Tôi năm nay 28 tuổi. Năm nay, tôi dự định sẽ thưa gửi gia đình hai bên để xin cưới em làm vợ. Người yêu tôi kém tôi 3 tuổi, đang là kế toán doanh nghiệp.Chúng tôi quen nhau được gần 2 năm và cũng đã ra mắt hai bên gia đình.
Mặc dù em không hiền dịu như bao cô gái khác, nhưng tôi yêu em bởi tính năng động, sôi nổi và đôi khi là vì cả cái tính ương bướng của em. Nhưng đó là khi yêu, khi tất cả mọi thứ tình cảm còn dừng lại ở mức bay bổng, lãng mạn… Còn bây giờ, đứng trước ranh giới giữa tình yêu và ngưỡng cửa hôn nhân, tôi lại không thể chịu nổi tính cách bướng bỉnh, độc đoán và thích đề cao cái tôi, dân chủ quá trớn của em nữa.
Ảnh minh họa.
Vậy mà chỉ vì việc “đối nội đối ngoại” thông thường như thăm hỏi người lớn thôi mà em cũng không làm được,vì chuyện đó mà tôi và em đã có không ít tranh luận chỉ vì suy nghĩ bất đồng. Lần nào cũng vậy, ngày thường thì em nói em bận việc không thể qua thăm hỏi bố mẹ chồng tương lại, những ngày nghỉ cuối tuần em lại nói phải đi công tác, rồi chỉ còn những ngày nghỉ lễ dài đến 3, 4 ngày thì em nói em phải về quê. Thậm chí đến bữa ăn mẹ tôi đã chủ động vào bếp chuẩn bị bữa cơm nhưng em cũng tìm lý do từ chối.
Đến khi không thể chịu nổi nữa tôi đã thẳng thừng góp ý với em, nhưng trái với những gì tôi suy nghĩ, em thản nhiên nói: “Sau này về làm dâu rồi thì lo gì không có dịp ăn cơm cùng nhau, giờ anh biết công việc của em đang lu bu em không có thời gian để chơi bời, chuyện trò với ai nữa. Anh cứ bảo hai bác thư thư có thời gian em sẽ qua ngay”.
Gần đây nhất em được cơ quan cho nghỉ làm 3 ngày, không hiểu em có biết suy nghĩ hay không mà không bớt chút thời gian qua chào hỏi bố mẹ tôi lấy một câu trước khi về quê. Thay vào đó, em cao giọng nói: “Quê em ở mãi Điện Biên, cách Hà Nội 500km đến "nửa vòng trái đất". Em muốn về quê luôn, còn đâu thời gian mà ghé qua anh, rồi dăm ba câu chuyện với mẹ anh nữa thì bao giờ mới về đến quê, bố mẹ em đang mong em về giải quyết cả một đống việc, cả năm rồi em chưa có về quê. Mà em nhớ, gần 2 tháng trước em có qua hỏi thăm bố mẹ anh là gì. Nhà anh lắm lễ nghi quá. Em không sang được, anh bảo hai bác cho em gửi lời hỏi thăm, rồi em sẽ chủ động gọi điện cho hai bác…”.
Nghe xong câu nói của em mà tôi không thể chịu nổi, tôi quát rất to: “Em đừng có sống kiểu ích kỷ và công nghiệp hóa thế, các cụ già rồi không thích kiểu chào hỏi qua điện thoại đâu. Giờ thì em giỏi rồi, chưa lấy chồng mà đã tập cái thói coi người lớn không ra gì. Em thích làm gì thì làm, thích về quê lúc nào thì về”. Đó là lần to tiếng nhất mà từ trước tới nay tôi nói với em. Vẫn cái tính ương ngạnh, sáng hôm sau được nghỉ làm, em xách va li về thẳng Điện Biên mà không gọi điện báo tôi một câu. Đến nơi rồi em mới nhắn vỏn vẹn cái tin: "Em về quê an toàn rồi”.
Suốt mấy ngày ở quê, em không gọi điện, nhắn tin hỏi thăm tôi, hỏi thăm bố mẹ tôi như lời em nói. Đã thế tôi gọi em còn không thèm bắt máy. Không chịu nổi thái độ của em, tôi gọi điện cho bố mẹ em, trước là hỏi thăm sức khỏ… sau là nhờ bố mẹ em đưa máy cho em nói chuyện.
Vậy mà thái độ em nói chuyện với tôi, khi thì dửng dưng, khi thì quát tháo: “Anh là người có học phải hành xử như người có học chứ, anh gọi điện em không nghe, nhắn tin em không trả lời nghĩa là em bận, hoặc không muốn trả lời… Anh lại gọi cho bố mẹ em như vậy chẳng khác nào anh nói với người lớn là chúng ta đang có chuyện… Bố mẹ em hay suy nghĩ, anh muốn ông bà ốm ra đây à”. Sau câu nói chì chiết dài dằng dặc của em là tiếng thở dài ngao ngán của tôi.
Tôi quyết định dừng ý định cưới xin, dừng mọi chuyện tình cảm ở đây, không yêu đương gì hết. Tôi không thể cố gắng lừa dối bản thân mình, rằng em chỉ ngang bướng thôi mà phải đối diện với sự thật “em không thể làm một người vợ tốt, một nàng dâu thảo. Càng không thể mang đến cho tôi cảm giác bình yên và ấm áp”.