Đáng nói, bị can Trương Mỹ Lan huy động vốn để chiếm đoạt 304.096 tỉ đồng của Ngân hàng SCB.
Gần 90 bị can trong đại án
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ), Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Trong số này, bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố 3 tội: “Đưa hối lộ”; “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”.
Bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
Nhóm bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết. Bị can Trương Mỹ Lan đã giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý. Trương Mỹ Lan không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần.
Cơ quan CSĐT xác định, Trương Mỹ Lan đã dùng SCB làm kênh huy động vốn cho cá nhân mình. Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB - vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào.
Cơ quan điều tra xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỉ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỉ đồng. Như vậy, bị can Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 nghìn tỉ đồng.
Cùng vụ án, bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
Với vai trò, trách nhiệm được giao là Trưởng đoàn thanh tra nhưng bị can Nhàn không báo cáo trung thực với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu so với kết quả thanh tra mà đề xuất theo hướng giảm nhẹ sai phạm và kiến nghị tạo điều kiện cho ngân hàng này tiếp tục được tái cơ cấu.
Kết quả điều tra xác định, cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB.
Hành vi làm trái công vụ, trái quy định pháp luật thanh tra của bị can Đỗ Thị Nhàn để giúp đỡ Trương Mỹ Lan, tạo điều kiện cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB thực hiện những hành vi sai phạm nối tiếp sai phạm.
Một số bị can vụ Vạn Thịnh Phát. |
Khoảng 42.000 nhà đầu tư bị lừa đảo
Riêng với bị can Trương Mỹ Lan, ngoài 3 tội danh đã bị đề nghị truy tố còn bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành trái phiếu, nhưng hiện Cơ quan điều tra đã tách vụ án để xử lý sau. Trong hành vi này, bước đầu cơ quan chức năng xác định Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo 30.000 tỉ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Cơ quan CSĐT xác định, từ năm 2018 - 2020, các nghi phạm có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.
Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, Trương Mỹ Lan và các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Do số lượng bị hại trong vụ án này rất lớn nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an ủy thác cho Cơ quan điều tra công an các địa phương làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.
Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT đã kê biên số tài sản “khổng lồ” của bị can Trương Mỹ Lan, gồm, tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng; 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất thuộc dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Cơ quan bảo vệ pháp luật cũng tiến hành kê biên đối với 1.237 bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan; kê biên 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ; kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can trong vụ án.
Cơ quan điều tra cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm: 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên và 1 sổ tiết kiệm, thiết bị điện tử và các đồ vật khác liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan.
Liên quan vụ án này, Bộ Công an phát lệnh truy nã 7 bị can, do xác định những người này đã bỏ trốn.
Những người bị truy nã gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB), Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB), Sun Henry Ka Ziang (thành viên Hội đồng quản trị SCB, quốc tịch Trung Quốc), Lam Lee George (cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB).
Cơ quan CSĐT kêu gọi các bị can đầu thú để hưởng lượng khoan hồng, nếu không ra trình diện coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị truy tố, xét xử.