Tuy nhiên, làng cổ ở Haspengouw ở Bokrijk thì khác, ở đây tôi không chỉ được chiêm ngưỡng một không gian làng cổ thực sự, mà lối sống xưa kia vẫn được bảo tồn vẹn nguyên.
Khi bước qua cánh cửa kiểm soát, trả mức phí khá cao so với mức phí vào các khu bảo tàng khác, (chỉ chừng 5 Euro), muốn vào làng cổ Bokrijk bạn phải chi mức phí 12 Euro/người. Nhưng sau đó bạn sẽ lọt thỏm vào một không gian xưa, quay trở về thời kỳ 1913.
Ngay khi chạm mặt với những cư dân của làng cổ Haspengouw, bạn được tận hưởng không khí quê mùa châu Âu hơn 100 năm trước. Không khí ấy vừa khác lạ với tôi, một người vốn sinh ra ở vùng quê Việt Nam, lại vừa rất giống sinh hoạt đồng quê Việt Nam với đống rơm, chuồng lợn, vách đất, mái tranh...
Cối xay gió |
Một chiếc cối xay gió khổng lồ đón tôi khiến tôi phải chững lại. Cánh quay khổng lồ của chiếc cối xay gió như ngầm nói lên sức mạnh của một ngôi làng, sức tưởng tượng, sự thông thái, sự phóng khoáng và giàu có của làng. Quanh chiếc cối xay gió cũng là nơi tụ tập của những người nông dân trong làng, khi mùa vụ bội thu và họ mang ngũ cốc ra cối xay gió để xay thành bột.
Đây cũng là nơi thu tin và truyền tin, khi người nông dân sẵn sàng cởi mở lòng mình để chia sẻ những ước nguyện, những khúc mắc trong lòng, và khi tất cả được giãi bày, tất cả đều tìm được phương án giải quyết, hay rồi sẽ bị... gió cuốn đi.
Nhưng ít ra, khi bên chiếc cối xay gió, câu chuyện được cởi bỏ, vấn đề được cởi bỏ, thì lòng người cũng nhẹ như gió mà thôi. Người dân châu Âu chắc rất gắn bó và yêu chiếc cối xay gió này, giống như tôi từng gắn bó với cái cối xay lúa của gia đình tôi.
Mỗi lần xay lúa ù ì một mình trong cái nhà ngang ở ngôi làng đồng bằng Bắc Bộ quê tôi, khi tiếng gạo chảy xuống nong rào rào, tôi cũng thầm mong sau này mình trở thành nhà văn, đeo túi bút sách đi tung hoành khắp nơi, chứ không chỉ chôn chân ở ngôi làng nhỏ nghèo nàn mà xay lúa suốt đời.
Chuồng bò |
Chỉ có điều, người dân trong làng Haspengouw ở vùng Bokrijk của Bỉ chắc yêu cái cối xay gió của họ lắm, bởi kể từ năm 634, họ đã chế tạo ra cối xay gió, dùng sức gió để xay ngũ cốc thành bột làm bánh mỳ, bánh ngô mà ăn;
Trong khi đó, ở Việt Nam, tới tận những năm 1980, tôi vẫn phải dùng sức của cánh tay mình mà xay thóc thành gạo, dùng sức lực của đôi chân mình để giã trắng gạo nấu cơm ăn. Vì thế, tôi chỉ nhớ và gắn bó một thời với cái cối xay lúa, chứ tôi không yêu nó.
Một ngôi nhà ở đây cũng điển hình và ấm áp như nhà trong làng tôi. Bên cổng vào nhà là một cây phong cổ thụ đứng sừng sững, tỏa bóng rộng che chở.
Cổng vào nhà rất bé, được khéo léo dựng theo lối cổng vòm phong cách Roman bằng cây dây leo. Bước qua chiếc cổng dây leo xanh mướt lá này, tôi thấy một chiếc chuồng chó bé nhỏ. Vâng, đó là ngôi nhà cho người lính gác trung thành nhất của gia đình nông dân.
Chuồng cừu |
Tôi cũng nhớ chú chó Mực, lính canh đáng yêu của gia đình tôi ở làng, chỉ có điều chó Mực nhà tôi không có “ngôi nhà riêng” ở sát cổng, mà chú ta thường nằm ở góc hiên nhà, canh gác ngày đêm. Chỗ chó Mực hay nằm đất nền mòn vẹt và nhẵn bóng lên, sờ tay vào luôn thấy ấm hơi.
Sau chuồng chó, tôi bước vào một cái sân vừa đủ rộng, là nơi tung tác của lũ gà. Ngay khi tôi bước vào, một chị nông dân Bỉ phục trang đúng như xưa với váy đụp dài rộng, tạp dề trắng, tóc cuốn gọn trong mũ vải, bê âu sữa từ trong nhà đi ra chào tôi và mỉm cười, một chị khác tong tả với lũ gà ú nụ lắc lư chạy theo chị đòi ăn.
Trước nhà còn có một đống rơm lúa mì trông thân thương như đống rơm của Việt Nam vậy. Kế đó là cái giếng nước trong veo, được dựng mái che như ngôi nhà nhỏ, có rào bao quanh để tránh gà, lợn sa chân xuống. Ngôi nhà được lợp bằng mái rạ như nhà ở làng quê Việt Nam thuở nào. Duy có điều mái rạ ở đây được làm bằng thân cây lúa mì, và được ken rất chặt.
Trên đỉnh mái, để bảo vệ chắc chắn phần nóc, người ta còn dùng da thuộc và đinh ghim chặt miếng da dài chạy suốt nóc nhà. Những mái rạ kiểu Bỉ này có độ bền tới 50 năm, rất chắc chắn và ấm áp, bảo vệ được ngôi nhà suốt năm thập kỷ trong mưa to gió lớn, trong tuyết đổ dày. Những nghệ nhân làm mái nhà rạ này ở Bỉ nay không còn nhiều. Họ cần có kỹ thuật rất cao tay mới biết cách làm mái rạ đúng kiểu truyền thống.
Người dân trong làng |
Nếu như bạn không quá vội, và bạn là người cởi mở, thì khi bước vào ngôi nhà có người nông dân đang làm việc, bạn hoàn toàn có thể được tiếp đón cởi mở như ở làng Việt. Người nông dân nào cũng sẵn sàng trò chuyện.
Hẳn là hơn trăm năm trước, nông dân Bỉ cũng ít ra khỏi làng nên khi có khách lạ đến, họ sẵn sàng mời ly sữa dê ấm, tươi và ngon, hoặc miếng bánh mỳ phết bơ nhà làm, rồi sẵn sàng nói chuyện với bạn cả tiếng đồng hồ. Dẫu biết hiện tại, những nông dân này chỉ là những diễn viên đang đóng vai của mình trong làng, nhưng do đã làm việc lâu năm, họ cư xử y như những nông dân của trăm năm trước.
Hoặc bạn cũng có thể gặp một nhân vật lịch sử của làng, như cha xứ hay trưởng làng, giáo viên... những nhân vật như thế này rất thú vị, bởi câu chuyện, hay có thể gọi là bài giảng của họ rất nhiều thông tin sống động về ngôi làng hơn một trăm năm trước.
Những câu chuyện vẫn thường xảy ra, hay một sự kiện có sức ảnh hưởng tới toàn dân làng đều sẽ được kể lại đầy hào hứng. Tôi may mắn được chứng kiến câu chuyện một vị chức sắc trong làng đã kể với hai em nhỏ về việc những người mắc tội ở làng sẽ bị trừng phạt bằng hình thức gông cổ vào một cây cột kế bên nhà thờ ra sao. Hai em nhỏ lè lưỡi kinh sợ, nhưng một em lớn hơn đã thử tròng cái đai sắt vào cổ mình xem thử có chịu nổi vài phút không.
Đàn cừu |
Những người thợ thủ công trong làng luôn có lắm việc, nào là thuộc da dê, da bò, nào là làm đồ gốm. Khi tới đây, bạn có thể được họ dạy cho cách làm và tự tay chế món đồ da, đồ gốm thật thú vị. Bạn cũng có thể lựa chọn việc cho dê ăn, cho lợn gà ăn, hoặc ra cánh đồng thỏa sức ngắm và chụp ảnh những đàn bò, cừu hàng trăm con đang lững thững gặm cỏ hoặc đơn giản là nằm ườn trên cỏ phơi nắng.
Các em nhỏ thường được giáo viên dẫn tới làng học làm đồ thủ công, học làm thợ mộc, sau đó còn được tham gia các trò chơi truyền thống từ hơn trăm năm trước như lăn bi gỗ, đi cà kheo, chơi đánh đu, nhảy dây... vô cùng hấp dẫn.
Kể cả những người thích những câu chuyện chính trị xã hội cũng có thể tham gia vào những sự kiện như diễu hành hay biểu tình trong làng, vào thời điểm 1913, ngay trước khi cuộc chiến tranh vĩ đại (The Great war) nổ ra làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống ở làng.
Khi đọc những bản tin trong làng thời kỳ ấy, bạn như thấy niềm hân hoan của người dân làng khi họ vừa thắng trong một cuộc thi nông sản của Bỉ. Hay những tin tức về vụ đắm tàu Titanic vừa xảy ra, tin về cuộc đua xe đạp Tour of Flanders dành cho người dân vùng Flander.
Chiêm nghiệm những sự kiện đó, tôi chợt nhận ra rằng, dù ở bất cứ đâu - ở Tây hay ở Ta, trong hoàn cảnh nào, thời kỳ nào, thì những biến cố xã hội, chính trị cũng luôn thường trực, và những con người bình thường nhất đều phải có ứng phó của riêng mình, cũng như trong lúc này đây, tôi đang xem thử người dân ở trong làng Haspenbouw ứng phó ra sao với những sự kiện và mối nguy đã ảnh hưởng tới đời sống của họ.
Luôn luôn biến động và đầy thách thức, ấy là cuộc sống. Và chúng ta vẫn cứ tận hưởng cuộc sống thôi. Hưởng nó thật sâu cho tới tận cùng.