Bệnh viện thiếu thuốc do "đứt gãy" nhu cầu mua sắm

GD&TĐ - Hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm… đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Lý do là vì các nhà thầu dè dặt cung cấp, giám đốc các bệnh viện không mặn mà thực hiện các gói thầu mua sắm.

Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẩn trương triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá.
Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẩn trương triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá.

Tâm lý “e dè”

Tại Hà Nội, tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là biệt dược, vật tư tiêu hao… đang xảy ra ở nhiều bệnh viện. Tại TPHCM, máy chụp PET/CT của Bệnh viện Ung bướu vừa được tái hoạt động sau một năm “đắp chiếu” vì thiếu thuốc phóng xạ.

Trước đó, cuối tháng 4, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng xảy ra tình trạng thiếu thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận.

Phát biểu về tình trạng này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sau đại dịch, hàng loạt các vụ thanh, kiểm tra, xử lý sai phạm về y tế khiến không chỉ người trong ngành, mà bên ngoài cũng e dè.

Điều đó dẫn đến việc ngại mua sắm, đầu tư, làm thiếu thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết, hiện nay, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư.

“Sau ‘cơn bão lớn’, những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết”, PGS Nguyễn Lân Hiếu nhận định.

Cũng theo PGS Hiếu, Luật Đấu thầu đã có nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế chậm ban hành. Hoặc, nội dung tại văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều đó gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao. Thậm chí tại một số bệnh viện, y - bác sĩ phải tự bỏ tiền mua những vật tư tối thiểu như găng tay.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - cho biết, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm… đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Lý do là vì các nhà thầu dè dặt cung cấp. Bởi, các công ty tư vấn thẩm định tan vỡ hoặc tạm nghỉ.

Ngoài ra, việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế đang bị đình đốn... Do đó, hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, cũng theo GS Trí, nguyên nhân khác là do giám đốc các bệnh viện không mặn mà, thậm chí là ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế.

“Đây là điều đáng quan ngại vì ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh. Họ phải mua vật tư, thuốc ở bên ngoài với giá cao, nhưng không kiểm soát được chất lượng”, GS Nguyễn Anh Trí cho biết.

Bảo đảm quyền lợi người dân

Trước bối cảnh này, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế sớm gia hạn, cấp lại số đăng ký cho các thuốc đã hết số đăng ký; trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia sớm có kết quả đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đồng thời, tái lập trung tâm mua sắm tập trung hàng hóa, tài sản công của ngành y tế theo hướng chuyên nghiệp.

Thời gian qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã giải quyết các hồ sơ giấy phép hết hạn sớm. Đồng thời, đề xuất Chính phủ giảm thủ tục, cho phép duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc 12 tháng để không gián đoạn nguồn cung ứng thuốc.

Ngày 2/6, Cục ban hành công văn công bố danh mục thuốc theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29 - danh mục thuốc hết hạn đăng ký trong năm 2022 được tiếp tục lưu hành tới cuối năm - đợt 1. Danh mục này cho các thuốc hết hạn từ ngày 31/12/2021 - 30/6/2022.

Danh mục này được tiếp tục cập nhật, bổ sung tại các đợt công bố tiếp theo. Dự kiến, trước ngày 15/7, ban hành các thuốc còn lại trong gần 10.000 giấy đăng ký sắp hết hiệu lực chỉ trong năm nay.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế về việc đôn đốc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đáp ứng việc khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.

Để không làm gián đoạn việc khám chữa bệnh và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị trên nghiên cứu, tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đáp ứng việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị thực hiện đầy đủ các trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế... để cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế, bảo đảm quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẩn trương triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá. Ngay khi có kết quả, Bộ Y tế (Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia) sẽ thông báo kết quả trúng thầu và thỏa thuận khung để các cơ sở y tế triển khai, thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.