Bệnh viện Bạch Mai không vô can

GD&TĐ - Liên quan đến vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả điều tra bước đầu cho thấy một số cá nhân tại Công ty BMS, Công ty CP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính (VFS) đã gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để “thổi giá”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cụ thể, tờ khai Hải quan ghi nhận sản phẩm hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh được nhập khẩu với giá 7,4 tỷ đồng gồm cả thuế VAT. Tuy nhiên, một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS đã câu kết với nhau, nâng khống giá lên 39 tỷ đồng và sử dụng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý để đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Với giá 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho 1 ca bệnh chỉ hơn 4 triệu đồng nhưng với giá 39 tỷ đồng, người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng, tức là gấp gần 6 lần. Từ năm 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, tiền chênh lệch các đối tượng hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Thiết chế thẩm định giá vốn là để xác định giá trị bằng tiền của tài sản phù hợp với giá thị trường, nhưng trong vụ việc này đã bị một số cá nhân biến thành công cụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Chưa hết, lừa đảo là một tội, nhưng lừa đảo người bệnh thì thực sự “táng tận lương tâm” và không thể chấp nhận. Bởi người bệnh không chỉ khổ sở vì ốm đau, mà nhiều người trong số họ còn rất nghèo túng. Bằng chứng rõ nhất là Nhà lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Bạch Mai luôn kín phòng. Không biết có bao nhiêu bệnh nhân nghèo đã phải chi trả thêm 19 triệu đồng, số tiền không hề nhỏ, cho những kẻ lừa đảo bất lương kia!

Sự liên đới và trách nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai trong vụ việc này đến đâu cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Nhưng chắc chắn, Bệnh viện Bạch Mai không thể vô can, càng không thể tự nhận mình là “nạn nhân” như TS. Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện nói với báo chí. 

Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Khi thực hiện đấu thầu công khai, khách quan, minh bạch sẽ không có vấn đề gì. Trường hợp không đấu thầu mà chỉ định thầu vẫn phải thông qua công ty có chức năng thẩm định giá hoặc thông qua Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính. Tất nhiên, không tránh khỏi trường hợp móc ngoặc với công ty thẩm định giá để ăn chia. Chưa kể, khi hãng ủy quyền cho đại lý phân phối sản phẩm, người mua gọi điện cho hãng để hỏi giá thì hãng sẽ không bao giờ trả lời để bảo vệ đại lý. 

Tuy vậy, người mua, cụ thể ở đây là Bệnh viện Bạch Mai, hoàn toàn có thể tham khảo thông số giá các loại máy khác, hoặc chủ động tìm kiếm thông tin qua nhiều kênh khác nhau chứ không phải bên thẩm định đưa ra giá nào cũng chấp nhận. Đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện công nên phải có trách nhiệm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh thấp nhất cho người bệnh. “Nhắm mắt đưa chân” để các bên liên quan câu kết “thổi giá” như vậy rõ ràng là lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã thiếu trách nhiệm!

Nhìn rộng ra, việc các bệnh viện được quyền liên doanh liên kết với doanh nghiệp để đầu tư trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị trong thời gian qua đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy vậy thực tế cũng cho thấy có sự liên doanh, liên kết ồ ạt, thiếu kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm trong hợp tác và phân chia lợi nhuận.

Kết quả kiểm toán gần đây cho thấy, một số đơn vị còn chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian thực hiện đề án liên doanh liên kết; chưa đánh giá đúng và đủ các chi phí về mặt bằng, thương hiệu của đơn vị khi tham gia đề án; hoặc chưa làm rõ giá trị máy móc thiết bị tham gia vào liên doanh, liên kết của đối tác, gây bất lợi cho bệnh viện… Vì vậy, các cơ quan quản lý cần tính toán cơ chế kiểm soát phù hợp và xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý; đồng thời xử phạt nghiêm những hành vi gian lận, tư lợi cá nhân trong hoạt động liên doanh, liên kết giữa bệnh viện và doanh nghiệp để làm gương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ