Bí kíp giữ sức khỏe thể chất và tinh thần cho sĩ tử

GD&TĐ - Việc duy trì một thể chất và tinh thần khỏe mạnh không chỉ giúp các em có đủ năng lượng để “chiến đấu” với những kỳ thi căng thẳng, mà còn tối ưu hóa khả năng ghi nhớ, tư duy và xử lý thông tin.

Mùa thi đã gần kề, hiện tại đang là thời gian “vàng” để các em tăng tốc ôn luyện.
Mùa thi đã gần kề, hiện tại đang là thời gian “vàng” để các em tăng tốc ôn luyện.

Mùa thi là thời điểm đòi hỏi cả thể lực và tinh thần bền bỉ đối với sĩ tử. Thế nhưng, tâm lý căng thẳng, thường xuyên phải thức khuya dễ khiến cơ thể bị suy nhược, ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ và khả năng tập trung. Vì vậy, việc duy trì một thể chất và tinh thần khỏe mạnh không chỉ giúp các em có đủ năng lượng để “chiến đấu” với những kỳ thi căng thẳng, mà còn tối ưu hóa khả năng ghi nhớ, tư duy và xử lý thông tin.

Giữ tinh thần vững vàng

Mỗi mùa thi đến, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng bước vào trạng thái “chạy nước rút”. Đối với các sĩ tử, đây là giai đoạn cần phải huy động tối đa cả thể lực lẫn trí lực để tiếp thu, hệ thống và ghi nhớ khối lượng lớn kiến thức. Tuy nhiên, chính việc học tập liên tục, căng thẳng kéo dài và chế độ sinh hoạt thiếu khoa học lại khiến nhiều em học sinh rơi vào trạng thái suy nhược, mất ngủ, giảm trí nhớ và khó tập trung.

Thực tế cho thấy, áp lực thi cử kéo dài khiến nhiều em học sinh chấp nhận hy sinh cả giấc ngủ lẫn những bữa ăn đúng giờ để có thêm thời gian học bài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn phản tác dụng. Khi cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, não bộ hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến việc học tập trở nên nặng nề, hiệu quả tiếp thu giảm sút.

Vì vậy, giữ vững tinh thần và một thể chất khỏe mạnh là yếu tố tiên quyết. “Một cái đầu minh mẫn chỉ có thể tồn tại trong một cơ thể khỏe mạnh”, đó là nguyên lý đơn giản nhưng luôn đúng.

Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, điều độ

Mùa thi đã gần kề, hiện tại đang là thời gian “vàng” để các em tăng tốc ôn luyện. Thời điểm này, do áp lực học tập khiến nhu cầu năng lượng của các em học sinh tăng lên nhiều lần so với bình thường. Vì vậy, theo các chuyên gia về dinh dưỡng, một chế độ sinh hoạt hợp lý và bổ sung dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày cần được chú trọng.

Tuy nhiên, do áp lực học tập lớn, nhiều em lại bỏ bê việc ăn uống hoặc ăn uống qua loa, không đủ chất.

“Không ít em học sinh chỉ ăn mì gói, bánh mì hay thức ăn nhanh để tiết kiệm thời gian ôn bài. Thậm chí nhiều em bỏ bữa để có nhiều thời gian ôn luyện. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và trí nhớ. Phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm đến bữa ăn của con, đảm bảo đủ 4 nhóm chất cơ bản: Tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất”, huấn luyện viên Trần Văn Hùng (California Fitness & Yoga) chia sẻ.

Cụ thể, nên bổ sung các loại thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ - những loại cá biển có chứa chất béo lành mạnh giúp phát triển não bộ, cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung. Bên cạnh đó, chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi và các loại hạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.

Mặt khác, cần thêm chất xơ vào chế độ ăn hàng ngày. Những loại thực phẩm có chứa nhiều chất xơ tốt cho sức khỏe như trái cây, các loại rau củ quả và các loại hạt. Đây là những loại thực phẩm có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cùng khả năng chống oxy hóa rất tốt.

Ngoài ra, ông Hùng cũng đặc biệt lưu ý tới yếu tố an toàn thực phẩm. Trong giai đoạn thi cử, nếu chẳng may học sinh gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như ngộ độc thức ăn hay đau bụng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng làm bài. Do đó, gia đình nên lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, được chế biến sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh.

bi-kip-giu-suc-khoe-the-chat-va-tinh-than-cho-si-tu-4.jpg
Ngoài ăn uống và ngủ nghỉ, hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng không kém trong việc duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất.

Hạn chế lạm dụng caffeine

Trong quá trình học thi, nhiều học sinh có thói quen sử dụng cà phê hoặc các loại nước tăng lực để giữ tỉnh táo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, caffeine - mặc dù có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo trong thời gian ngắn - lại tiềm ẩn nhiều tác hại nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều lượng.

Caffeine có thể làm tăng nhịp tim, gây lo âu, bồn chồn và mất ngủ. Đặc biệt, với những người nhạy cảm, ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể khiến hệ thần kinh bị kích thích mạnh, làm giảm khả năng tập trung và gây cảm giác căng thẳng.

Thậm chí, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đã liệt kê “rối loạn lo âu do caffeine” là một trong bốn hội chứng liên quan đến chất này trong sổ tay chẩn đoán DSM. Do đó, các sĩ tử nên sử dụng một lượng vừa đủ, tránh lạm dụng.

Theo đó, cần hạn chế uống cà phê vào buổi chiều tối và không lạm dụng các đồ uống chứa caffeine, nước ngọt có ga hay các loại nước tăng lực, caffeine tiêu thụ muộn hơn trong ngày có thể cản trở giấc ngủ vì tác dụng của nó có thể mất vài giờ để hết tác dụng hay đào thải ra khỏi cơ thể.

Thay vào đó, các em có thể lựa chọn các loại trà thảo mộc, nước ép trái cây tươi hoặc đơn giản là uống đủ nước lọc để giữ sự tỉnh táo và bù nước cho cơ thể trong suốt quá trình học tập căng thẳng.

“Chìa khóa vàng” cho não bộ

Một trong những yếu tố bị xem nhẹ nhưng có vai trò cực kỳ quan trọng trong mùa thi chính là giấc ngủ. Giấc ngủ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự minh mẫn, tỉnh táo trong lúc làm bài thi. Nhiều học sinh có thói quen học đến khuya, thậm chí xuyên đêm để ôn bài. Tuy nhiên, điều này không hề mang lại hiệu quả, ngược lại còn làm giảm khả năng ghi nhớ và dễ dẫn đến kiệt sức vào hôm thi.

Các chuyên gia khuyến cáo, học sinh nên ngủ đủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày, ưu tiên giấc ngủ đêm chất lượng. Việc thức quá khuya làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, khiến não không được nghỉ ngơi đầy đủ, từ đó ảnh hưởng tới tư duy, sự tỉnh táo và khả năng xử lý tình huống khi làm bài.

Buổi trưa, nên dành ra khoảng 30 phút để ngủ ngắn giúp não bộ được tái tạo năng lượng. Buổi tối, nên cố gắng đi ngủ trước 23 giờ. Không nên sử dụng điện thoại, máy tính hay các thiết bị điện tử trước khi ngủ ít nhất 30 phút để tránh bị kích thích thị giác và thần kinh.

bi-kip-giu-suc-khoe-the-chat-va-tinh-than-cho-si-tu-3.jpg
Chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất giúp cho các sĩ tử nạp đầy năng lượng để học tập, ôn luyện hiệu quả.

“Liều thuốc tinh thần” hiệu quả

Ngoài ăn uống và ngủ nghỉ, hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng không kém trong việc duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất. Theo huấn luyện viên Trần Văn Hùng, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày không chỉ giúp tăng tuần hoàn máu, cải thiện giấc ngủ, mà còn là cách tuyệt vời để xả stress và làm mới tinh thần sau một thời gian làm việc trí óc căng thẳng.

“Học sinh chỉ cần dành khoảng 30 - 40 phút mỗi ngày để đi bộ, đạp xe, chơi thể thao hoặc tập yoga. Việc vận động giúp oxy và dưỡng chất được vận chuyển đều đến não và các cơ quan, từ đó giúp tinh thần sảng khoái, giảm lo âu và cải thiện khả năng học tập”, ông Hùng cho biết.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, luyện tập thể thao thường xuyên có thể cải thiện chức năng nhận thức, tăng khả năng ghi nhớ và học hỏi ở người trẻ. Đây chính là một trong những “bí kíp” vàng giúp các sĩ tử có được sự cân bằng trong giai đoạn ôn thi căng thẳng.

Quản lý thời gian hiệu quả

Trong giai đoạn ôn thi cao điểm, việc học tập không chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ, mà còn cần một chiến lược quản lý thời gian hợp lý. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh dù dành rất nhiều giờ học mỗi ngày nhưng vẫn cảm thấy “học không vào” hoặc luôn trong trạng thái căng thẳng vì cảm giác thiếu thời gian.

Để học tập hiệu quả, các em cần lên kế hoạch học tập cụ thể theo từng ngày, từng tuần. Việc chia nhỏ mục tiêu học tập thành các phần vừa sức giúp quá trình ôn luyện trở nên rõ ràng và dễ kiểm soát hơn. Ví dụ, có thể áp dụng phương pháp Pomodoro: Học tập trung trong 25 phút và nghỉ 5 phút giữa các phiên học để não bộ được thư giãn, tăng hiệu quả tiếp thu.

Ngoài ra, việc xen kẽ giữa các môn học tự nhiên và xã hội, hoặc luân phiên giữa học lý thuyết và làm bài tập thực hành cũng giúp giảm cảm giác nhàm chán và giữ sự tỉnh táo trong suốt quá trình ôn tập.

Giữ động lực

Không ít học sinh dù có năng lực nhưng lại mất động lực vào những thời điểm quan trọng nhất vì quá căng thẳng hoặc không nhìn thấy tiến bộ. Do đó, bên cạnh học tập, việc duy trì một tinh thần tích cực là yếu tố quan trọng giúp các sĩ tử giữ được nhịp độ ôn luyện hiệu quả.

Các em có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như tự đặt mục tiêu ngắn hạn cho mỗi ngày, theo dõi tiến trình học tập của bản thân và tự thưởng khi hoàn thành mục tiêu. Việc ghi nhận sự tiến bộ nhỏ mỗi ngày không chỉ tạo cảm giác thành tựu, mà còn giúp duy trì sự hứng thú trong học tập.

Phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường tâm lý tích cực cho con em mình. Những lời động viên nhẹ nhàng, cùng con chia sẻ áp lực thay vì gây thêm lo lắng sẽ là nguồn động lực to lớn để các em vững vàng bước vào kỳ thi.

Những điều nên tránh

Càng gần ngày thi, áp lực càng lớn khiến nhiều học sinh có xu hướng học dồn, thức khuya hoặc tìm đến các “mẹo cấp tốc”. Tuy nhiên, điều này không chỉ phản tác dụng, mà còn dễ khiến tinh thần và thể lực kiệt quệ ngay trước ngày thi quan trọng.

Các chuyên gia khuyến cáo, học sinh không nên cố gắng nhồi nhét kiến thức mới vào sát ngày thi. Thay vào đó, nên dành thời gian ôn lại các phần kiến thức đã học, làm lại các đề thi cũ và giữ tinh thần thoải mái.

Ngoài ra, không nên ăn đồ ăn lạ hoặc sử dụng các loại thuốc bổ chưa từng dùng để tránh những phản ứng không mong muốn. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử sát giờ ngủ và cố gắng ngủ đủ giấc trong những ngày cận thi để đảm bảo sự tỉnh táo và khả năng tư duy trong phòng thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh Đặng Gia Bảo được người nhà đăng trên mạng xã hội tìm kiếm.

Một học sinh lớp 7 ở Cà Mau mất tích

GD&TĐ - Một học sinh học lớp 7, Trường THCS 1 Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) ra khỏi nhà từ chiều 28/5, được gia đình trình báo mất tích.