Các trường học phải giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và đáp ứng nhanh, xử lý triệt để các ổ dịch.
Dịch bệnh TCM vào mùa
Theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch TCM xuất hiện vào khoảng tuần 39 - 44 của năm và sau đó giảm dần. Dự báo trong những tuần sắp tới, số ca bệnh có thể tiếp tục tăng theo mùa và có thể xuất hiện thêm số ca bệnh nặng cũng như hình thành các ổ dịch ở trường mầm non, nhóm trẻ và cộng đồng.
Mới đây, HCDC vừa phối hợp cùng Trung tâm Y tế Quận 11 đã thực hiện giám sát công tác phòng chống bệnh tại các trường mầm non trên địa bàn Quận 11. Tính đến hết tuần 40, Quận 11 báo về HCDC có 152 ca TCM, tăng hơn 150% so với trung bình 4 tuần trước, đứng thứ 17 toàn thành. Quận 11 cũng đã ghi nhận các chùm ca bệnh TCM trong trường học.
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM, từ đầu tháng 10 đến nay, số trẻ mắc TCM điều trị tại BV bắt đầu tăng. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận nội trú mới khoảng 20 trẻ. Tổng số bệnh nhi nằm viện dao động 40 - 50 trẻ, trong đó luôn có 3 - 4 bé bị nặng, phải hồi sức tích cực. Riêng phòng khám ngoại trú tiếp nhận 200 trẻ bị TCM mỗi ngày.
Ngoài bệnh TCM, tại TPHCM số trẻ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa cũng tăng mạnh. Theo thống kê của BV Nhi đồng 1 TPHCM, vào ngày 12/10, bệnh viện tiếp nhận 8.050 ca khám và sau đó một tuần vào ngày 19/10 số ca tiếp nhận là 8.194 ca khám, gần bằng ngày cao điểm tháng 9/2019 với hơn 8.400 ca. Tương tự, cũng vào 2 mốc thời điểm nêu trên, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận lần lượt 8.075 và 8.237 ca, xấp xỉ ngày cao điểm nhất của tháng 9/2019 là khoảng 8.300 ca. Các bệnh khiến trẻ đi khám nhiều nhất là: Viêm mũi họng, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, viêm phổi...
Trường học tăng tốc phòng dịch
Tại Trường Mầm non Phường 5, Quận 11 - nơi vừa xuất hiện 6 ca TCM, Ban giám hiệu nhà trường đã ngay lập tức triển khai những phương pháp để giám sát phòng chống dịch TCM ngay từ khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên.
Trước khi nhận trẻ vào lớp, nhà trường tổ chức đo nhiệt độ, cho trẻ rửa tay và kết hợp cùng trạm y tế, trung tâm y tế thực hiện khám sàng lọc bệnh TCM. Lớp học, đồ chơi của trẻ cũng được lau chùi sạch sẽ mỗi ngày bằng các dung dịch khử khuẩn nhằm tạo điều kiện sạch sẽ và an toàn cho trẻ khi sinh hoạt và chơi đùa.
Cô Võ Thị Hồng Thúy - Hiệu trưởng Trường MN Phường 5, Quận 11, TPHCM cho biết, hằng ngày khi trẻ đến trường đều được các cô tầm soát để phát hiện các trẻ có biểu hiện nghi ngờ do dịch bệnh, từ đó phối hợp với phụ huynh để cho trẻ đi khám. Khi có kết quả khám bệnh phụ huynh báo cáo lại cho giáo viên để nhà trường có biện pháp phòng dịch ở lớp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng áp dụng các biện pháp để phòng tránh bệnh TCM như hạn chế cho trẻ ra sân chơi trong đợt cao điểm bệnh. Buổi trưa khi cho trẻ ăn cũng áp dụng ngồi giãn cách, khi đi ngủ thì áp dụng cho trẻ nằm đối đầu với nhau.
Ngoài ra, nhà trường còn bố trí mỗi một lớp có một góc tuyên truyền về các bệnh truyền nhiễm TCM, thông tin về bệnh rất ngắn gọn dễ hiểu, kèm theo là những hình ảnh minh họa để phụ huynh xem và thực hiện phòng bệnh một cách hiệu quả.
Không chỉ có trường mầm non có phát bệnh mới lo phòng dịch mà các trường mầm non khác trên địa bàn TPHCM cũng đã nhanh chóng tăng tốc công tác bảo đảm an toàn. Cô Phạm Thị Bảo Châu - Hiệu trưởng Trường MN Bảo Nguyên, (Quận 8, TPHCM) cho biết nhà trường đã phát động tuyên truyền đến mỗi cán bộ giáo viên, phụ huynh tăng cường công tác vệ sinh trường lớp, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ đến trường. Theo đó, mỗi sáng các bé đến lớp đều được đo thân nhiệt, rửa tay kháng khuẩn rồi mới cho vào lớp. Đồng thời, trường thực hiện công tác vệ sinh đồ dùng phòng học mỗi ngày bằng Javel và cho trẻ rửa tay thường xuyên. Giáo viên theo dõi đo thân nhiệt cho các bé, khi trẻ có biểu hiện ho, sốt nhẹ là nhà trường liên lạc ngay cho phụ huynh phối hợp đưa trẻ đi khám.
“Để nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh, mỗi lớp học giáo viên đều lập nhóm Zalo kết nối với phụ huynh để cập nhật tình hình sĩ số mỗi ngày. Khi thấy trẻ vắng và có liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, TCM… nhà trường, đều phối hợp báo cáo với trung tâm y tế để công tác phòng chống dịch được hiệu quả”, cô Châu chia sẻ.