Kể từ ngày chồng chết bởi ăn lá ngón, cuộc sống của 4 mẹ con Chị Sùng Thị Dê ở thôn Mông Đơ, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái rơi vào tình trạng như con thuyền không người lái.
Hàng ngày, một mình chị Dê hết làm nương rồi lại làm thuê cho bà con trong thôn để nuôi con. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của chồng chị là hết sức giản đơn: Do chồng chị muốn bán ruộng đi để mua xe máy, anh em khuyên can không cho bán, tức quá anh lên rừng hái lá ngón ăn để chết cho bõ tức.
Chị Sùng Thị Dê – thôn Mông Đơ – xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Từ ngày chồng chết đi, việc gì cũng đến tay mình làm cả, không kể việc nặng hay việc nhẹ đã thế sau khi chồng chết, nhà chồng mình lấy lại ruộng nên cuộc sống của mấy mẹ con càng khổ hơn".
Điều đáng nói là tình trạng ăn lá ngón không chỉ xảy ra đối với những người dân nghèo, ít được học hành mà ngay cả những người có hiểu biết cũng tìm đến lá ngón để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.
Gia đình chị Hảng Thị Lìa ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công là một ví dụ. Chị đã có hai cháu ngoại, bản thân là chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, điều kiện kinh tế gia đình thuộc diện khá giả. Thế nhưng chị cũng đã ba lần ăn lá ngón với mục đích quyên sinh. Lần gần đây nhất là ngày 24/4, chị được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Chị Hảng Thị Lìa thôn Tà Xùa- xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: "Hôm đó hai vợ chồng cùng đi chợ, lúc về chồng mình đã không đợi vợ cùng về mà bỏ về trước, trên đường về mình càng nghĩ càng thấy tức thế là mình đứng lại bên đường hái vài lá ngón ăn. Lúc đấy mình nghĩ tức thế thì sống làm sao được, chết đi cho xong, người Mông mình là thế, khi đã tức thì không thiết sống nữa".
Theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Trạm Tấu từ đầu năm đến nay trung tâm đã tiếp nhận gần 20 trường hợp ăn lá ngón, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Bản Mù, Bản Công và Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. Tình trạng này là rất đáng lo ngại, nhưng hiện các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn.
Ông Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: "Để giải quyết vấn đề này thực ra trên địa bàn xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cũng có tuyên tuyền nhiều nhưng mà giải pháp thực sự để xử lý tình trạng ăn lá ngón thì cũng chưa có giải pháp nào triệt để được".
Có hàng nghìn lý do để dẫn đến hành động ăn lá ngón, nhưng việc lấy chính mạng sống của mình ra để giải quyết mâu thuẫn thì không thể chấp nhận.
Thiết nghĩ để thay đổi một cách nghĩ đã tồn tại trong đồng bào người dân tộc từ bao đời nay, đang rất cần phải có sự quan tâm đúng mức, sự vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, ngành, của mọi tầng lớp nhân dân mới có thể dần xóa bỏ những nỗi đau mang tên lá ngón.
Mời quý vị theo dõi video chi tiết: