Tỉ lệ mắc bệnh đái tháo nhạt khoảng 1/25.000. Đái tháo nhạt là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh nội tiết và thường gặp ở đối tượng người lớn.
Do rối loạn nội tiết
Đái tháo nhạt (Diabetes Insipidus, viết tắt: DI) là tình trạng rối loạn nội tiết trong cơ thể người bệnh. Sự rối loạn này liên quan đến hormone Arginin vasopressin chống bài tiết nước tiểu (Antidiuretic Hormone, viết tắt là ADH).
Chất này có vai trò điều chỉnh lượng nước tiểu thải qua thận. Do sự rối loạn mà vai trò này bị mất và nước tiểu không còn được kiểm soát sự đào thải nên tha hồ qua thận đổ ra ngoài tạo bệnh cảnh đái tháo nhạt.
Hormone chống bài niệu được sản xuất bởi một thành phần trong não bộ gọi là vùng dưới đồi. Sau đó, hormone này được chuyển đến dự trữ tại tuyến yên (là một tuyến nhỏ nằm gần vùng dưới đồi). Từ tuyến yên, hormone chống bài niệu được giải phóng vào máu khi các bộ phận chức năng liên quan có nhu cầu.
Các trường hợp bệnh lý gây mất nước, mất máu và tụt huyết áp, cơ thể sẽ ngay lập tức tăng cường sản xuất và giải phóng hormone chống bài niệu nhiều hơn bình thường. Điều này sẽ giúp thận hạn chế tối đa sự bài xuất nước tiểu, các trường hợp nặng sẽ gây vô niệu. Trạng thái này nhằm mục đích giữ nước lại cho cơ thể để duy trì huyết áp và sự tuần hoàn máu.
Ảnh minh họa: ITN |
Ở một người bình thường, nước tiểu trước khi bài tiết đã được thận làm cho cô đặc, nên nhiều khi thấy nước tiểu sẫm màu, lượng ít. Trái lại, ở người bệnh đái tháo nhạt thì nước tiểu đúng là… nhạt thật, vì nó không được làm cho cô đặc nên màu sắc nước tiểu thường trong veo, lượng nước tiểu thải ra mỗi ngày rất nhiều và gần như không kiểm soát được.
Bệnh đái tháo nhạt chia thành 2 nhóm cơ bản. Nhóm bắt nguồn từ sự suy giảm bài tiết hormone chống bài niệu từ thùy sau tuyến yên gọi là đái tháo nhạt trung ương (Central Diabetes Insipidus, viết tắt là CDI).
Nhóm khác, mặc dù ADH được cung cấp đầy đủ nhưng thận lại “trơ” đáp ứng và làm mất kiểm soát, gọi là đái tháo nhạt do thận (Nephrogenic Diabetes Insipidus, viết tắt là NDI). Trong đó, nhóm bệnh đái tháo nhạt trung ương thường gặp hơn đái tháo nhạt do thận.
Bệnh khởi phát khi bị tổn thương vùng dưới đồi hoặc tuyến yên. Trên thực tế, có những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo nhạt sau một chấn thương vùng sọ hoặc phẫu thuật vùng sọ.
Ngoài 2 nhóm trên, bệnh đái tháo nhạt còn xảy ra ở những người phụ nữ mang thai và bệnh cũng sẽ biến mất ngay sau khi sinh. Nên được gọi là bệnh đái tháo nhạt thai kỳ.
Tỉ lệ mắc bệnh khoảng 4/100.000. Những người mẹ mang đa thai thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn do có nhiều nhau thai cùng tham gia sản xuất vasopressinase hơn người mẹ mang đơn thai.
Gây mất nước
Người mắc bệnh đái tháo nhạt có số lần đi tiểu vượt trội so với một người bình thường và mỗi lần đi tiểu, lượng nước tiểu cũng nhiều hơn một cách bất thường. Do đi tiểu quá nhiều lần và lượng nước tiểu cũng nhiều nên nước tiểu gần như không có sự cô đặc, rất nhạt màu.
Người bệnh luôn có cảm giác khát nước và uống nước rất nhiều, nhất là nước lạnh và nước đá. Càng uống nhiều nước, nước tiểu càng tự do tuôn ra ngoài mà chưa có sự “chế biến” của nhà máy thanh lọc nước tiểu là thận.
Nếu như một người bình thường lượng nước tiểu thải ra trong ngày khoảng 1,5 đến 3 lít thì người mắc bệnh đái tháo nhạt có thể thải ra đến 20 lít nước tiểu trong một ngày. Do đó, nếu bệnh tiến triển lâu ngày và không được điều trị hiệu quả, người bệnh ngày càng teo tóp và suy kiệt.
Bệnh đái tháo nhạt là bệnh gây mất nước cho cơ thể. Nói khác hơn, tế bào trong các bộ phận cơ thể luôn đặt trong tình trạng thiếu nước và mất nước. Vì vậy, đây là một bệnh nghiêm trọng cần được điều trị tích cực và hiệu quả để giữ cho cuộc sống của người bệnh luôn được cân bằng.
Nếu ngừng uống nước hoặc không được điều trị thích hợp, người bệnh thường có các biểu hiện sau đây: Cảm giác khô niêm mạc ở miệng, môi và mắt, cảm giác mệt mỏi và chóng mặt, buồn nôn. Các trường hợp nặng đột nhiên bị ngất xỉu. Nếu không được điều trị cấp cứu sẽ rơi vào hôn mê và tử vong.
Việc điều trị người bệnh đái tháo nhạt tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu bệnh nhân là phụ nữ mang thai bị đái tháo nhạt thai kỳ thì diễn tiến bệnh thường nhẹ nhàng, không có điều trị gì đặc biệt.
Minh họa/INT |
Người bệnh được khuyên khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm nhằm tầm soát rối loạn nước và điện giải cơ thể để có sự điều chỉnh phù hợp. Trường hợp bệnh nặng, gây mất nước nghiêm trọng đe dọa sự phát triển thai nhi hoặc tính mạng người mẹ, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc sử dụng các loại hormone tổng hợp để kiểm soát sự thải nước tiểu.
Các trường hợp đái tháo nhạt trung ương do bệnh lý vùng dưới đồi tuyến yên như u tuyến yên thì cần phẫu thuật sớm để loại bỏ khối u. Sau đó dùng liệu pháp hormone thay thế dưới dạng xịt mũi, viên uống hoặc tiêm.
Bệnh nhân đái tháo nhạt do thận, nếu dùng thuốc gây ảnh hưởng thận thì cần ngưng sử dụng. Người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp như ăn nhạt, ít đạm và dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.