Bệnh nhân 59 tuổi ngừng tim được cứu sống ngoạn mục

GD&TĐ - Bệnh nhân nam, 59 tuổi, tiên lượng tử vong đến 90% do mắc bệnh cơ tim giãn nở đã được cứu sống ngoạn mục nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật.

Bệnh nhân H.V. L (59 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) suýt tử vong được cứu sống ngoạn mục. (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhân H.V. L (59 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) suýt tử vong được cứu sống ngoạn mục. (Ảnh: BVCC)

Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đơn vị này vừa cứu sống bệnh nhân nam H.V.L (59 tuổi, quê Bến Tre) sau khi ngừng tim tại nhà trọ, tiên lượng tử vong đến 90%.

Được biết, bệnh nhân L. mắc bệnh cơ tim giãn nở suốt 4 năm, chưa được điều trị ổn định.

Ngày 24/3, bệnh nhân L. bất ngờ khó thở và ngừng tim tại phòng trọ.

Bệnh nhân L. nhanh chóng được đưa cấp cứu tại bệnh viện đa khoa gần nhà, được hồi sinh tim phổi, sốc điện chuyển nhịp liên tục 20 phút do rối loạn nhịp thất, bệnh nhân L. phục hồi được tuần hoàn tự nhiên.

Tuy nhiên, bệnh nhân L, có bệnh lý tim mạch nền cơ tim giãn, suy chức năng co bóp cả hai tâm thất năng và tình trạng tụt huyết áp sâu nên phải sử dụng vận mạch liều cao; bệnh nhân L. bị phù phổi cấp tiên lượng nguy cơ tử vong gần 90%.

Hội chẩn liên viện, bệnh nhân L. được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục điều trị.

Đây là trường hợp thứ ba liên tiếp trong 1 tháng qua bị đột tử do ngừng tim ngoại viện và cũng là trường hợp nặng nhất được cứu sống thành công tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. (Ảnh: BVCC)

Đây là trường hợp thứ ba liên tiếp trong 1 tháng qua bị đột tử do ngừng tim ngoại viện và cũng là trường hợp nặng nhất được cứu sống thành công tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. (Ảnh: BVCC)

Tại đây, ekip ECMO của Đơn vị Hồi sức tim mạch đã được kích hoạt, bệnh nhân L. được can thiệp ECMO lại ghép động tĩnh mạch trong vòng 30 phút, hạ thân nhiệt trung tâm và hỗ trợ lọc máu liên tục.

ThS.BS Nguyễn Thanh Thảo - Trưởng nhóm ECMO, thông tin, bệnh nhân phải sử dụng thuốc vận mạch kèm các thuốc tăng co bóp cơ tim và các thuốc chống rối loạn nhịp. Chức năng co bóp thất trái và cả thất phải suy giảm rất nặng (phân suất tống máu thất trái chỉ 15%) làm diễn tiến suy đa tạng sau ngừng tim kéo dài của bệnh nhân L. bắt đầu nặng nề hơn ngay cả khi được hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể.

Sau 1 tuần kiên trì hồi sức bằng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, sức khỏe của bệnh nhân L. dần ổn định, phục hồi tri giác hoàn toàn, các biện pháp hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn nhân tạo được dừng hẳn sau 10 ngày và được xuất viện vào chiều 15/4.

“Đây là trường hợp thứ ba liên tiếp trong 1 tháng qua bị đột tử do ngừng tim ngoại viện và cũng là trường hợp nặng nhất được cứu sống thành công tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định”, BS Thảo cho hay.

Theo ThS.BS Trần Thị Ngọc Mỹ - Chuyên gia điều trị suy tim Đơn vị Hồi sức tim mạch, đối với bệnh cơ tim giãn nở, hiện nay tại các trung tâm tim mạch chuyên sâu, hoàn toàn có thể dự đoán nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp thất dựa trên kiểu hình lâm sàng, phối hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh học tim mạch và tầm soát đột biến gen nguy hiểm.

Người bệnh mắc bệnh cơ tim giãn nở với nguy cơ đột tử cao do rối loạn nhịp thất có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng điều trị nội khoa suy tim tối ưu, kèm cấy máy phá rung (ICD) khi có chỉ định.

“Người bệnh suy tim do các bệnh cơ tim nên đến các trung tâm tim mạch hoặc cơ sở y tế uy tín thăm khám chuyên sâu và theo dõi định kỳ để được chẩn đoán xác định nguyên nhân bệnh cơ tim, phân tầng nguy cơ đột tử và đưa ra các chiến lược can thiệp để dự phòng đột tử hiệu quả.

Bên cạnh đó, khi người bệnh có tiền sử bản thân mắc các bệnh tim mạch hay tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch di truyền đột ngột xuất hiện các triệu chứng đau tức ngực, chóng mặt, ngất, khó thở, yếu tay chân… nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí ban đầu kịp thời”, BS Mỹ khuyến cáo.

Bệnh cơ tim dãn nở là một bệnh lý cơ tim nguyên phát với kích thước các buồng tim dãn lớn và chức năng co bóp cơ tim suy yếu. Bên cạnh diễn tiến suy tim thì đột tử do rối loạn nhịp thất là nguyên nhân tử vong thường gặp ở người mắc bệnh cơ tim dãn nở. Tần suất đột tử do rối loạn nhịp thất chiếm 2-3% mỗi năm kể từ khi được chẩn đoán, ngay cả khi người bệnh được điều trị nội khoa ổn định. Tuy nhiên, khi đột tử xảy ra nguy cơ tử vong rất cao, hồi sinh tim phổi khó có hiệu quả do chức năng co bóp cơ tim nội tại kém.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.