Bệnh viện dã chiến số 3 Hải Dương “lột xác” so với diện mạo cũ

GD&TĐ - Sau 7 ngày thi công thần tốc, Bệnh viện Dã chiến số 3 Hải Dương đã được “thay áo mới”, khác hoàn toàn so với diện mạo xuống cấp và cũ kỹ ban đầu.

Khó ai có thể hình dung được rằng, trước khi mang sứ mệnh là Bệnh viện dã chiến số 3 của Hải Dương thì Trung tâm Thực hành Thực nghiệm của trường Đại học Sao Đỏ - cơ sở 2 (Thành phố Chí Linh) vốn là khu nhà xuống cấp, tiêu điều như thế này.

Hệ thống điện nước sơ sài, sơn tường bong tróc, mốc meo, phòng ốc dột nát, nền nhà gạch vỡ vụn, khu nhà vệ sinh xập xệ...

Với cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, Trung Tâm Thực hành Thực nghiệm của Trường Đại học Sao Đỏ - cơ sở 2 (Thành phố Chí Linh) chưa đảm bảo tiêu chuẩn về mặt hạ tầng để vận hành Bệnh viện dã chiến.

Ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng từ chính quyền Hải Dương, từ ngày 31/1, Tập đoàn Sun Group đã cấp tập huy động nhân lực từ Hà Nội, Đà Nẵng… triển khai tu sửa, mua sắm vật tư, thi công nâng cấp một số hạng mục của cơ sở cũ nhằm thiết lập Bệnh viện dã chiến số 3 Hải Dương, đáp ứng đúng tiêu chuẩn khắt khe mà Bộ Y tế đưa ra.

Chỉ sau 6 ngày, tới chiều 6/3, toàn bộ khu nhà tầng 3 được “thay áo mới”, phủ sơn trắng tinh, các phòng nội khu được sang sửa sạch đẹp, kiên cố, phân chia thành các khu chức năng xét nghiệm, điều trị bệnh nhân…

Nền nhà bong tróc đã được cải tạo, lát gạch mới tinh tươm, lau dọn sạch sẽ. Một đoạn đường toàn đá dăm và cỏ dại cạnh khu nhà đã được đổ bê tông, làm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển bệnh nhân và trang thiết bị y tế...

Hai phòng vệ sinh cũ của Trung tâm Thực hành Thực nghiệm vốn chật hẹp, xuống cấp đã được cải tạo, mở rộng.

Đồng thời, Bệnh viện dã chiến cũng được lắp đặp thêm 8 nhà vệ sinh mới, rộng rãi để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho các bệnh nhân.

Mỗi phòng vệ sinh đều được trang bị hệ thống bình nóng lạnh, vòi nước cảm biến để phòng tránh lây nhiễm chéo Covid-19.

Hệ thống điện của tòa nhà cũng được nâng cấp công suất, từ việc chỉ duy trì đèn chiếu sáng và quạt điện thì nay có thể chạy nhiều loại thiết bị hiện đại phục vụ cho việc vận hành Bệnh viện dã chiến như: điều hòa, hệ thống kiểm soát, camera, đèn cảnh báo ở những khu bệnh nặng, hệ thống bình nóng lạnh….

Toàn bộ hệ thống nước, xả thải cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp để đảm bảo Bệnh viện dã chiến số 3 vận hành trơn tru và đáp ứng yêu cầu phòng tránh lây nhiễm chéo.

Chiều 6/2, hơn 200 cán bộ nhân viên Sun Group và công nhân nhà thầu vẫn đang nỗ lực dốc sức hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để kịp lễ bàn giao Bệnh viện dã chiến số 3 cho tỉnh Hải Dương.

Dự kiến sau khi hoàn thành, Bệnh viện dã chiến số 3 sẽ đạt tiêu chuẩn phòng chống dịch với nhiều phân khu chức năng, đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng.

Mỗi phân khu được thiết kế riêng biệt, đảm bảo an toàn tối đa cho quá trình điều trị Covid-19.

Khu vực tầng 1 được bố trí phòng riêng cho bệnh nhân nặng, phòng xét nghiệm, phòng thiết bị y tế, kho thuốc, kho vật tư, khu nhà vệ sinh.

Khu vực tầng 2 và 3 gồm hệ thống các phòng điều trị bệnh nhân nhẹ hoặc chuẩn bị xuất viện.

Để đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm chéo, bệnh viện được lắp đặt một cầu thang ngoài trời để bệnh nhân nhẹ và y bác sỹ có thể di chuyển thẳng lên tầng 2 và tầng 3.

Với tổng diện tích 5230,17 m2, Bệnh viện dã chiến số 3 được thiết kế với 236 giường bệnh, ngăn cách bởi các vách ngăn. Các phòng được bố trí đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ bệnh nhân như: giường bệnh, kệ để đồ đạc, thùng rác, công tắc, ổ cắm phục vụ cho công tác thăm khám...

Đối với bệnh nhân tương đối nặng, mỗi phòng sẽ chỉ có 1 giường để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quá trình điều trị, có nút báo khẩn cấp kết nối với Trung tâm chỉ huy.

Toàn bộ khu vực phòng bệnh nhân được sắp đặt hệ thống camera, trang bị phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ…

Bệnh viện cũng được phủ sóng wifi miễn phí và được trang bị hệ thống đường truyền tốc độ cao phục vụ hội chẩn, khám bệnh trực tuyến.

Các cán bộ nhân viên Sun Group và nhà thầu đã làm việc với tinh thần dốc toàn lực, năng suất gấp 2, 3 lần, từ 7h sáng đến 23h đêm mỗi ngày.

Sau 7 ngày thi công thần tốc, Bệnh viện dã chiến số 3 đã cơ bản hoàn thiện, về đích trước 2 ngày so với cam kết với tỉnh Hải Dương.

“So với Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, Bệnh viện Dã chiến số 3 Hải Dương được thi công trong một số điều kiện khó khăn hơn.

Thời điểm cận Tết nên việc tìm được nhân công, nhà thầu chấp thuận đi vào tâm dịch là điều không dễ dàng.

Tuy nhiên, chúng tôi dốc sức làm việc hết công suất để đưa bệnh viện sớm đi vào vận hành, kịp thời chung tay cùng Hải Dương đẩy lùi dịch bệnh Covid”, anh Đoàn Khắc Trung - Chỉ huy trưởng công trình Bệnh viện dã chiến số 3 chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt quá trình thi công, toàn bộ đội ngũ tham gia thực hiện công trình đều được xét nghiệm Covid-19, đo thân nhiệt thường xuyên.

Ngoài ra, công tác phun khử khuẩn toàn bộ khu vực Bệnh viện dã chiến số 3 cũng được lực lượng y tế của Hải Dương triển khai quyết liệt.

Bệnh viện đi vào vận hành sẽ nâng công suất điều trị bệnh nhân Covid-19 của ngành y tế Hải Dương lên khoảng 900 giường.

Trước đó, Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung Tâm Y tế Chí Linh và Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đều đã đi vào hoạt động, đón tiếp bệnh nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.