Bệnh viêm não ở trẻ em gia tăng trong mùa Hè

GD&TĐ - Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 4 trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện vì viêm não tăng đột biến.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong mùa Hè, ngoài sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết… thì viêm não, viêm màng não cũng là căn bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh, đặc biệt nguy hiểm là viêm não Nhật Bản.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 4 trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện vì viêm não tăng đột biến.

Tại Khoa Nhi của bệnh viện có nhiều trẻ bị viêm màng não, viêm não. Trong đó, có 2 trẻ từ Yên Bái chuyển xuống trong tình trạng nguy kịch. Còn lại, các trẻ khác đều vào viện với triệu chứng sốt cao, đau đầu.

Một trường hợp cụ thể, bé G.A.T. (4 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái) bị sốt, đau đầu bên trái.

Mẹ bệnh nhi không biết đã cho con uống thuốc gì. Đến tối, trẻ co giật và ngất lịm.

Người nhà không đưa bé đi cấp cứu ngay mà ở nhà lay gọi trẻ. Sáng hôm sau, trẻ mới được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ nhưng không cải thiện.

Sau đó, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trường hợp thứ 2 là bé L.G.A. (9 tuổi, Mù Căng Chải, Yên Bái) vào viện cấp cứu trong tình trạng co giật.

Sau khi ăn sáng, trẻ còn đi chơi bình thường nhưng đột nhiên ngã. Trẻ được đưa vào viện gần nhà cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ không xác định được bệnh gì.

Trẻ tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Khai thác tiền sử cho thấy, từ khi sinh ra, trẻ chưa được tiêm bất cứ loại vaccine nào.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán xác định trẻ mắc viêm não.

TS. BS Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa.

Nguyên nhân thường gặp do virus như herpes, arbovirus lây truyền do muỗi, bét hoặc các côn trùng khác; bệnh dại gây nên do vết cắn của một số động vật nhiễm bệnh như chó, mèo.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm não thứ phát có thể xuất hiện sau khi trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng thường gặp như sởi, rubella, thủy đậu (rất hiếm)...

Đáng lo ngại hơn khi viêm não virus tiến triển từ giai đoạn khởi phát đến toàn phát.

Tuy nhiên, các dấu hiệu ở giai đoạn khởi phát lại rất mơ hồ nên người bệnh thường dễ bỏ qua. Đến giai đoạn toàn phát với các triệu chứng rõ rệt, bệnh đã ở mức độ nặng.

“Di chứng của viêm não rất nặng nề với những tổn thương trầm trọng, ảnh hưởng đến tâm thần và vận động, để lại nhiều di chứng cho trẻ. Do vậy, khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, nôn, đau đầu... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng hơn”, TS. BS Đặng Thị Thúy nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.