Ngày31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đưa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn mới-phát triển theo chiều sâu.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị, BHXH Việt Nam là một trong bốn bộ, ngành đã triển khai rất tốt chuyển đổi số với 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình. BHXH Việt Nam đã cung cấp 25/25 (100%) thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các dịch vụ công được cung cấp trên nhiều nền tảng: Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID, các nhà cung cấp dịch vụ IVAN. Hằng năm có khoảng 13,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (nếu tính số lượng hồ sơ gắn với từng người lao động là gần 100 triệu hồ sơ giao dịch điện tử).
Khi thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế (KCB BHYT), người dân có thể lựa chọn sử dụng ứng dụng VssID, VNeID hoặc thẻ CCCD gắn chip để làm thủ tục KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy. 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng VssID, VNeID và thẻ CCCD gắn chip, giúp ngành BHXH Việt Nam cắt giảm được tối đa chi phí in ấn thẻ BHYT. Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chíp, VNeID, VssID, chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB BHYT, thay vì mất tối thiểu 10 phút như trước đây.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng Chính phủ số là nhiệm vụ quan trọng của Ngành để ngày càng tạo ra nhiều tiện ích, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Với phương châm hành động “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của sự phục vụ” để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu đề ra. Một số kết quả nổi bật của BHXH Việt Nam về chuyển đổi số trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công của ngành như sau:
- Một là, 100% người tham gia được thu thập thông tin trong CSDL của ngành: CSDL của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 98,2 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 87,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 98,2% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư.
Dữ liệu của BHXH Việt Nam là dữ liệu phát sinh từ quá trình thực hiện TTHC liên quan đến quản lý thông tin, đóng, hưởng các chế độ đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ sạch, sống”. BHXH Việt Nam lấy việc hoàn thiện dữ liệu làm trung tâm, nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số toàn diện, là cơ sở quan trọng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý của Ngành và cải cách TTHC.
- Hai là, 100% quy trình nghiệp vụ của Ngành được thực hiện liên thông trên môi trường điện tử các kết quả được số hóa toàn diện: Các quy trình nghiệp vụ được tái cấu trúc một cách triệt để nhằm đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Tính đến năm 2024, BHXH Việt Nam đã giảm từ 115 thủ tục hành chính còn 25 thủ tục hành chính (giảm 78%). Số giờ thực hiện thủ tục hành chính đã giảm 86%. Toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành, theo đó người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất.
- Ba là, 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trong đó 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Hiện nay có khoảng 621 nghìn tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đang giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua các cổng dịch vụ công. 100% người dân có tài khoản định danh (VNeID) mức độ 2 có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH VN. Hiện nay, có khoảng 13 nghìn cơ sở y tế kết nối, liên thông trực tiếp với BHXH VN để thực hiện dịch vụ công thanh toán chi phí KCB BHYT cho khoảng 170 triệu lượt người KCB BHYT một năm.
- Bốn là, 100% người hưởng các chế độ ốm đau thai sản, dưỡng sức và trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng; 74% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tại khu vực đô thị đang được cơ quan BHXH chi trả qua tài khoản ngân hàng: Trong thời kỳ COVID-19, BHXH VN đã thực hiện chi đúng, đủ, chính xác kịp thời cho 13,3 triệu người lao động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ và giảm mức đóng từ quỹ BHXH, quỹ BHTN cho NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng chi phí trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ. Hàng năm có khoảng 9 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, 1,1 triệu người hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp, hàng tháng có khoảng 2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.
- Năm là, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng VssID, VNeID và thẻ CCCD gắn chip: “Người dân đi KCB BHYT gặp rất nhiều thuận lợi”, chỉ cần sử dụng CCCD gắn chíp hoặc VNeID để làm thủ tục KCB, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chíp hoặc với hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID,VssID chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB.
- Sáu là, về việc chia sẻ hạ tầng, sử dụng chung nền tảng số: BHXH Việt Nam sử dụng nền tảng tiếp nhận dữ liệu KCB của hệ thống Giám định để hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử để triển khai các DVC trực tuyến toàn trình (cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 02 nhóm TTHC liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng). Sắp tới, đây là nền tảng sử dụng chung để BHXH Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai Hồ sơ sức khoẻ và Sổ sức khoẻ điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên VNeID.
- Bảy là, triển khai đầy đủ các phương án, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an. Trong đó tập trung vào việc phòng ngừa từ sớm, từ xa.
Để đạt được kết quả trên, BHXH Việt Nam luôn coi công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tăng trưởng, thực hiện với tinh thần quyết liệt, "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Toàn Ngành luôn xác định lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm để phục vụ; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam mang lại, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam luôn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06. Lấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu là thước đo để đánh giá hiệu quả trong việc triển khai chuyển đổi số và thực hiện đề án 06. Ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động trong công cuộc chuyển đổi số. Đối với cán bộ của Ngành, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cụ thể hóa hành động trong khi xây dựng quy trình nghiệp vụ phải được thực hiện trên môi trường số.
Đối với người dân, đẩy mạnh công tác truyền thông, tận dụng tối đa lợi ích của cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam và các kênh truyền thông mạng xã hội của Ngành (Fanpage, Zalo BHXH Việt Nam) để đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường mạng xã hội (video đồ họa, infographic, motion graphic…) làm cho người dân tin tưởng, dần dần hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam. Thiết lập các kênh trao đổi thông tin công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân để hoàn thiện quy trình nghiệp vụ của ngành.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, với mục tiêu tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,…. Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục tái cấu trúc, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính đưa 100% dịch vụ công có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công toàn trình. Nghiên cứu các công nghệ tiên tiến hiện đại trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), Điện toán đám mây (Icloud),… để khai thác tối đa Cơ sở dữ liệu hiện có phục vụ cho công tác quản trị của ngành BHXH Việt Nam.