Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Nhật Long, lớp 9G0, Trường THCS - THPT Newton (TP Hà Nội), cho biết chặng đường giúp em đến với khoa học từ đam mê, luyện tập suy nghĩ logic và ham muốn tìm hiểu thế giới.
Học thế nào để hiệu quả?
Năm học 2022 - 2023, khi đang học lớp 8, Nhật Long là thành viên đội tuyển vượt cấp dự Kỳ thi HSG Thành phố Hà Nội. Sau đó, em xuất sắc giành giải Nhất môn Khoa học và giải Khuyến khích môn Hóa học.
Một năm sau (năm học 2023 - 2024), Nhật Long trở thành thủ khoa cấp Thành phố môn Khoa học và chờ xếp giải chính thức tại môn Hoá học. Tại trường THCS - THPT Newton, Nhật Long còn là một lớp trưởng nổi bật và tỏa sáng ở nhiều sân chơi văn nghệ - thể thao tại trường. Năm 2023, em được tặng Giấy khen Chỉ huy Đội giỏi của quận Bắc Từ Liêm.
Theo Nhật Long, so với nhiều bạn học, để thi HSG Thành phố, chỉ cần học tốt môn chính, song em lại cố gắng học tốt 3 môn. “Khối lượng kiến thức rất lớn, em chủ động sắp xếp thời khoá biểu, học gì trước học gì sau, để tránh dồn vào một thời điểm, đồng thời nâng cao sức khoẻ, tránh lỡ mất kỳ thi quan trọng...”, Long hồ hởi nói.
Về cách học, Long tuân thủ quy tắc: Chuẩn bị bài trước khi lên lớp, không có ngoại lệ, dù là vừa kết thúc nghỉ Tết. “Mỗi ngày, em dành ít nhất một giờ để xem trước bài học của ngày tiếp theo. Nếu khó khăn, em chủ động tra cứu trên mạng, vấn đề nào thắc mắc thì chủ động lên trường hỏi thầy cô. Cách này tiết kiệm thời gian học, ít phải ôn bài cũ vì thực tế mình đã học tới 2 - 3 lần.
Ngoài ra, em còn dành thời gian tập bóng rổ vì nếu có sức khoẻ, bản thân sẽ tỉnh táo, tập trung học tập. Em cũng không thức quá khuya mà thay vào đó sắp xếp thời gian hợp lý, làm sao ngủ đủ giấc để tái tạo năng lượng, lên lớp lúc nào cũng trong trạng thái sung sức nhất...”, Long giãi bày.
Chủ động đặt câu hỏi vì sao
Khi được hỏi về đam mê với khoa học, Nhật Long chỉ thủ thỉ: “Từ khi còn nhỏ, em rất thích bộ sách “Mười vạn câu hỏi vì sao?” và các video về Trái đất hay các phát minh mới về khoa học trên Youtube. Các kiến thức khoa học tự nhiên rất gần gũi, thiết thực, gắn với cuộc sống. Tại trường, em rất thích các tiết thí nghiệm thực tiễn theo chương trình Mỹ. Tại đó, em thấy được nhiều thắc mắc, mà cứ tò mò, em lại đặt các câu hỏi vì sao”.
Nhật Long, lớp 9G0, Trường THCS - THPT Newton (TP Hà Nội). |
Theo Nhật Long, các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học có những đặc điểm khác nhau song có nguyên tắc bất di bất dịch là phải nắm chắc kiến thức nền trong sách giáo khoa sau mới mở rộng, nâng cao thêm.
Chẳng hạn, Vật lí cần tư duy hình học và đại số để có thể vượt qua những bài Quang học, hay Điện học và Cơ học. Với Hoá học, công thức Đại số là công cụ để tính toán, xây dựng được cách giải các bài toán thường gặp.
Còn Sinh học, kiến thức gắn chặt với cuộc sống nên khi đọc kiến thức trong sách giáo khoa, mỗi người cần có sự liên hệ rồi mở rộng hiểu biết.
“Các bạn nên dành thời gian học tiếng Anh, làm quen với các cuốn sách khoa học bằng ngoại ngữ. Những kiến thức mới luôn hấp dẫn nhưng sẽ có độ khó nhất định do vậy cần làm quen, đọc hiểu từ từ, cứ vấn đề nào khó thì note (ghi chú) lại rồi tìm thầy cô, người hiểu biết giải thích hoặc đơn giản là Youtube để tra cứu...”, Long chia sẻ.