Thông tin trên được ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết tại Hội thảo đối thoại chính sách nhằm đánh giá thực trạng và kết quả các hoạt động dự phòng, quản lý bệnh tim mạch, đồng thời đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách tăng cường hiệu quả phòng, chống bệnh tim mạch tại tuyến y tế cơ sở ở Việt Nam, diễn ra ngày 12/10 tại Hà Nội.
Báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 cho thấy cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Như vậy ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.
Kết quả điều tra năm 2016 cho thấy bệnh tim mạch là căn nguyên gây ra 31% ca tử vong.
Theo các chuyên gia, ngày càng có sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có tim mạch, huyết áp, đái tháo đường do chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động của người Việt.
Theo kết quả Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy có đến 57,2% người trưởng thành ăn ít rau/trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong một ngày). Mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt cao gấp 2 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo đó, mức khuyến nghị là 5 gam muối/người/ngày (tương đương 8g bột canh, hoặc 25ml nước mắc, hoặc 35ml xì dầu).
Có đến 28,1% người Việt thiếu hoạt động thể lực (tức là có dưới 150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương).
Vì vậy, mô hình bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm.
Trong khi đó, còn tỉ lệ rất lớn người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp chưa được phát hiện bệnh. Hiện chỉ có khoảng 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được điều trị và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng.
Theo TS Trương Đình Bắc, nguyên nhân của tình trạng này là do tại các tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở các trạm y tế xã, chưa triển khai đầy đủ hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài - là yêu cầu rất quan trọng đối với bệnh không lây nhiễm.
Để giải quyết các bệnh liên quan đến tim mạch và các bệnh không lây nhiễm, hiện Tổ chức y tế thế giới WHO đã xây dựng gói can thiệp bệnh tim mạch (gói Heart) và khuyến cáo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam áp dụng trong dự phòng và quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng. Gói can thiệp này đưa ra chiến lược tiếp cận nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác.
Theo đó, gói Heart toàn cầu có 6 mô-đun thực hành gồm: Tư vấn lối sống lành mạnh, áp dụng phác đồ điều trị dựa trên bằng chứng, tiếp cận thuốc và công nghệ thiết yếu, đánh giá và quản lý nguy cơ tim mạch, chăm sóc theo nhóm và theo dõi, đánh giá