Họ cho rằng việc có tình nhân chỉ là cuộc “chơi cho vui”, cho nên nếu “không để lại hậu quả” và không bỏ gia đình, vợ con thì đâu có gì là quá đáng.
Đàn ông cố gắng che đậy bằng mọi cách nhưng nếu bị bắt gặp thì sẽ đổ lỗi cho “say rượu” hoặc “bị lừa” hoặc “chỉ vui tí thôi mà, chả đọng lại gì”.
Đàn ông sẵn sàng nói dối, thề thốt với vợ rằng chuyện đó chẳng bao giờ lưu lại trong tâm trí họ và khẳng định vợ con vẫn là số 1.
Nếu chuyện trở thành không thể chối cãi được thì đàn ông sống chết nói với vợ rằng sẽ “bỏ ngay”, sẽ chứng minh vợ là duy nhất trong trái tim chồng, rằng chỉ “yêu một mình vợ”…
Sự thật có thể đúng là như vậy, trong tâm trí và cả trong trái tim chồng chỉ có vợ thôi. Thế nhưng chồng vẫn phiêu lưu cùng tình nhân khiến vợ nhiều khi chẳng biết đâu mà lần.
Tối về vẫn ăn cơm cùng vợ, ngủ cùng vợ, ôm vợ như thường mà khi ra ngoài vẫn say đắm cùng tình nhân.
Chồng cũng không phải là người tồi tệ, thậm chí là người tốt bụng, chu đáo và đáng kính. Thế nên, vợ chẳng hiểu nổi chồng vì sao lại thế, càng cố tìm hiểu lại càng bế tắc.
Có nhiều lúc đàn ông phiêu lưu tình ái cáu giận, gắt gỏng một cách vô lý và gia đình vợ con là người phải gánh chịu.
Vợ không biết lý do vì sao và đoán già đoán non hay là sức khỏe của chồng bị suy giảm.
Vợ chăm lo, tìm mua thuốc bổ, nấu ăn ngon để giúp chồng lấy lại cân bằng nhưng càng cố gắng thì chồng lại càng tỏ ra lỳ lỳ, khó hiểu hơn.
Có thể, những lúc như thế, ngay cả bản thân chồng cũng chẳng hiểu nổi vì sao mình lại cư xử như vậy, đáng lẽ phải tỏ ra biết lỗi thì lại tỏ ra khó chịu, trưng bộ mặt ỉu xìu, chán chường. Thực ra, trong tận cùng ngõ ngách của đàn ông, đó chính là lúc nội tâm bị giằng xé.
Vì lừa dối vợ nên đàn ông cũng thấy chán ghét, thất vọng với chính bản thân mình. Thấy chán ghét cảnh dối trá, chẳng thích thú gì cái cảnh phải gian xảo, phải nhìn trước ngó sau chẳng thoải mái, tự nhiên chút nào.
Bởi sự chán ghét bản thân nên có lúc thấy ân hận và thể hiện điều đó qua tình yêu thương, nâng niu vợ một cách bất thường. Nói chung là hành vi của chồng không thể đoán trước và rất bất ổn.
Do phải duy trì cuộc sống phức tạp, phải nói dối, phải chịu nhiều sức ép vì chính hành động phiêu lưu của mình nên đàn ông thường có những khoảng lặng. Đặc biệt là đàn ông ít kinh nghiệm trong phiêu lưu hoặc phiêu lưu lần đầu. Họ trở nên ít nói, dễ cảm thấy ức chế, đau đầu, buồn bực, khó chịu...
Đàn ông phiêu lưu tình ái phải đóng nhiều “vai” cùng một lúc. Đó là vừa phải duy trì sự thôi thúc mãnh liệt của bản năng đàn ông với tình nhân, vừa thể hiện nghĩa vụ làm chồng, làm cha tốt trong gia đình, vừa phải lo toan “cơm áo gạo tiền”; mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Điều đó dẫn đến trạng thái bi kịch nội tâm, khiến cho đàn ông phải tìm cho mình một khoảng thời gian tĩnh lặng riêng để tự cân bằng bản thân.
Đây là một quá trình hao tổn trí não không ít. Vì thế đàn ông phiêu lưu tình ái cũng là người phải rất bản lĩnh và dũng cảm.