Theo Tân Hoa Xã đưa tin, 100 hạt giống có niên đại 2.000 năm tuổi đã được tìm thấy khi các nhà khảo cổ học đang khai quật một ngôi mộ của thường dân tại Đặng Khẩu (thuộc khu tự trị Nội Mông, phía Bắc Trung Quốc).
Nữ chủ nhân của ngôi mộ được chôn cất từ khoảng cuối thời Tây Hán (năm 206 TCN – năm 25 SCN) đến đầu thời Đông Hán (năm 25 SCN – năm 220 SCN).
Theo mô tả, các hạt giống được rải thành hình bán nguyệt có đường kính khoảng 8 cm quanh hộp sọ của chủ mộ. Dường như, đây là một biểu tượng mang ý nghĩa tâm linh. Những hạt giống có hình dáng giống như hạt lựu hiện đại. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc của số hạt giống này.
Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ còn đồng thời phát hiện 18 ngôi mộ đơn khác nằm rải rác trong các cồn cát và bị hư hỏng khá nặng. Ngoài ra, một con dấu bằng đồng đã rỉ sét cũng được tìm thấy trong ngôi mộ.
Bí ẩn 100 hạt giống có niên đại 2.000 nắm tuổi trong cổ mộ. Ảnh minh họa
Trước đó, các nhà khảo cổ cũng phát hiện một bộ hài cốt niên đại 2.500 năm phủ dưới lớp cây cần sa dày như tấm vải liệm trong ngôi mộ cổ ở tây bắc Trung Quốc.
Bộ hài cốt kỳ lạ thuộc về một người đàn ông trung niên khoảng 35 tuổi với những đặc trưng của người da trắng ở vùng bồn địa Turpan, Trung Quốc, sống cách đây 2.500 năm.
Phát hiện về lớp cần sa phủ trên hài cốt chủ nhân ngôi mộ có thể giúp các nhà khảo cổ tăng thêm hiểu biết về cách người Âu - Á cổ đại sử dụng loài cây này để tế lễ và chữa bệnh.
Đây là một trong 240 ngôi mộ được khai quật ở nghĩa trang Jiayi ở Turpan, gắn liền với nền văn minh Subeixi, hay còn gọi là vương quốc Gushi sinh sống trong khu vực cách đây 2.000-3.000 năm. Tại thời điểm đó, ốc đảo giữa sa mạc Turpan là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường tơ lụa.
Vấn đề duy nhất mà các nhà khảo cổ chưa thể lý giải chính xác là mục đích đặt cần sa trong mộ. Cây cần sa có thể phục vụ nhiều mục đích như kích thích thần kinh, cung cấp sợi dệt vải và hạt giàu dưỡng chất.