Là người nắm cương vị Thủ tướng lâu nhất của đất nước Do Thái với 15 năm trên đỉnh cao quyền lực, di sản ông để lại chắc chắn sẽ còn tác động to lớn đến khu vực và quốc tế.
Chỉ trong 2 năm, Israel đã tổ chức 4 kỳ bầu cử Quốc hội. Đến đầu tháng 6/2021, các phe đối lập mới có thể thành lập chính phủ liên hiệp lật đổ ông Netanyahu.
Được nhớ đến với nhiều biệt danh, như “Vua Bibi” hay “Crime Minister” (Thủ tướng bạo lực), sự nghiệp của ông không chỉ là vấn đề nội bộ của Israel, mà còn là nhân tố quan trọng tác động đến chính trị khu vực Trung Đông.
Tuổi trẻ
Benjamin Netanyahu sinh ra ở Jaffa vào năm 1949. Thời thơ ấu, ông sống ở Jerusalem và sau đó sang Mỹ học.
Mẹ của ông là bà Tzila Segal, người Do Thái bản địa, và cha của ông là Benzion Netanyahu, một người Do Thái sinh ra ở Ba Lan. Ông Benzion Netanyahu vốn có tên là Benzion Mileikowsky, nhưng đã đổi họ thành Netanyahu (nghĩa là “Chúa đã ban tặng” theo tiếng Do Thái) sau khi đến định cư ở Palestine.
Ông là một người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái Xét lại, ủng hộ ý tưởng về một nước Đại Israel tồn tại ở cả hai bên sông Jordan và từ chối thỏa hiệp với các quốc gia Ả Rập láng giềng.
Năm 1967, Benjamin Netanyahu trở về Israel nhập ngũ và nhanh chóng trở thành một lính biệt kích tinh nhuệ. Ông từng là đội trưởng một đơn vị đặc nhiệm trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1973.
Sự nghiệp chính trị
Năm 1982, ông Netanyahu được bổ nhiệm làm phó trưởng phái đoàn tại Đại sứ quán Israel ở Washington (Mỹ). Sang năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc.
Là người nói tiếng Anh lưu loát, Netanyahu đã trở thành gương mặt nổi tiếng trên truyền hình Hoa Kỳ vào những năm 1980, với những lập luận về Israel với tư cách là một nhà ngoại giao. Đến năm 1988, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao trong nội các của Thủ tướng Yitzhak Shamir khi đó.
Trở thành Chủ tịch đảng Likud cánh hữu vào năm 1993, ông Netanyahu đã nỗ lực dàn xếp sự trở lại của đảng sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 1992. Ông là nhân vật chủ chốt của phe diều hâu với những phản ứng dữ dội nhằm làm chùn bước các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Vụ ám sát Thủ tướng Yitzhak Rabin năm 1995 đã dẫn đến cuộc bầu cử sớm sau đó một năm và Netanyahu đã giành chiến thắng. Ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của Israel sinh ra ở nước Israel độc lập.
Trong bài phát biểu đầu tiên của mình trên cương vị Thủ tướng Israel trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 10/7/1996, ông Netanyahu tuyên bố sẽ đưa Israel trở thành một cường quốc mà không cần thỏa hiệp với các thế lực chống đối: Trong thánh thư tiếng Hebrew của chúng tôi, được truyền bá từ Jerusalem đến toàn thể nhân loại, có câu: “Đức Chúa Trời sẽ ban sức mạnh cho dân Ngài; Đức Chúa Trời sẽ ban phước bình an cho dân Ngài” và nhấn mạnh “Đây là nguồn cảm hứng ban đầu cho chân lý rằng hòa bình bắt nguồn từ sức mạnh”.
Đối với những người ủng hộ, ông là một phát ngôn viên mạnh mẽ của Israel, sẵn sàng nói lên những sự thật khó chịu nhất và có thể đứng lên chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa nếu ông Netanyahu tại vị, Israel sẽ luôn sẵn sàng đối đầu với các nước Hồi giáo Trung Đông.
Nhiệm kỳ thủ tướng thứ nhất của ông Netanyahu kết thúc vào năm 1999, với những rắc rối liên quan đến tham nhũng và cách xử lý vấn đề Palestine. Tuy nhiên, ông đã trở lại sau đó 10 năm, và tiếp tục chính sách ba không: Không rút quân khỏi Cao nguyên Golan; Không thảo luận về trường hợp Jerusalem; Không đàm phán dưới bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Chính sách chống Palestine của ông đã khiến hy vọng đàm phán hòa bình giữa 2 nước sụp đổ. Anshel Pfeffer, một nhà báo Israel và tác giả của cuốn tiểu sử về Benjamin Netanyahu, “Bibi”, đã viết: “Netanyahu, người được thừa hưởng những điều kiện thuận lợi nhất cho hòa bình với người Palestine, chưa bao giờ cố gắng nắm bắt cơ hội” và “Nền hòa bình duy nhất mà ông ấy sẵn sàng xem xét là nền hòa bình mà Israel bắt người Palestine phải phục tùng”.
Năm 2019, vị Thủ tướng này bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc công khai khi nói rằng Israel “không phải là một quốc gia cho tất cả những công dân của nó”. Phát ngôn này liên quan đến cộng đồng thiểu số Palestine chiếm gần một phần năm dân số Israel.
Năm 2020, Israel đạt được thỏa thuận hòa bình lịch sử với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Mặc dù vẫn luôn sẵn sàng đối đầu, nhưng là một cựu biệt kích, ông Netayahu cũng hiểu rõ những nguy hiểm tiềm tàng nếu nổ ra một cuộc chiến lớn với các nước Trung Đông.
Trong suốt sự nghiệp của mình, vị Thủ tướng theo đường lối cứng rắn này giành được lòng tin của không ít người Israel – họ coi ông như người bảo hộ quốc gia, nhờ vào tinh thần sẵn sàng đối đầu nhưng biết e ngại, và do vậy, người dân không phải lo sợ chiến tranh nổ ra.
12 năm liên tục nắm giữ chức vụ Thủ tướng, ông Netanyahu đã gặt hái rất nhiều thành công trên mọi phương diện. Nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân được cải thiện, và vị thế của Israel dường như trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chính những thành công này lại gián tiếp dẫn đến thất bại của ông.
Khi không phải lo nghĩ nhiều về những mối họa bên ngoài, người dân có thời gian để quan tâm hơn đến vấn đề nội bộ. Và ông Netanyahu, ngoài tài năng còn được biết đến với những tai tiếng tham nhũng, hối lộ. Vấn đề này trở thành cái cớ để những người chống đối công kích và lật đổ ông.
Rắc rối và thất bại
Ba năm cuối cùng làm Thủ tướng, ông Netanyahu phải đón nhận hàng loạt rắc rối chính trị. Năm 2019, ông trở thành Thủ tướng Israel đương nhiệm đầu tiên bị điều tra hình sự liên quan đến các cáo buộc tham nhũng và gian lận. Ông được cho là đã nhận quà từ các tỷ phú và trao đổi ân huệ với các ông trùm truyền thông và viễn thông.
Hơn nữa, ông Netanyahu cũng nổi tiếng từ lâu về thủ đoạn bảo vệ quyền lực. Ông sẵn sàng thỏa hiệp với phe chống đối, thậm chí là ban phát ân huệ và một số nhượng bộ chính trị để họ hỗ trợ ông giữ lấy quyền lực.
“Netanyahu dường như đã ghi nhớ rất rõ tác phẩm Quân vương của Machiavelli: Đạt được mục tiêu là điều thiêng liêng ngay cả khi cách thức là vô đạo đức, tình yêu của công chúng ít quan trọng hơn sự sợ hãi và việc tuyên truyền liên tục đảm bảo sự sống còn của cá nhân” – đánh giá của Orit Galili-Zucker, cựu Trưởng nhóm truyền thông chính trị của ông Netanyahu.
Tuy nhiên, nỗ lực bảo vệ quyền lực của vị Thủ tướng này cũng thất bại khi không thể ngăn chặn chia rẽ nội bộ. Chính những nỗ lực này cũng dẫn đến sự cô lập với một số đồng minh thân cận của ông.
Cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức vào tháng 9/2019, nối tiếp đó là 3 cuộc bầu cử chỉ trong chưa đến 2 năm, và đến cuộc bầu cử thứ tư, tuy vẫn giành số ghế lớn nhất nhưng các phe chống đối đã thành công trong việc lập chính phủ liên minh để loại bỏ ông Netanyahu.
Tân Thủ tướng, ông Naftali Bennett, chính là một đồng minh cũ của Netanyahu nhưng do bất đồng chính trị đã trở thành người đối lập.
Vài tuần trước khi ông Netanyahu chính thức ra đi, các cuộc biểu tình, sự giận dữ và bạo lực nổ ra khắp Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Những người chỉ trích cho rằng, những hoạt động trên đã chứng minh thất bại của ông trong xử lý vấn đề Palestine. Hồi đầu tháng 5, một cuộc xung đột kéo dài 11 ngày đã nổ ra giữa Israel và Palestine, khiến hàng nghìn người Palestine thương vong.
Và ngay sau khi ông Netanyahu phải chính thức từ nhiệm, nhiều cuộc tuần hành ăn mừng diễn ra trên khắp Israel. Người dân đổ ra phố với những lá cờ màu hồng và cầu vồng biểu tượng cho phong trào loại bỏ Netanyahu, cùng với đó là bảng hiệu và băng rôn ghi “Crime Minister”.
Một số người mặc áo và giơ bảng hiệu với nội dung đơn giản “Go” (Đi đi), hay một số người khác lại mặc những chiếc áo thể hiện các cáo buộc và scandal liên quan đến cựu Thủ tướng.
Mặc dù, ông Netanyahu đã đưa ra tuyên bố sẽ đáp trả đến cùng các cáo buộc, cũng như tiếp tục lãnh đạo đảng của mình trở thành phe đối lập, nhưng dường như ông khó có thể giành chiến thắng.
Và trong khi một số người Israel thể hiện sự vui mừng ra mặt, một số người khác lại thể hiện sự lo lắng, khi họ biết rằng tân Thủ tướng cũng là người từng thể hiện sự ủng hộ với các lập trường chống Palestine của ông Netanyahu.