Andaman là một ngôi làng nhỏ thuộc bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Không ai trong làng, trừ người già và người bệnh, đi giày dép. Tất cả đều đi chân đất kể cả trong nhà lẫn ngoài đường, bất chấp thời tiết mùa hè nóng bỏng.
Trên tay họ đều cầm một đôi giày, dép khi ra đường. Chỉ khi nào ra khỏi làng, họ mới xỏ chúng.
Mọi người ra đường đều cầm theo giày, dép như phụ nữ các nơi khác mang ví, túi xách. Ảnh: BBC. |
Mukhan Arumugam, 70 tuổi, mặc sơ mi trắng và sarong, đang đứng cầu nguyện dưới cây sầu đâu lớn ở cổng làng. Đây là thói quen thường ngày của ông. Mukhan luôn thành tâm ngẩng mặt lên trời bất chấp thời tiết cuối tháng một vẫn nắng gay gắt. Tất nhiên, ông không đi dép.
Karuppiah Pandey, một họa sĩ 53 tuổi, là thế hệ thứ tư sống trong ngôi làng. Pandey đi giày nhưng vợ anh, Pechiamma, 40 tuổi, làm nghề nông, thì không. Cô coi chuyện đi chân đất là điều bình thường. Bốn người con của cô, dù không bị mẹ ép buộc, cũng đều tuân thủ truyền thống ở làng.
Anbu Nithi, 10 tuổi, hăng hái đạp xe bằng chân trần trên con đường đất nhỏ. Ảnh: BBC. |
Tục lệ kỳ lạ này được cho có liên quan đến truyền thuyết về thần bảo trợ của làng - Muthyalamma. Một người đàn ông đi giày ngang qua bức tượng tạc vị thần này dựng ở dưới cây sầu đâu. Bất ngờ, người này bị trượt ngã sõng soài. Sau đó, ông bị một trận sốt kỳ lạ và mất một thời gian dài mới khỏe lại. Kể từ đó, nhiều người sợ rằng việc đi dép sẽ khiến thần linh giận dữ.
Để thể hiện sự tôn trọng đối với vị thần, người dân tự nguyện đi chân đất. Khi khách đến làng, mọi người ở đây sẽ cố gắng giải thích cho họ hiểu về tục lệ trên. Tuy nhiên, điều này không bắt buộc. Nếu du khách từ chối, họ cũng không bị phạt.
Phần lớn người dân làm nông, canh tác ngay trên các cánh đồng lúa gần nhà. Ảnh: BBC. |
Cứ 5 đến 8 năm, vào tháng 3 hoặc 4, ngôi làng lại tổ chức một lễ hội. Khi đó, mọi người sẽ đắp tượng thần Muthyalamma bằng đất sét và đặt dưới gốc cây sầu đâu. Họ tin rằng, nữ thần sẽ ban phước cho người dân trong 3 ngày này. Sau đó, bức tượng sẽ bị đập tan.
Những người dân ở làng cạnh đó thì không mấy tin vào truyền thuyết đi chân trần. Ramesh Sevagan, 40 tuổi, tài xế, cho biết anh coi phong tục này như một loại mê tín.