Bị “quy chụp” trục lợi BHXH, người lao động phản ứng dữ dội

GD&TĐ - Liên quan đến việc 86 lao động của Bảo Việt tỉnh Phú Thọ có nguy cơ mất quyền lợi của người đóng BHXH, ngày 14/6/2019, BHXH tỉnh Phú Thọ đã tổ chức đối thoại giữa các bên liên quan. Đó là 86 người lao động của Công ty Bảo Việt nhân thọ Phú Thọ và Công ty Bảo Việt Phú Thọ - BHXH tỉnh Phú Thọ và BHXH TP. Việt Trì. Tại đây, người lao động phản ứng dữ dội khi bị ông Quyền Minh Tú nói họ trục lợi BHXH.

Điều hành Hội nghị đối thoại với người lao động, ông Quyền Minh Tú tuyên bố: Đang lắng nghe để“giải quyết bãi rác”.
Điều hành Hội nghị đối thoại với người lao động, ông Quyền Minh Tú tuyên bố: Đang lắng nghe để“giải quyết bãi rác”.

Đổ lỗi

Hơn 1 tuần sau khi có cuộc đối thoại giữa 86 người lao động với lãnh đạo Công ty Bảo Việt nhân thọ Phú Thọ và Công ty Bảo Việt Phú Thọ, ngày 14/6/2019 BHXH tỉnh Phú Thọ đã tiến hành Hội nghị đối thoại với những người lao động nêu trên. Cuộc họp do ông Quyền Minh Tú Giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ chủ trì trước sự chứng kiến của đại diện một số ban ngành địa phương.

Nói với những người lao động, ông Quyền Minh Tú cho rằng đây là cuộc họp trên tinh thần thiện chí, mời những người lao động có nguy cơ mất quyền lợi của người đóng BHXH đến để bảo vệ quyền lợi cho họ, nhưng phải bảo vệ đúng trong khuôn khổ pháp luật.

Ông Tú cho rằng, để xảy ra sự việc như hôm nay là sai chung của cả người lao động, chủ sở hữu lao động. Còn cơ quan BHXH chỉ thực thi theo quy định hiện hành của nhà nước. “Đây là lỗi hỗn hợp.” - ông Tú nói. Vì vậy, phải phối hợp với nhau để cùng “thuyết trình lên cơ quan chức năng” giải quyết vấn đề. Nếu các bên không hợp tác, khi đối chiếu tất cả các văn bản thiệt thòi sẽ thuộc người lao động.

Ông Tú đưa ra bằng chứng là hợp đồng lao động năm 2000 ký giữa những người lao động và giám đốc hai công ty. “Đây là hợp đồng lao động mà các anh các chị đều ký. Giám đốc ký, người lao động ký”. Sau đó mới có tờ khai đóng BHXH và danh sách người lao động nộp cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH căn cứ theo hợp đồng, theo mẫu của Bộ LĐTB&XH ban hành để cấp sổ BHXH cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, người lao động - chủ sở hữu lao động - cán bộ bảo hiểm đã hợp lý hóa giấy tờ để trục lợi bảo hiểm. Nếu không đồng thuận cùng giải quyết thì phải đưa sự việc ra tòa và tất cả thành phần này này đều phải chịu trách nhiệm vì đều sai.

Ông Tú cũng khẳng định, việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của ông. Nếu là trách nhiệm của ông thì ông giải quyết ngay. Ông cho rằng, ông rất thiện chí khi đang lắng nghe để“giải quyết bãi rác”. Ông Tú ví von khi nói về việc đang giải quyết các tồn đọng liên quan đến quyền lợi đóng BHXH của 86 người lao động.

Khi ông Tú hỏi người lao động về hợp đồng lao động, thang bảng lương, hai giám đốc của hai công ty sở hữu lao động đã im lặng không dám nói một lời. Dù rằng, việc này là trách nhiệm của chủ sở hữu lao động, không phải là trách nhiệm của người lao động.

Phản ứng dữ dội

Tuy nhiên, cách ví von của Giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ Quyền Minh Tú là “giải quyết bãi rác”, đổ lỗi cho người lao động “trục lợi bảo hiểm” đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội của những người lao động có mặt tại hội nghị. Những người lao động cho rằng, họ đều là những lao động đàng hoàng ở hai công ty, họ là những người có công rất lớn trong việc phát triển thị trường bảo hiểm từ những ngày đầu tiên còn rất khó khăn.

Trong số những người tham gia đóng BHXH, nhiều người có quyết định bổ nhiệm các chức danh trong hai công ty bảo hiểm này. Nhiều người được bằng khen, giấy khen của công ty, có thẻ đoàn viên công đoàn. Vì vậy, việc công ty đóng BHXH cho họ là tất yếu để họ yên tâm công tác, cống hiến và gắn bó lâu dài. Nghĩa vụ của họ là đã đóng đầy đủ tiền BHXH hàng tháng cho hai công ty mười mấy năm qua. Vì vậy, nói người lao động trục lợi bảo hiểm là không có căn cứ.

Chị Đỗ Thị Kim Ánh gay gắt: “Các anh bảo chúng tôi ký để trục lợi BHXH thì nên rút lại vì hoàn toàn không đúng”. Chị Ánh cho rằng, những người lao động đóng tiền và nhận sổ BHXH là hoàn toàn chính đáng, không có gì sai. “Chúng tôi cũng không phải là đống rác”. Chị Ánh phẫn nộ.

Ông Quyền Minh Tú đáp lại sự phẫn nộ của chị Ánh bằng cách “xoa dịu” là ông vẫn lắng nghe, đối thoại với người lao động dù ông không làm sai. Hơn nữa, các giấy tờ không đúng theo quy định hiện hành và người lao động không làm ra giấy tờ. Lộn xộn là do ký vào. “Tất cả các giấy tờ này là không hợp lệ. Không có giá trị pháp lý”. Ông Tú nói.

Sự giải thích của ông Tú không những không xoa dịu được sự phẫn nộ của những người lao động mà còn khiến nó bùng lên mạnh hơn.

Anh Lê Minh Xuyên cho rằng, nếu những người lao động sai thì hôm nay đã không có Hội nghị đối thoại này.
 Anh Lê Minh Xuyên cho rằng, nếu những người lao động sai thì hôm nay đã không có Hội nghị đối thoại này.

Anh Lê Minh Xuyên cho rằng, nếu những người lao động sai thì hôm nay đã không có Hội nghị đối thoại này. Vì vậy, anh Xuyên đề nghị ông Tú dùng ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng những người lao động đóng BHXH, nếu không sẽ giải tán không cần đối thoại nữa. Vì cứ như thế này sẽ không giải quyết được vấn đề gì trong khi sổ BHXH của những người lao động là căn cứ pháp lý cao nhất, có đầy đủ xác nhận quá trình tham gia đóng BHXH với chữ ký, con dấu của lãnh đạo các cơ quan BHXH.

Bằng chứng sờ sờ ra đây còn quy với trình gì nữa”. “ Không thể đổ lỗi cho 86 người lao động. Phải trả lời cho 86 người lao động bằng 86 công văn”. “Các ông phải bồi thường cho chúng tôi về vật chất và tinh thần”. Anh Xuyên yêu cầu.

Chị Lê Thị Lan Phương cũng không giấu được sự phẫn nộ và cho rằng, gọi người lao động đến đối thoại nhưng vừa vào đã dọa dẫm chúng tôi. Chị cho rằng, người lao động bảo vệ quyền lợi của mình là chính đáng nên không sợ. Anh Minh thì cho rằng, chúng tôi đang bị lừa có tổ chức.Các anh phải tháo gỡ nhanh, đừng tổ chức đổ lỗi, “đá bóng”. Nếu không giải quyết được, chúng tôi sẽ lên cơ quan cấp trên. Chị Thùy cho rằng, cách trả lời của đại diện cơ quan BHXH là vô trách nhiệm.

Chị Lê Thị Lan Phương không giấu được sự phẫn nộ và cho rằng, gọi người lao động đến đối thoại nhưng vừa vào đã bị đe dọa.
 Chị Lê Thị Lan Phương không giấu được sự phẫn nộ và cho rằng, gọi người lao động đến đối thoại nhưng vừa vào đã bị đe dọa.

Trước sự phản ứng gay gắt của những người lao động, ông Quyền Minh Tú đã phải chỉnh sửa lại những phát ngôn ban đầu của mình. Ông nói rằng, ông không đổ lỗi cho người lao động, không coi thường người lao động, không bỏ rơi người lao động mà đang tiếp tục lắng nghe để tìm hướng giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho những người đóng BHXH.

Trước sự đổ lỗi, lòng vòng trong đối thoại và cách giải quyết vấn đề của đại diện BHXH, chị Hoa chỉ thẳng bản chất vấn đề: Sổ BHXH là các anh cấp và chốt cho chúng tôi. Các anh tự buộc nút thì tự tháo được. Nếu không giải quyết được thì trả lời để chúng tôi tự đi con đường của mình. Chúng tôi bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, không phải ăn cắp, ăn trộm nên không sợ.

Những người lao động tham gia hội nghị đều tỏ ra bất bình và nhận thấy có điều "bất thường" trong sự việc này, đó là sự im lặng của các vị giám đốc Công ty Bảo Việt nhân thọ Phú Thọ, Công ty Bảo Việt Phú Thọ và BHXH TP. Việt Trì - những người đã trực tiếp ký hợp đồng lao động, ký nhận tiền đóng BHXH và cấp sổ BHXH cho người lao động.

Tại sao những con người này phải im lặng trước những việc đã làm, và để xảy ra việc sổ BHXH của người lao động gặp rắc rối, ảnh hưởng đến quyền lợi của người đóng BHXH? Đã có điều gì bất thường mà ông Quyền Minh Tú đã "buột miệng" nói rằng: "người lao động - chủ sở hữu lao động - cán bộ bảo hiểm đã "hợp lý hóa giấy tờ để trục lợi bảo hiểm" ?. Người lao động đã chấp hành đóng tiền BHXH theo đúng quy định, vậy thì những ai đã hợp lý hóa giấy tờ để trục lợi bảo hiểm ? Câu hỏi này đang cần được làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ