Tuy nhiên khi đó ông chưa nhìn ra được sự ưu việt của Cholula. Đó là ở trung thâm thành phố này, một ngọn đồi lớn nhô lên trên vùng đất bằng phẳng chứa đựng một sự bất ngờ lớn.
Núi nhân tạo
Mặc dù còn có tên Tlachihualtepetl (nghĩa là núi nhân tạo), ông Cortes dường như cho đây là ngọn đồi tự nhiên. Vì vậy, khi binh lính của ông tàn sát hàng nghìn người bản địa và san bằng một cách có hệ thống nhà cửa của người dân, họ đã bỏ sót Đại kim tự tháp Cholula nằm ẩn trong ngọn đồi trên.
Được xây dựng bằng gạch không nung làm từ bùn, cấu trúc này khi đó đã phát triển thành một gò đất khổng lồ. Tuy làm từ vật liệu khiêm tốn nhưng ngọn đồi này có chiều rộng khoảng 400 mét vào cao khoảng 65 mét.
Đây là kim tự tháp lớn nhất thế giới theo thể tích, lớn hơn cả Kim tự tháp Mặt trời nổi tiếng của Mexico ở Teotihuacan và thậm chí lớn hơn cả Kim tự tháp Giza của Ai Cập. Một số người cho đây là đài tưởng niệm lớn nhất và nó cũng có thể là cấu trúc lâu đời nhất được sử dụng liên tục ở châu Mỹ.
Nhà khảo cổ học Geofrey McCaffert của ĐH Calgary (Canada) cho biết, rất ít người biết về công trình đồ sộ này.
“Trong lớp học của mình, tôi mô tả nó như một kim tự tháp quan trọng nhất mà bạn từng nghe đến”, ông McCafferty nói.
Những kim tự tháp bao bọc nhau
Ông McCafferty lần đầu được biết đến kim tự tháp vĩ đại này vào năm 1971 khi đang học tập ở Cholula. Một ngày, khi đang chơi trò ném đĩa với bạn bè của mình trên một kim tự tháp nhỏ hơn gần đó, ông tình cờ thấy một cái lỗ chứa 20 lưỡi kiếm bằng đá vỏ chai và cho rằng ở đây có chứa đựng điều tiểm ẩn to lớn.
50 năm sau nó vẫn vậy. Nhiều điều về kim tự tháp trên, bao gồm người xây dựng và lý do xây dựng nó vẫn chỉ là những suy đoán. Mặc dù, các nhà khảo cổ học đã nỗ lực gần một thế kỷ nhưng ông McCafferty cho rằng “trung tâm tôn giáo của Cholula vẫn là một trong những bí ẩn lớn của Trung Mỹ cổ đại”.
Các cuộc khai quật đầu tiên thực sự có từ đầu thế kỷ 19 khi nhà thám hiểm người Đức Alexander von Humboldt nghiên cứu địa điểm này. Ông gọi trung tâm của Cholula là “công trình vĩ đại nhất, cổ kính nhất và nổi tiếng nhất trong tổng thể các di tích kim tự tháp” ở Mexico.
Tuy nhiên, những điều tra nghiêm túc chỉ được bắt đầu vào những năm 30 của thế kỷ trước khi các nhà khảo cổ lần đầu tiên đào hầm vào ruột của kim tự tháp. Thật đáng kinh ngạc, họ thấy mình không phải đang đi sâu vào một cấu trúc duy nhất mà qua một loạt các kim tự tháp.
Mỗi kim tự tháp đều có mặt tiền là ban thờ, bệ và bậc thang đã từng hình thành nên bề ngoài. 4 giai đoạn xây dựng khác nhau bao bọc nhau theo sự nối tiếp giống như các lớp của một củ hành tây.
Sự phân lớp này cho thấy một lịch sử phong phú hơn nhiều, trải dài từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Các dốc, góc cạnh kiến trúc talud-tablero của giai đoạn cổ nhất cho thấy một sự kết nối đến thành phố cổ Teotihuacan – cách xa 96 km về phía Tây Bắc.
Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo lại phản ánh một phong cách hoàn toàn khác với những cầu thang có cả ở 4 phía.
Dù những kiến trúc sư cổ đại này là ai, họ chỉ được ghi trong truyền thuyết là một tộc người khổng lồ có tên Guinametzin. Tuy nhiên, điều chắc chắn đầu tiên trong câu chuyện về Kim tự tháp Cholula là Olmeca-Xicalanca – người được cho là đã chinh phục Quinametzin vào khoảng năm 800 sau Công nguyên.
Những khoảnh khắc lịch sử
Tuy chưa rõ mục đích ban đầu của việc xây dựng kim tự tháp này nhưng ông McCafferty tin rằng, những người tạo ra nó dự định đây sẽ là “trục mundi” – một mối liên hệ vũ trụ giữa âm phủ, thế gian và các tầng trời.
Những bức tranh trên tường nằm rải rác bên trong kim tự tháp mô tả hình ảnh con rắn, báo đốm, đầu lâu và lễ hội. Tuy nhiên, nếu không có tài liệu lịch sử, thật khó có thể thu thập nhiều thông tin về ý nghĩa của chúng.
Theo ông McCafferty, trong những năm sau đó, đây từng là nghĩa trang và đền thờ thần mưa Chiconauquiahuitl. Tuy vậy, nhà nhân chủng học John Pohl ở ĐH bang California (Mỹ) gợi ý một cách giải thích khác.
Không giống như ba giai đoạn đầu tiên của kim tự tháp, giai đoạn cuối cùng thiếu mặt tiền bằng đá, dẫn đến việc ông kết luận Olmeca-Xicalanca đã che nó bằng vải nung để tạo ra một ngọn núi nhân tạo dành riêng cho các vị thần Xochiquetzal và Xochipilli.
“Nó dường như đã được tôn vinh là một môi trường tự nhiên, giống như một công viên” – ông Pohl nói.
Dù bằng cách nào, vào khoảng năm 1200 sau Công nguyên, một nhóm dân tộc khác là Tolteca-Chichimeca tới và chuyển trung tâm tôn giáo của thành phố sang một kim tự tháp mới mà họ dành riêng cho Quetzalcoatl – tên một vị thần có lông vũ và một anh hùng văn hóa huyền thoại.
Khi nhà thám hiểm Cortes xuất hiện, Cholula chủ yếu được dùng như một địa điểm thờ cúng của giáo phái Quetzalcoatl và kim tự tháp vĩ đại này hầu như đã bị bỏ hoang.
Tuy nhiên sau đó, tại một bước ngoặt đáng chú ý nhất của câu chuyện, người Tây Ban Nha đã vô tình bắt đầu một chương mới trong sự tồn tại của kim tự tháp: Họ xây dựng nhà thờ Công giáo La Iglesia de
Nuestra Señora de Los Remedios trên đỉnh của nó.
500 năm sau, nhà thờ Công giáo này vẫn đứng vững, đánh dấu một di sản kéo dài 2,5 thiên niên kỷ.
Ông McCafferty lập luận, không có sự khác biệt lớn nào giữa việc sử dụng kim tự tháp của các dân tộc tiền Colombia và việc sử dụng nó trong thời hiện đại của nhà thờ. “Đó là một sự liên tục, một sự phát triển thành một biến thể mới.
Có lẽ trong vài thế kỷ nữa, một lớp mới sẽ phủ lên nhà thờ, lưu giữ một khoảnh khắc khác trong lịch sử phong phú của kim tự tháp vĩ đại này” – ông nói.