(GD&TĐ) - Bệnh “tay chân miệng” (TCM) tuy mới xuất hiện ở nước ta từ năm 2003 nhưng đã nhanh chóng bùng phát thành đại dịch (2011 - 2012) ở tất cả các vùng miền trong cả nước với hàng ngàn người mắc. Tính đến thời điểm này, TCM leo lên hàng thứ 2 về số ca mắc cao nhất, sau tiêu chảy (176,10/100.000 dân) và đứng thứ 3 về tỷ lệ người tử vong sau bệnh dại, sốt xuất huyết.
Trong 2 ngày 4-5/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo quốc tế về Tay chân miệng tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu trong nước và Trung Quốc, Malaisia, Nhật Bản, Campuchia… Thông qua các báo cáo chuyên đề, các đại biểu đã thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong việc giám sát, phát hiện và điều trị.
Dịch chững lại nhưng không thể chủ quan
Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước ghi nhận 7977 ca mắc TCM, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Số mắc chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, 58% mắc bệnh do virus EV71. Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, so với cùng kỳ năm 2012, số người mắc TCM giảm đi đáng kể (15.000 ca mắc tại 63 địa phương vào năm 2012).
Phó Viện trưởng Viện Paster Nha Trang Viên Quang Mai cho biết: Giám sát dịch tễ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên cho thấy số ca mắc đã giảm so với năm 2012. Tuy nhiên, theo ông Mai, không có nghĩa dịch TCM không còn là mối lo ngại. Thực tế, theo chu kỳ, TCM sẽ bùng phát và lên đến đỉnh trong 2 năm, như vậy, sau 2 năm bùng phát (2011-2012), TCM sẽ bắt đầu giảm nhưng chắc chắn số người mắc vẫn ở mức cao. Nguyên nhân do TCM là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên với một nước có mật độ dân số đông như Việt Nam, nguy cơ lây lan vẫn rất lớn. Tuy nhiên, số ca tử vong chắc chắn sẽ giảm do chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc giám sát, phát hiện và điều trị bệnh ở tất cả các tuyến.
Rửa tay với xà phòng là cách phòng bệnh đơn giản nhưng lại hữu hiệu nhất. Ảnh: H. Thu |
Còn theo BS Trương Hữu Khanh, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1), TCM vẫn là bệnh mới nên đòi hỏi hệ thống y tế cơ sở phải chẩn đoán sớm, theo dõi phát hiện kịp thời việc chuyển độ nặng để có biện pháp xử trí thích hợp.
Người dân thiếu kiến thức phòng tránh
Theo ThS Trịnh Ngọc Quang, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương, TCM là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nên việc thực hiện các biện pháp vệ sinh trong ăn uống, cá nhân, nơi sinh hoạt là yếu tố quyết định giảm tỷ lệ mắc tại cộng đồng. Tuy nhiên, khảo sát tại các địa phương cho thấy công tác tuyên truyền vẫn chưa đến được đối tượng đích. Đó là người chăm sóc trẻ, gia đình có con dưới 5 tuổi.
10 bệnh có số mắc cao nhất: Tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt rét, lị trực tràng, quai bị, thủy đậu, lị amíp, bệnh do virus adeno và bệnh viêm gan virus. |
BS Phạm Nhật An, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Do trẻ mắc bệnh chủ yếu từ 6 tháng tuổi - 3 tuổi nên việc phòng chống bệnh phụ thuộc chủ yếu vào người chăm sóc, cha mẹ. Nhưng với tỷ lệ người dân không có kiến thức về bệnh cũng như cách phòng ngừa hiện nay là nguyên nhân chính dẫn tới việc có trên 37% trẻ mắc TCM do tiếp xúc với nguồn bệnh và ¾ số ca mặc bệnh tử vong là trẻ dưới 3 tuổi. Điều này cho thấy dù ngành y tế có nỗ lực đến mấy nhưng người dân không chủ động nâng cao kiến thức, không thường xuyên thực hành hành vi vệ sinh thì TCM sẽ vẫn là “kẻ thù” lớn tới sức khỏe, tính mạng của trẻ em.
Còn theo Viện trưởng Viện dịch tễ trung ương Nguyễn Trần Hiển, hiện virus lưu hành chủ yếu vẫn là cúm thông thường. Tuy nhiên, dù là cúm thông thường hay virus gây bệnh TCM, cách phòng bệnh kinh điển nhất vẫn là thường xuyên rửa tay với xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người mắc, mở cửa để phòng ngủ, nơi làm việc thông thoáng, lau chùi đồ vật bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. “Khi trẻ có biểu hiện của bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, tránh tự chữa ở nhà sẽ gây ra các biến chứng nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ”, ông Hiển khuyến cáo.
M. Ngọc