Bí kíp "săn" điểm cao thi tốt nghiệp THPT

Bí kíp "săn" điểm cao thi tốt nghiệp THPT

Đó là lời khuyên của các giáo viên, thủ khoa dành cho học sinh khối 12 muốn “săn” điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

“Chinh phục” giám khảo

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) chia sẻ: Với mục đích của kỳ thi năm nay, đề Ngữ văn chắc chắn sẽ có phần nhẹ nhàng hơn so với những năm trước. Chính vì vậy, “bí kíp” ghi điểm với giám khảo, về đích ấn tượng vô cùng quan trọng.

So với các môn khác, môn Ngữ văn thi tự luận, khối lượng kiến thức rộng, nên trước khi bước vào ôn tập, thí sinh cần trả lời hai câu hỏi: Làm gì để ôn thi môn Ngữ văn trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ? Lộ trình nào để ôn tập và cán đích nhanh nhất? Thầy Đức Anh “bật mí” những “bí kíp” để ôn tập tốt và “săn” điểm cao với môn học này. Trước tiên học sinh giải mã bí mật trong 4 câu hỏi đọc - hiểu, chủ yếu tập trung các dạng như xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản; Theo tác giả…; Xác định biện pháp tu từ và anh/chị có đồng tình với điều gì mà tác giả chia sẻ? Vì sao?.

Thứ hai, chiến thuật viết câu nghị luận xã hội khoảng 200 chữ. Để ghi điểm tuyệt đối ở phần này, các em phải chú ý về mặt hình thức như cần bắt đầu bằng chỗ lùi đầu dòng, kết thúc bằng chấm câu. Viết khoảng 20 - 25 dòng giấy thi. Tổ chức đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân - hợp, móc xích hoặc song hành. Về phần nội dung, học sinh phải diễn tả trọn vẹn một ý, làm rõ chủ đề. Trả lời trực tiếp xoáy sâu vào câu hỏi trong đề bài. Tránh ôm đồm, lan man, dài dòng.

Để ghi nhanh, nhớ lâu, các em hãy treo status trên mạng xã hội bằng những câu thơ, dẫn chứng khó nhớ để khi mọi người bình luận, nhắc đi nhắc lại. Ghi âm, thu âm lời bình hay vào điện thoại, thay vì vừa đi vừa nghe nhạc của ai đó, hãy nghe giọng của chính mình. “Nắm chắc các “bí kíp” trên, các em sẽ tăng tốc và về đích ấn tượng với môn Ngữ văn của kỳ thi năm nay”, thầy Đức Anh nhắn gửi.

Bí kíp "săn" điểm cao thi tốt nghiệp THPT ảnh 1
Thí sinh dự thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Rèn kỹ năng làm bài thi

Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) chia sẻ: Đề minh họa cho thấy có khoảng 5 câu ở mức vận dụng cao. Với học sinh giỏi, xuất sắc đây là cơ hội để… ghi điểm. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp học sinh giỏi vẫn chọn đáp án chưa đúng ở phần câu hỏi cơ bản do chủ quan, vì dễ nên lướt nhanh. Như vậy, với những gì các em đã chuẩn bị là như nhau về mặt kiến thức, ôn tập, kĩ năng làm bài, tâm lý vào phòng thi lại là yếu tố quyết định.

Thầy Chính đưa ra lời khuyên: Khi vào phòng thi, sĩ tử bình tĩnh, thoải mái ở 10 câu hỏi đầu tiên, khi ổn định sẽ bắt đầu… tăng tốc. Với đề thi không quá khó, thời gian phù hợp, suy xét kĩ lưỡng, không được chủ quan. Ngoài ra, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, số điểm phân bố mỗi câu như nhau, nên đừng tập trung quá nhiều với những câu hỏi khó, lướt qua câu hỏi cơ bản. Bên cạnh đó, tâm lý vào phòng thi vững vàng, tự tin và nhớ mang theo các dụng cụ, giấy tờ… theo quy định đầy đủ, bởi thiếu một thứ gì đó dễ tác động tâm lý các em.

Với môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh, TPHCM) đưa ra lời khuyên: Ngoài phần kiến thức cơ bản, để “ghi điểm” chính là những câu hỏi thực tiễn ở cuối đề thi. Vì vậy, hãy lập sơ đồ tư duy của bộ môn, lưu ý sự kiện thời sự, vấn đề gần gũi và thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Các em đọc, hiểu và biết liên hệ bản thân trong mỗi bài học, từ đó từng bước tự hoàn thiện mình trở thành công dân gương mẫu và vận dụng điều đó vào bài làm.

Liên quan đến “bí kíp” đạt điểm cao môn Lịch sử, em Vương Thị Vân Anh, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TPHCM) - thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử duy nhất tại TPHCM trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chia sẻ: 

Trước tiên phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử, trên lớp luôn tập trung chú ý cao độ bài giảng của thầy cô. Bên cạnh đó, phân bố thời gian ôn tập hợp lý cho các môn thi khác để có kết quả tốt chứ không riêng gì môn Sử. Khi vào phòng thi, sự thoải mái và tự tin cũng là một trong những yếu tố quan trọng, nên làm bài từ trên xuống dưới. Hoàn thành xong hãy dành ra một chút thời gian để xem lại các câu hỏi và điền thông tin vào giấy thi theo quy định.

Để không bị “lạc trôi” phần nghị luận, chú ý ôn kĩ, nắm được phương pháp làm bài để cảm nhận, phân tích một đoạn văn, đoạn thơ, một nhân vật tương tự như trong đề tham khảo. Việc sơ đồ hóa và tổng hợp các kiến thức cơ bản nhất để tối giản việc phải học thuộc lòng, tối đa hóa khả năng học hiểu và sáng tạo của mình vô cùng cần thiết. - Thầy Đỗ Đức Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ