Theo thống kê của các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, khoảng 10% trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, sổ mũi và bị biến chứng do bố mẹ thiếu kiến thức chăm sóc, chữa trị. Khi không được chữa trị kịp thời bệnh sẽ trở nặng thành viêm xoang, viêm phế quản.
Nguyên nhân khiến bé bị nghẹt mũi
Nguyên nhân đầu tiên đó là do nhiễm khuẩn, đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây ngạt mũi ở trẻ. Đôi khi, dị ứng cũng làm trẻ bị ngạt mũi. Nếu bé bị ngạt mũi do nhiễm khuẩn hay dị ứng, bệnh chỉ kéo dài 2 – 3 ngày là khỏi.
Nhưng nếu bị ngạt mũi do trào ngược axit, viêm xoang hay nhiễm khuẩn thứ cấp sẽ khiến dịch mũi đổi màu và bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần, nếu không chữa trị đúng cách.
Ngạt mũi kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bé. Vì vậy, bạn cần đưa con đến gặp bác sỹ nêu bé bị ngạt mũi kéo dài hay có nhiều dịch mũi.
Phòng chống ngạt mũi cho trẻ
Trước hết, bạn cần cải thiện môi trường trong nhà, dù nhà bạn chật hay rộng, có nhiều cửa sổ hay không. Hãy luôn cố gắng giữ cho không khí trong phòng sạch thoáng, vệ sinh các chỗ khuất trong nhà thường xuyên để diệt nấm mốc.
Nếu gia đình có sử dụng điều hòa nhiệt độ hay quạt sưởi, hãy vệ sinh định kì và để nhiệt độ phù hợp (27 đến 28 độ C với máy lạnh, 20 đến 25 độ C với quạt sưởi).
Khi đi ngủ, luôn cho con mặc trang phục rộng, thoáng bằng vải cotton, tuyệt đối không để con mặc áo ướt đi ngủ. Các em bé khi ngủ hay có “tật xấu” là đạp chăn, bạn có thể khắc phục bằng cách cho con dùng túi ngủ, mặc đồ ngủ kiểu pijama/đồ ngủ liền quần hoặc đeo thêm 1 tấm yếm vào cổ con khi ngủ.
Nếu bé bị ngạt mũi ở mức nhẹ, bạn có thể nhỏ thuốc mũi cho bé, nhưng lưu ý là nên nhỏ thuốc theo đơn của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng thuốc đối với trẻ sơ sinh khi không có chỉ định của bác sĩ, nhất là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi.
Để giảm bớt ngạt mũi cho bé, khi con ngủ bạn nên kê thêm gối cho bé, bế bé ở tư thế thẳng; dùng dung dịch nước muối vệ sinh mũi cho bé hàng ngày để làm loãng các dịch mũi đặc, sau đó loại bỏ dịch mũi cho bé bằng dụng cụ hút mũi. Mẹ cùng cần tắm cho bé trong phòng ấm hoặc chạy máy tạo độ ẩm trong phòng.
Chữa trị ngạt mũi cho trẻ
Nếu như gia đình đã tuân thủ nguyên tắc trên mà con vẫn bị ngạt mũi khi ngủ thì bạn có thể sử dụng một số phương pháp sau:
Nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) vào mỗi bên lỗ mũi cho bé để làm loãng dịch mũi. Mát xa nhẹ nhàng từng bên mũi. Hút sạch dịch mũi sau khi nhỏ mũi cho con, giúp bé khai thông đường thở.
Các dụng cụ hút mũi được bán rất nhiều ở các hiệu thuốc hoặc cửa hàng chuyên bán đồ trẻ em. Nhớ rửa lại dụng cụ hút mũi bằng nước sạch nhiều lần sau khi hút mũi xong.
Có thể cho con xông hơi bằng một bát nước nóng có pha 2-3 giọt tinh dầu (dầu tỏi, dầu oải hương, dầu bạc hà) hoặc tắm hơi nhẹ nhàng trước khi ngủ. Khi bé được hít thở trong hơi nước nóng sẽ làm dịch đờm trong mũi họng dễ dàng thoát ra, giúp ngăn ngừa tình trạng ngạt mũi về đêm.
Ngạt mũi, đặc biệt là ngạt mũi về đêm thực sự là một cảm giác không dễ chịu chút nào đối với các em bé. Nếu cha mẹ thực hiện đúng các bước trên thì tình trạng ngạt mũi về đêm sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi.
Nhớ là, không tự ý cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào khi bé dưới 3 tháng tuổi. Nếu con có biểu hiện khò khè, khó thở kéo dài hoặc kèm theo sốt, vật vã thì hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay.