giọng nói của họ.
Đồng thời, giải quyết các yếu tố như trào ngược, dị ứng và khô dây thanh quản do uống thuốc không kê đơn. Ngoài ra, một chuyên gia trị liệu giọng nói có tay nghề cao cũng có thể cung cấp các mẹo và kỹ thuật bảo vệ.
Nhờ đó, giúp ngăn ngừa các vấn đề về giọng nói trước khi chúng bắt đầu. Với tình trạng khản giọng, Tiến sĩ Sims giải thích rằng, bệnh nhân có thể đang mắc phải một tình trạng mãn tính, như trào ngược, dị ứng hoặc chảy dịch mũi sau.