Bệnh viện vệ tinh: Cánh tay nối dài của bệnh viện hạt nhân

GD&TĐ - Với mục đích hướng tới việc giúp người dân được khám, điều trị bằng các kỹ thuật cao ngay tại bệnh viện tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên, các bệnh viện vệ tinh đã từng bước hoàn thành tốt vai trò của mình.

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến cho bệnh nhân mắc bệnh tim tại BV Đa khoa Phú Thọ (Ảnh: BVCC).
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến cho bệnh nhân mắc bệnh tim tại BV Đa khoa Phú Thọ (Ảnh: BVCC).

Giảm tải nhiều áp lực

Mục tiêu đặt ra trong Đề án củabệnh viện vệ tinh đó là các bệnh viện hạt nhân và vệ tinh được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cũng như công nghệ thông tin để thực hiện tốt việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh. Sau 5 năm thực hiện, Đề án Bệnh viện vệ tinh trong giai đoạn đầu, ngành y tế đã xây dựng và hình thành được 23 bệnh viện hạt nhân, cùng 138 bệnh viện vệ tinh.

Đặc biệt có 10 chuyên khoa được đầu tư và bao gồm: Khoa Ung bướu, tim mạch, sản nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM ghi nhận ở các bệnh viện tuyến trên số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đã giảm. Người bệnh đã an tâm hơn khi chữa bệnh tại các bệnh viện ở địa phương mình.

Trao đổi về vấn đề này trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Bệnh viện Vệ tinh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã khẳng định: Đề án thực sự là “đòn bẩy”, từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương, nhất là tại Hà Nội và TPHCM.

Bệnh viện lớn như Hữu nghị Việt Đức chuyển giao kỹ thuật khó cho các bệnh viện vệ tinh thuộc vùng Tây - Đông Bắc của các tỉnh như Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang… đã mang đến những hiệu quả cao trong khám chữa bệnh cho người dân vùng dân tộc thiểu số.

Cụ thể trước đó những kỹ thuật phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi, mổ máu tụ trong não, phần lớn đều phải chuyển tuyến. Nhiều trường hợp do không được xử lý kịp thời cộng thêm thời gian chuyển vì vậy bệnh nhân đáng tiếc đã phải cắt chi. Nhưng khi được chuyển giao kỹ thuật, các bệnh viện vệ tinh đã được đầu tư trang thiết bị, giúp cho việc triển khai các kỹ thuật có hiệu quả hơn.

Nhờ vậy, tỷ lệ thành công cao tốt hơn số lượng bệnh nhân phải cắt chi đã giảm. Người bệnh được chữa trị kịp thời ở tuyến dưới giảm chi phí mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

Cánh tay nối dài

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh phẫu thuật nội soi 3D điều trị thoát vị cho bệnh nhân. (BVCC).
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh phẫu thuật nội soi 3D điều trị thoát vị cho bệnh nhân. (BVCC).

Trong Đề án Bệnh viện vệ tinh, nhiều chuyên khoa cơ bản như tim mạch, ung bướu, chuyên khoa sản, hồi sức cấp cứu, thần kinh… đã được chú trọng đầu tư trong công nghệ chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến. Các bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới được tập trung nâng cấp về cơ sở vật chất đặc biệt là các trang thiết bị y tế hiện đại.

Đơn cử chuyên khoa ung bướu, bệnh viện K có tới 17 bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến cho 30 bệnh viện. Được biết hiện tại, Bệnh viện K đã trực tiếp thực hiện chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho 42 đơn vị điều trị ung bướu thông qua mô hình bệnh viện vệ tinh.

Với vai trò là bệnh viện hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã được Bộ Y tế giao trong trách triển khai chuyển giao các kỹ thuật y tế tiên tiến tới 26 bệnh viện bao gồm các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang… với các chuyên khoa căn bản như: Tim mạch, ung bướu, nội tiết, thần kinh, huyết học, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Hay như tại Bệnh viện TW Huế, với vai trò là bệnh viện hạt nhân, Bệnh viện đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, Bệnh viện Đa Khoa Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu ba Đồng Hới.

Bệnh viện Hạt nhân ở các địa phương đã cố gắng làm tròn vai trò của mình: Tăng cường về cơ sở vật chất để đáp ứng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt hàng năm theo định kỳ các bệnh viện đều cử các y bác sĩ, nhân viên y tế đăng ký theo học các khóa học chuyển giao công nghệ từ các bệnh viện hạt nhân. Thậm chí các bệnh viện hạt nhân còn cử y bác sĩ giỏi để hỗ trợ kịp thời cho các bệnh viện vệ tinh.

Nhờ đó, hiệu quả công tác khám chữa bệnh tại các địa phương được nâng cao, dần dần lấy được sự tin cậy của các bệnh nhân. Kết quả người bệnh tin tưởng vào các bệnh viện tại địa phương, giảm thiểu số lượng bệnh nhân vượt tuyến khi khám và điều trị bệnh.

“Những kết quả của Đề án Bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM. Thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện; củng cố lòng tin của người dân, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh; đồng thời giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, giảm quá tải tại Bệnh viện hạt nhân ở tuyến Trung ương”. (PGS.TS Lương Ngọc Khuê)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ