Hoàng hậu Elisabeth: Mặt nạ thịt bê sống
Người phụ nữ đẹp nhất trên thế giới vào thế kỷ 19 là Hoàng hậu Elisabeth (1837-1898) của Áo. Bà nổi tiếng khắp châu Âu với làn da hoàn hảo và mái tóc dày màu hạt dẻ, khi xõa ra dài đến gót. Mỗi ngày bà dành ra 3 giờ để chải và cuộn tóc lên. Để giữ làn da đẹp, bà ép nước dâu rồi thoa lên tay, mặt, và cổ. Bà tắm trong dầu olive ấm, khi ngủ đắp chiếc “mặt nạ lót bên trong thịt sống”.
Bữa ăn yêu thích của bà được chiết xuất từ gà, thịt nai, thịt bò. Hoàng hậu Elisabeth thường quấn mình trong một chiếc áo nịt ngực siết chặt đến nỗi vòng eo của bà chỉ đo được 49,5cm.
Nữ hoàng Cleopatra: Tắm trong sữa lừa
Nữ hoàng Cleopatra (69 - 30 TCN) của Ai Cập đã làm rung động biết bao trái tim của những nam nhân quyền lực vào thời đó. Có lẽ là nhờ nét duyên dáng, sự mê hoặc mà cũng có thể nhờ mùi hương của… phân và ruột côn trùng, các thành phần trong mỹ phẩm mà bà sử dụng.
Cleopatra chắc chắn đã áp dụng phương pháp làm đẹp trong thời đại của bà, theo đó phụ nữ thường thoa môi bằng loại son làm từ ruột của bọ cánh cứng nghiền nát và thoa phân cá sấu nghiền thành bột dưới hai mắt.
Nhưng Cleopatra là một nữ hoàng nên bà còn có những bí quyết làm đẹp xa hoa nhất, trong đó đáng kể là tắm trong sữa lừa lên men. Mỗi ngày, những người hầu phải vắt sữa của 700 con lừa, đổ đầy vào bồn tắm và Cleopatra chỉ việc trầm mình trong đó. Loại sữa này được cho là có tác dụng làm giảm nếp nhăn và dường như có hiệu quả. Các chuyên gia về mỹ phẩm hiện nay cho rằng lactose lên men sẽ chuyển thành lactic acis, giúp lớp da bề mặt trên cơ thể phụ nữ tróc ra, lộ làn da mềm mại bên dưới.
Nữ hoàng Nefertiti: Chết vì mỹ phẩm
Hơn 3000 năm sau khi bà chết, vẻ mặt của nữ hoàng Ai Cập Nefertiti (1370 - 1330 TCN) vẫn còn làm xôn xao những người yêu sắc đẹp. Mộ của Nefertiti không được tìm thấy, nhưng những gì phát hiện được trong mộ của những người cùng thời cho chúng ta một ý niệm về bí quyết làm đẹp của bà.
Nefertiti hoàn toàn không có lông tóc. Toàn bộ cơ thể của bà được cạo sạch từ đầu đến chân. Bà đội trên đầu một bộ tóc giả và vẽ đôi mắt màu đen với loại mỹ phẩm được gọi là phấn kohl (phấn côn), làm từ chì.
Điều này có nghĩa là mỗi khi trang điểm, nữ hoàng Nefertiti tự làm giảm tuổi thọ của mình do nhiễm độc chì. Tuy nhiên, cũng không chắc chì gây ra cái chết của bà, mà son môi có thể là thủ phạm chính, bởi vì nó chứa bromine mannite, một chất độc khác khiến bà qua đời trước khi chì ở vùng mắt phát huy tác hại
Nữ hoàng Elizabeth I: Dưỡng da với mỹ phẩm chì
Trong kỷ nguyên Elizabeth ở Anh, sản phẩm chăm sóc da phổ biến nhất được gọi là “chì carbonat của người Venise”, một hỗn hợp chì và giấm, mà phụ nữ dùng để thoa lên toàn bộ da để làm cho chúng trông như men sứ trắng.
Không mỹ nhân nào sử dụng loại mỹ phẩm này nhiều hơn nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603) của Anh. Khi 29 tuổi, bà mắc bệnh đậu mùa, để lại những vết sẹo trên da. Quá hổ thẹn khi phải phơi bày những sẹo này trước công chúng, bà phủ lên mỗi cm da của mình với lớp chất độc màu trắng này. Nữ hoàng dùng nhiều đến nỗi bà hoàn toàn không được nhận ra được nếu không có nó.
Marie Antoinette: Rửa mặt bằng nước thịt bồ câu
Hoàng hậu nước Pháp, Marie Antoinette (1755-1793) nổi tiếng là một người đẹp tầm cỡ thế giới và bà luôn gìn giữ nhan sắc mình với những bí quyết trang điểm lạ lùng.
Cũng như nữ hoàng Elisabeth của Áo, bà đi ngủ với chiếc mặt nạ, nhưng của bà được làm từ hỗn hợp rượu cô nhắc, trứng, sữa bột và chanh.
Bà bắt đầu buổi sáng bằng việc rửa mặt với một loại nước tẩy rửa làm từ thịt chim bồ câu. Vào thời của bà, sản phẩm trên được dán nhãn với tên gọi “nước mỹ phẩm của bồ câu” cùng lời quảng cáo cam đoan mỗi chai được tinh chế từ “8 con bồ câu ninh nhừ”.
Sau đó, hoàng hậu thay trang phục lần đầu tiên trong 3 lần mỗi ngày. Là hoàng hậu quyền uy, Marie Antoinette không bao giờ mặc một bộ y phục nào quá hai lần. Do đó, mỗi năm bà tốn tới 120 ngàn livres cho y phục, tương đương 4 triệu USD ngày nay.
Nữ hoàng Scotland: Tắm trong rượu vang
Mary, nữ hoàng Scotland (1542- 1587), không phải là một người đẹp tự nhiên. Bà sinh ra với chiếc mũi không được cao, gò má hơi sắc nhọn. Nhưng là một nữ vương, bà phải là người đẹp trước công chúng. Và để có nhan sắc tuyệt vời, bà áp dụng phương pháp làm đẹp tốn kém. Để giữ cho làn da ấn tượng, bà có những người phục vụ hằng ngày đổ đầy bồn tắm với rượu vang trắng. Bà trầm mình trong đó, với niềm tin là rượu vang cải thiện làm da.
Bí quyết làm đẹp da này cho đến nay vẫn còn được áp dụng trong giới thượng lưu và người ta gọi đây là “bồ đào liệu pháp” (vinotherapy).
Thật khó nói rõ chính xác những gì mà nữ hoàng đã dùng, nhưng các nhà “bồ đào liệu pháp” hiện nay không thực sự đổ rượu vang uống được vào bồn tắm, thay vào đó họ dùng những phần thừa thãi từ tiến trình chế biến rượu.
Hoàng hậu Zoe Porphyrogenita: Phòng thí nghiệm mỹ phẩm riêng
Hoàng hậu Zoe Porphyrogenita (978-1050) là một trong những phụ nữ đẹp nhất ở đế quốc Byzantine (La Mã phương Đông). Tuy nhiên, bà không chỉ đẹp lúc còn trẻ, mà ngay cả khi ở độ tuổi 60 trông vẫn còn mặn mà nhan sắc!
Chắc chắn bà đã phải dành nhiều thời gian để duy trì sắc đẹp. Sau khi trở thành hoàng hậu, Zoe Porphyrogenita ra lệnh xây dựng một phòng thí nghiệm trong triều, chuyên nghiên cứu chế tạo mỹ phẩm để bà sử dụng. Đây thực sự là một nhà máy có thể sản xuất sản phẩm làm đẹp cho toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, nó chỉ có một khách hàng duy nhất, đó là hoàng hậu.
Lucrezia Borgia: mất nhiều ngày để gội đầu
Nhà thơ Lord Byron từng nói rằng tóc của Lucrezia Borgia (1480-1519)- nữ quý tộc Italy, em của Cesare Borgia, chính trị gia có quyền lực đương thời, “xinh nhất và đẹp nhất không thể tưởng tượng”. Ông không chỉ làm ra một dòng thơ mới, mà thực tế ông đã yêu người đẹp đến nỗi đánh cắp một lọn tóc của bà và giữ kỹ trên giường ngủ của mình.
Điều này đã nói lên được mái tóc của Lucrezia đẹp như thế nào. Nó có màu vàng sáng nhưng không phải do tự nhiên. Những người trong gia đình bà có tóc đen, nhưng Lucrezia đã tìm cách làm cho tóc của mình sáng chói như ánh mặt trời bằng cách nhuộm nó trong dung dịch kiềm và nước chanh ép trong nhiều giờ, sau đó hong tóc dưới ánh nắng mặt trời vào thời điểm chói sáng nhất trong ngày. Bà thường phải dành ra cả ngày để chải chuốt và vấn tóc.
Nhiều lần Lucrezia phải hủy bỏ các cuộc dạo chơi để gội đầu. Nhiều bức thư từ những người hầu của Lucrezia còn được giữ đến ngày nay có kể lại chuyện bà đã xin lỗi một cách lịch sự với mọi người và giải thích rằng bà sẽ đến trễ vài ngày bởi vì phải “sắp xếp quần áo và gội đầu”.
Helen của thành Troy: Tắm trong giấm
Helen của thành Troy hay Helen xứ Sparta là con gái của thần Zeus và Leda, chị em của Castor - con thần Zeus - Polydeuces và Clytemnestra - con vua Tyndareus. Bà được cho là một phụ nữ đẹp đến nỗi hàng ngàn người đàn ông đã chết để tỏ lòng tôn kính bà. Người ta cho rằng bà chỉ là nhân vật tưởng tượng của Homer, trong trường ca bất hủ Iliad của ông. Tuy nhiên, qua mô tả, ông có một sự hiểu biết về mỹ phẩm làm đẹp của phụ nữ.
Helen của thành Troy, theo Iliad, thường tắm trong giấm. Mỗi ngày những người hầu của bà chuẩn bị một bồn tắm đầy chất acid acetic và bà chỉ việc ngụp lặn trong đó.
Nhiều người cho rằng Helen dùng giấm táo hoặc pha loãng nó trong nước, bởi vì nó tạo ra làn da đẹp. Ngày nay, nhiều phụ nữ vẫn tắm trong hỗn hợp giấm táo và nước. Và nó thực sự có hiệu quả, bởi giấm cân bằng độ pH của cơ thể, có hiệu quả làm sạch.
Simonetta Vespucci: Arsen, đỉa và nước tiểu
Simonetta Vespucci (1453 - 1476), được mệnh danh là “Nữ hoàng sắc đẹp của Italy”, nguồn cảm hứng của nhiều danh họa trong thời Phục hưng.
Vào thời này, những phụ nữ đã sao chép chế độ làm đẹp kỳ lạ của bà để mong có nhan sắc như bà. Để giữ cho làn da nhợt, trắng và đẹp, phụ nữ trong thời đại Vespucci cho những con đỉa bám vào tai. Đỉa sẽ hút máu ra khỏi khuôn mặt, để lại vẻ nhợt nhạt như người chết.
Những người không muốn làm điều này thì có thể sử dụng mặt nạ. Họ sẽ trộn lẫn các mẩu bánh mì và lòng trắng trứng cùng với giấm rồi thoa nó lên mặt. Phụ nữ sẽ tẩy lông của họ với arsen và phèn rồi làm bóng bằng bột vàng. Nhưng đó chẳng là gì cả nếu so sánh với những gì họ làm với bộ tóc trên đầu. Đối với Vespucci, tóc của bà tự nhiên nhưng những phụ nữ nghèo hơn muốn sao chép cách của bà, và không biết họ nắm thông tin từ đâu mà tẩy tóc bằng nước tiểu người.