Những suất cơm miễn phí, san sẻ phần nào cơ cực với những bệnh nhân đang chật vật chống chọi với bệnh tật.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Đều đặn mỗi ngày, nhân viên tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum lại tất bật chuẩn bị những suất cơm miễn phí, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng cho biết: “Trước đây có nhiều trường hợp người dân đến bệnh viện thăm khám. Khi các y, bác sĩ phát hiện bệnh tình nặng đã khuyên gia đình cho bệnh nhân nhập viện.
Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khốn khó nên một số bệnh nhân, đặc biệt là người đồng bào DTTS xin xuất viện để về nhà tự chữa trị. Khi chúng tôi hỏi thăm thì được biết, cuộc sống của họ quá khó khăn, chỉ lo được chi phí ăn ở, chữa trị của bệnh nhân.
Còn việc ăn uống của người nhà bệnh nhân thì không thể lo toan được. Nhận thấy nhiều hoàn cảnh éo le nên các y, bác sĩ đã đề xuất thực hiện “Bếp ăn từ thiện” hỗ trợ bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khốn khó”.
Trải qua hơn 10 năm kể từ ngày thành lập, “Bếp ăn từ thiện” vẫn duy trì đều đặn 2 bữa/ngày không kể những hôm lễ, Tết. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 - 400 suất ăn miễn phí hỗ trợ cho bệnh nhân và những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bệnh viện kiểm soát chặt chẽ và hạn chế người ra vào nên người nhà bệnh nhân khó khăn khi mua đồ ăn, thức uống. Chính vì vậy, số lượng suất ăn cũng tăng lên, có những hôm 400 - 500 suất hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Thủy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của “Bếp ăn từ thiện” được Khoa Dinh dưỡng đặt lên hàng đầu. Theo đó, nguồn thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được mua ở những cơ sở uy tín. Sau khi nhận thực phẩm về, bên khoa sẽ kiểm tra lại một lần nữa rồi mới chế biến.
Cũng theo bác sĩ Thủy, sau khi bữa cơm được chuẩn bị xong, Khoa Dinh dưỡng sẽ chia một số phần ăn vào hộp và phân công nhân viên mang đến giường bệnh nhân. Đặc biệt là các bệnh nhân trong khu vực điều trị cách ly tại bệnh viện. Những suất cơm còn lại, khi người dân đến lấy sẽ được hướng dẫn giãn cách 2m và đeo khẩu trang, sát khuẩn kĩ lưỡng.
Bữa cơm yêu thương
Hơn 10 giờ trưa, lần lượt hàng chục bệnh nhân và người nhà đứng xếp hàng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để nhận cơm miễn phí từ “Bếp ăn từ thiện”. Mọi người đều tự giác tuân thủ nghiêm túc khẩu hiệu 5K để bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch bệnh.
Bà Võ Thị Mận (92 tuổi, phường Ngô Mây, TP Kon Tum) cho biết, cách đây hơn 2 tuần bà bị té phải nhập viện điều trị tại Khoa Đông y. Tuy nhiên, do người con trai ở xa, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể về chăm sóc bà được. Chính vì vậy, một mình bà tự chăm sóc bản thân những ngày ở bệnh viện.
“Ban đầu khi đau ốm phải vào viện, tôi cũng hơi lo vì không biết xoay xở ra sao. Nhờ có “Bếp ăn từ thiện” của bệnh viện nên tôi không phải lo ăn uống buổi trưa và tối. Tôi cảm ơn các y, bác sĩ đã hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp bệnh nhân khó khăn. Nhờ vậy, tôi có sức khỏe để tiếp tục chữa bệnh”, bà Mận chia sẻ.
Hơn 10 năm qua, đều đặn cứ 3 lần/tuần, chị Y Tháp (39 tuổi) lại vượt quãng đường gần 50km từ huyện Đắk Tô để xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum chạy thận.
Chị Y Tháp cho hay, gia đình chị có 4 người con. Người con lớn năm nay 18 tuổi, con nhỏ mới được 10 tuổi. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên chi phí điều trị tại bệnh viện không tốn kém. Tuy nhiên, khi xuống điều trị tại bệnh viện chị lo lắng nhất về việc đi lại và ăn uống. Bởi mỗi khi chạy thận xong, cơ thể khá mệt mỏi nên chị không thể đi lại để ra ngoài mua cơm.
“Gia đình mình khó khăn, mình lại đau ốm suốt nên có bao nhiêu tiền đều tiết kiệm để chữa bệnh. Nhờ có “Bếp ăn từ thiện” nên mình không phải lo việc ăn uống nữa. Mỗi ngày, các y, bác sĩ lại đổi món, có đầy đủ chất dinh dưỡng nên bệnh nhân và người nhà bảo đảm sức khỏe.
Số tiền này mình sẽ tiết kiệm để lo cho các con ăn học và chữa trị bệnh. Mình gửi lời cảm ơn đến các y, bác sĩ, mạnh thường quân đã hỗ trợ, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo”, chị Y Tháp nói.
Để duy trì “Bếp ăn từ thiện”, cán bộ, nhân viên thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đóng góp vào quỹ. Nguồn quỹ này sẽ do Ban điều hành bếp ăn, gồm UBND tỉnh, Sở Y tế và bệnh viện quản lý nhằm bảo đảm sự minh bạch.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, chương trình “Bếp ăn từ thiện” được triển khai với mục đích cung cấp những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, người nhà và đặc biệt là đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc duy trì bếp ăn gặp khó khăn. Đặc biệt về kinh phí để mua thực phẩm. Chính vì vậy, Khoa Dinh dưỡng hy vọng sẽ có nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm san sẻ khó khăn để “Bếp ăn từ thiện” tiếp tục được duy trì nhằm hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo, khó khăn.
Bác sĩ Đoàn Thị Tuần, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, “Bếp ăn từ thiện” đã được thành lập và duy trì hơn 10 năm nay tại Khoa Dinh dưỡng. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì hàng ngày trước và sau khi nấu ăn, các y, bác sĩ tại Khoa Dinh dưỡng sẽ kiểm tra kĩ lưỡng.
Mỗi ngày có khoảng 300 - 400 suất cơm được hỗ trợ cho bệnh nhân, người nhà có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu ngày một lớn nên gặp khó khăn về kinh phí duy trì “Bếp ăn từ thiện”.
“Bếp ăn từ thiện được thành lập và duy trì có ý nghĩa rất lớn, giúp công tác điều trị được bảo đảm. Bên cạnh đó, bảo đảm dưỡng chất trong mỗi bữa cho bệnh nhân và người nhà”, bác sĩ Tuần chia sẻ.