Bà đã phải trải qua chuỗi ngày đầy đau đớn, vừa mang danh cướp chồng của chị gái vừa bị gia đình chồng hắt hủi. Đáng buồn nhất có lẽ là phải chứng kiến sự ra đi của 2 trong 4 đứa con.
Mang danh cướp chồng của chị gái
Elisabeth Amalie Eugenie còn được gọi là Sisi, bà sinh năm 1837 tại Munich, Đức. Sisi lớn lên cùng 7 anh chị em trong rừng Bavaria. Bà có cuộc sống tự do với những buổi cưỡi ngựa, leo núi cùng cha - Công tước Maximilian Joseph.
Năm 15 tuổi, Sisi cùng mẹ và chị gái đến Bad Ischl - một khu nghỉ dưỡng truyền thống của hoàng gia Áo để thăm người anh họ Franz Joseph - Hoàng đế của nước Áo lúc bấy giờ.
Nét đẹp mê đắm lòng người và đôi mắt hút hồn của Sisi khi đó đã lọt vào mắt xanh của Franz Joseph dù trước đó vị Hoàng đế này đã được sắp đặt là sẽ kết hôn với chị gái của Sisi là Helene.
Và buổi viếng thăm này cũng nhằm mục đích để Helena và Franz gặp nhau.
Tuy nhiên, vì không thể từ chối lời cầu hôn của Hoàng đế Franz Joseph, Sisi đã quyết định rời Đức đến Áo để trở thành Hoàng hậu. Cũng chính vì sự việc này mà Sisi đã bị mang tiếng là cướp chồng của chị gái.
Đến ngày 25/4/1854, công chúa Sisi lúc đó 16 tuổi đã chính thức thành hôn với Hoàng đế 23 tuổi Franz Joseph của Áo. Trong ngày thành hôn, Sisi đã khóc nức nở khi chiếc xe ngựa dần tiến vào cung điện hoàng gia Hofburg. Lúc đó, nàng chỉ ước Franz Joseph không phải là Hoàng đế.
Và cũng chính từ ngày bước chân vào "lồng son" này, cô công chúa xinh đẹp đã phải đối diện với một chuỗi bi kịch của cuộc đời.
Cuộc sống trong lồng son: Bị mẹ chồng hắt hủi, chồng lạnh nhạt
Vốn là người có lối sống tự do như cha mình, Sisi sau khi trở thành Hoàng hậu khá cô độc. Sống trong cung điện với hàng ngàn phép tắc, cô công chúa xinh đẹp dần trở nên u sầu.
Không chỉ vậy, mối quan hệ của Sisi và mẹ chồng cũng không được tốt đẹp khiến cho cuộc sống của nàng càng buồn hơn. Mẹ chồng không vui vì Sisi hạ sinh công chúa đầu lòng Sophie chứ không phải con trai nối dõi.
Thậm chí, Sisi còn không được phép nuôi con gái vì mẹ chồng nàng cho rằng nàng quá trẻ và không biết cách dạy dỗ con. 1 năm sau, cô công chúa đầu lòng của Sisi qua đời khiến nàng vô cùng suy sụp.
Năm 1856, Sisi hạ sinh bé gái thứ hai là Gisela. Lúc này, nàng vẫn tiếp tục bị nhà chồng trách móc. Tuy nhiên, 2 năm sau, Sisi cuối cùng đã hạ sinh được một cậu con trai nối dõi cho hoàng gia Áo là Thái tử Rudolf.
Tuy vậy, mối quan hệ giữa Sisi và chồng ở thời điểm đó bắt đầu nhạt dần. Sau khi sinh con, bà thường cưỡi ngựa, đấu kiếm, chạy và tập các bài tập trong rạp xiếc để lấy lại vóc dáng.
Sisi từng tham gia vào việc chính trị như khuyên chồng tách Hungary thành một đất nước độc lập. Chính vì thế mà người dân Hungary vô cùng yêu quý vị hoàng hậu trẻ xinh đẹp. Nhưng ngược lại, bà lại phải chịu sự căm ghét của người dân Áo vì bị cho là lơ là, không chú tâm đến đất nước.
Hôn nhân đổ vỡ, bị tâm thần và mất đi người thân
Đến năm 1868, Sisi hạ sinh thêm một cô công chúa nữa là Marie Valerie tại Budapest. Từ đây, mối quan hệ giữa Sisi và chồng trở nên lạnh nhạt, chỉ còn trên danh nghĩa.
Sisi và Hoàng đế chỉ gặp nhau trong những dịp lễ quan trọng hay những chuyến công du. Thậm chí, khi Hoàng đế có người phụ nữ khác, bà đã buộc lòng phải tác thành cho tình cảm của họ.
Trong những năm đầu của thập niên 1880, Hoàng hậu Sisi có những dấu hiệu của bệnh tâm thần. Ngoài ra, vị Hoàng hậu này còn luôn lo sợ bị người khác nhòm ngó, vì thế mà bà luôn giấu mặt trong tấm rèm che mặt.
Chưa hết, vào năm 1889, con trai duy nhất của Sisi là Thái tử Rudolf đã tự sát cùng với nhân tình của mình trong một khách sạn. Sự việc này đã khiến Hoàng hậu Sisi rơi vào tuyệt vọng.
Cô độc đến cuối đời, bị kẻ lạ mặt ám sát
Những ngày còn lại của cuộc đời, Sisi sống trong cô độc và đau buồn. Bà thường đi lang thang vô định, thậm chí còn tự đi đến tận Bắc Phi. Bà từ chối sự bảo vệ của cảnh sát.
Vào ngày 10/9/1898, Sisi đến thăm Geneva với một cái tên giả. Lúc này, bà bị ám hại bởi một gã sát thủ tên là Luigi Lucheni. Dù đã được cấp cứu ngay nhưng Sisi đã không qua khỏi.
Hoàng hậu Sisi sau đó đã được chôn cất trong hầm mộ của Hoàng gia ở Vienna. Cuộc đời với chuỗi bi kịch dài của bà đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều bộ phim, nhạc kịch và các bộ môn nghệ thuật sau này.